Vắng cha, con trai lạc lối - thế giới của con sẽ đẹp hơn khi có cha

Trường Thịnh

(Dân trí) - Những đứa trẻ nhận được sự quan tâm, yêu thương của cha luôn là những đứa trẻ hạnh phúc, giàu tình yêu thương và biết phát huy sự sáng tạo trong mình.

Guy Corneau là nhà văn, diễn viên và nhà phân tâm học nổi tiếng thuộc trường phái Jung, người Québec, Canada. Trong tác phẩm "Vắng cha, con trai lạc lối", ông đề cập đến tầm quan trọng của người cha trong gia đình hiện đại, rằng việc thiếu vắng cha cũng gây ảnh hưởng rất nhiều cho người con trai trong việc định hình, tìm lại bản dạng nam tính của chính mình. Với ông, việc thiếu vắng người cha, về mặt vật lý hay tinh thần sẽ khiến con trai không thể đồng hóa với cha mình để thiết lập bản dạng nam tính và khó tiến được đến giai đoạn trưởng thành.

Vắng cha, con trai lạc lối - thế giới của con sẽ đẹp hơn khi có cha - 1
Bìa sách "Vắng cha, con trai lạc lối" - Tìm lại bản dạng nam tính.

Thuật ngữ "người cha vắng mặt" trong cuốn sách này được sử dụng với nghĩa khá rộng. Guy Corneau sử dụng để ám chỉ sự thiếu vắng người cha ở phương diện thể lý lẫn tâm lý, cũng như sự thiếu hụt về tinh thần lẫn cảm xúc. Nó cũng hàm ý những người cha mặc dù có hiện diện nhưng lại hành xử theo cách khó chấp nhận.

Ví dụ những người cha độc đoán, áp đặt, ghen tị với tài năng của con trai mình hoặc những người cha nghiện rượu, bất ổn về mặt cảm xúc, khiến con trai họ luôn ở trong trạng thái bất an. "Con trai lạc lối" được định nghĩa như sự thiếu kết nối cảm xúc giữa cha và con trai. Nó không hẳn mang nghĩa người con trai bị thất lạc hay mất tích, mà đúng hơn là người con trai bị lạc mất người cha mà họ đang vô thức tìm kiếm.

Xuyên suốt cuốn sách, tác giả luôn nhấn mạnh vai trò của cha trên mọi phương diện. Theo ông, người cha là người - khác quan trọng đầu tiên mà đứa trẻ gặp gỡ bên ngoài tử cung của người mẹ. Người cha là hiện thân cho những nguyên tắc của thực tế và trật tự trong gia đình.

Bên cạnh đó, ông cũng đề cập đến một vấn đề thực tiễn đã và đang gây ra những nhức nhối trong nội tâm của chính những người cha. Ông nhắc đến nền văn hóa hiện đại nơi mọi người định nghĩa đàn ông là người "không bộc lộ cảm xúc". Từ đó sự nam tính bấy lâu nay vẫn đang được định nghĩa theo cách tiêu cực: không khóc, không lắng nghe chính mình, không nói ra cảm xúc của bản thân, không được trông quá nữ tính.

Bản dạng nam tính được dựa trên việc ngăn chặn mọi biểu đạt về cơ thể và cảm xúc. Tuy vậy, không phải đàn ông không nhạy cảm, đúng hơn là họ bị cấm thể hiện sự nhạy cảm nếu muốn được những người đàn ông khác công nhận. Dần dần họ trở thành một người đàn ông với một trái tim tách biệt.

Trớ trêu thay, sau đó cũng chính tất cả chúng ta lại kỳ vọng đàn ông phải biết sống gắn bó, thân thiết với bạn đời và con cái. Làm thế nào mà một người đã tách mình khỏi cơ thể và trái tim, điều đang được xã hội ngưỡng mộ, cổ xúy - lại có thể khao khát gắn bó thân thiết với bất kỳ ai? Vấn đề nghịch lý này được tác giả đặt ra, cũng là điều mà bấy lâu nay chúng ta ít khi chịu nhìn nhận. Dù mỗi ngày những người đàn ông vẫn loay hoay đấu tranh nội tâm để chọn lựa mình nên là người như thế nào, nhưng chưa bao giờ ai trong số họ nghiêm túc để nhìn nhận đây là một vấn đề cần phải thay đổi.

Không có mẫu hình nào hoàn hảo nào đàn ông cũng không có gia đình nào hoàn hảo. Người cha có quyền sống là chính mình với tất cả những khuyết thiếu của bản thân. Khi bộc lộ con người bất toàn của chính mình, người cha hé mở cho đứa trẻ một thế giới thực tế, nơi không phải lúc nào cũng đòi hỏi nó thật hoàn hảo.

Nhờ đó, đứa trẻ thấy rằng không phải cứ hạ thấp người khác thì mới thể hiện được sức mạnh, rằng cạnh tranh và thi đua lành mạnh không phải lúc nào cũng làm con người ta mất ăn mất ngủ và rằng tài năng có thể là niềm vui chứ không phải là nguồn cơn khiến mọi người xa lánh ta.

Và hãy để những người đàn ông được sống với những tình yêu thương, những cư xử dịu dàng họ vốn có. Từ đó những mối quan hệ trong gia đình, mối quan hệ cha-con, đàn ông - phụ nữ mới trở nên tốt đẹp hơn. Guy Corneau chia sẻ: "Tôi không biết đàn ông là gì và càng không biết đàn ông nên là gì. Thay vì đi tìm định nghĩa, tôi cố gắng cảm nhận anh ta và tìm hiểu con người bên trong anh ta. Tôi cố gắng để người đàn ông bên trong mình hiện ra ngoài ánh sáng".

Với câu chuyện thiếu vắng cha, thiếu những sự quan tâm của cha dễ dẫn đến hệ lụy bất hạnh cho những người con, Thái Hà Books hy vọng thông qua cuốn sách "Vắng cha, con trai lạc lối", quý độc giả có thể nhận ra vai trò quan trọng của người cha cùng với người mẹ trong việc nâng đỡ, giúp con mình tự tin bước ra xã hội rộng lớn bên ngoài.