1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vấn đề bô xít: “Chính phủ không tách” mà “làm theo dự án”

(Dân trí) - “Không phải tách ra mà phải làm theo dự án và làm theo dự án như vậy mới làm tốt được”, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng lập luận trước câu hỏi cho rằng, việc xé lẻ dự án bô xít là nhằm lách luật, lách thẩm quyền phê duyệt của Quốc hội.

Phải thay đổi những gì không hợp lí

 

Trong phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã dành một phần thời gian nói về khai thác bô xít, chủ đề rất được quan tâm trong các phiên chất vấn trước đó.

 

Theo Phó Thủ tướng, nước ta có tiềm năng bô xít lớn, với trữ lượng 5,5 tỉ tấn. Nếu khai thác như đã được qui hoạch có thể kéo dài đến cả trăm năm, còn nếu khai thác phục vụ nhu cầu trong nước có thể đến 200 - 300 năm.
 
Vấn đề bô xít: “Chính phủ không tách” mà “làm theo dự án” - 1
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: "Không có chuyện đổ lỗi cho QH" (ảnh: Việt Hưng).

 

Chủ trương khai thác bô xít để xây dựng ngành công nghiệp alumin, nhôm đã thống nhất từ hơn chục năm nay.

 

Cũng theo ông Hùng, khi có ý kiến của các nhà cách mạng lão thành cũng như ý kiến của các nhà khoa học, Chính phủ đã tổ chức hội thảo và tập hợp đầy đủ để báo cáo Bộ Chính trị. “Những việc làm đó là minh bạch, cầu thị, trong sáng, đúng với sự lãnh đạo của Đảng”, ông Hùng khẳng định.

 

Với các dự án Tân Rai, Nhân Cơ, Chính phủ đã tổ chức đấu thầu công khai và đơn vị trúng thầu là một Cty có uy tín của Trung Quốc. Hiện có 4 người Úc, 664 người Trung Quốc đang làm việc tại các dự án và được quản lí theo đúng pháp luật Việt Nam. Số lao động này sau khi hoàn thành công việc và chuyển giao sẽ về nước.

 

Đại biểu Dương Trung Quốc chất vấn, giải trình của Chính phủ nói không đưa bô xít ra Quốc hội vì “lỗi” của Quốc hội không yêu cầu, nhưng nhiều ý kiến của đại biểu cho rằng, Chính phủ đã lách luật bằng việc chia nhỏ các dự án (khiến các dự án dưới hạn mức quyết định đầu tư của Quốc hội) và đặt câu hỏi về ý kiến của Phó Thủ tướng với vấn đề này.

 

Đáp lại, ông Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, qui hoạch nói chung, Quốc hội phân cấp cho Chính phủ và các địa phương, trong đó bô xít là ngành kinh tế hẹp trong công nghiệp. Theo ông Hùng, không có chuyện đổ lỗi cho Quốc hội và trong giải trình không có từ nào là “đổ lỗi”.

 

Chưa đồng tình, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, đó chỉ là ngôn ngữ, là cách nói. Đồng thời vị đại biểu “nhắc” Phó Thủ tướng trong việc chưa trả lời câu hỏi về việc tách các dự án bô xít.
 
Vấn đề bô xít: “Chính phủ không tách” mà “làm theo dự án” - 2
Đại biểu Dương Trung Quốc: "Chính phủ đã lách luật bằng việc chia nhỏ các dự án" (ảnh: Việt Hưng).

 

Phó Thủ tướng lí giải, việc lập từng dự án là theo qui định của pháp luật. Mỗi dự án xem xét một cách khá toàn diện, từ thăm dò, khảo sát, lập dự án, chế biến, khai thác và những vấn đề sau khai thác như hoàn thổ, trồng cây…  “Không phải tách ra mà phải làm theo dự án và cũng phải làm theo dự án như vậy mới làm tốt được”, ông Hùng lập luận.

 

Ông Hùng cũng mở rộng, chỉ có lập qui hoạch và trên cơ sở qui hoạch lập dự án mới bảo đảm tính thiết thực của dự án trên nhiều lĩnh vực. “Có thể qui hoạch chưa hoàn chỉnh, sẽ tiếp tục hoàn chỉnh, có thể dự án chưa chu đáo, sẽ tiếp tục làm cho chu đáo”, Phó Thủ tướng hứa.

 

Trong phần tổng kết về chủ đề bô xít, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cho rằng, bô xít là vấn đề lớn, nhạy cảm và những ý kiến thảo luận, chất vấn về vấn đề này là những ý kiến chân thành, trách nhiệm, chí ít cũng là những ý kiến phản biện, lưu ý, nhắc nhở, cảnh báo.

 

Ông Trọng đề nghị cần tiếp tục lắng nghe, thường xuyên cập nhật thông tin, sẵn sàng thay đổi những gì không hợp lí. Quốc hội sẽ thực hiện đúng chức năng giám sát trong vấn đề này.

 

“Nói cho dân biết về tình hình biển Đông”

 

Phần bấm nút của mình, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) “bung” ra một loại câu hỏi tự “cảnh báo” trước là… nhạy cảm. Ông Thuyết “truy vấn” việc gần đây có nhiều đề án của Chính phủ không nhận được sự đồng tình cao, thậm chí gây phản ứng gay gắt ở một bộ phận người dân.

 

“Phải chăng do việc xây dựng các đề án, dự án ấy có phần chủ quan hay vì không thực hiện kịp thời, không công khai thông tin khiến người dân thiếu niềm tin vào tính khách quan, vô tư của các đề án, dự án”, ông Thuyết đặt câu hỏi.

 

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng “chỉnh” ngay từ “không đồng thuận”. Theo ông, vấn đề chỉ là nhiều dự án còn một số ý kiến, một số dự án có nhiều ý kiến còn việc góp ý rất đáng hoan nghênh, không nên coi là không đồng thuận. Còn dự án sai thì ngành, Chính phủ phải sửa.

 

Câu hỏi tiếp theo, đại biểu Thuyết nhắm vào việc quá nhiều dự báo sai so với thực tế. Sau ví dụ về dự báo giá xăng dầu để lên khung chỉ tiêu tăng trưởng, ông Thuyết quay qua chứng khoán. “Cách đây 1 năm, trong bối cảnh thị trường chứng khoán sau thời gian trượt dốc dài bắt đầu le lói màu xanhg trở lại, tôi có nghe Phó Thủ tướng nói nếu có tiền sẽ đầu tư vào chứng khoán. Nhưng ngay sau khi Phó Thủ tướng nói, thị trường lao dốc, thủng đến mấy lần đáy trong suốt 1 năm, giờ mới nhúc nhắc trở lại. Việc Phó Thủ tướng nói vậy là để khích lệ nhà đầu tư hay dựa trên một kết quả dự báo?”.

 

Ông Hùng “thanh minh”, đúng là có bảo mua nhưng là chứng khoán cổ phần, để đầu tư dài hạn. “Nếu năm ngoái tôi mua thì giờ thắng rồi, sẽ khá đấy. Chỉ có điều không đủ có tiền để mua”, Phó Thủ tướng tự tin nhắc lại.
 
Vấn đề bô xít: “Chính phủ không tách” mà “làm theo dự án” - 3
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết: "Phó Thủ tướng khuyên mua để khích lệ nhà đầu tư hay dựa trên dự báo?" (ảnh: Việt Hưng).

 

Về tình hình biển Đông, đại biểu Dương Trung Quốc đặt vấn đề “Chính phủ làm nhiều nhưng không nói cho dân biết”. Ông Quốc kêu khó không biết trả lời cử tri thế nào khi được hỏi về vùng lãnh hải của tổ quốc trong khi Chính phủ chỉ khuyến cáo ngư dân không nên ra đánh bắt ở vùng tranh chấp.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng lý giải, vấn đề biển Đông đã giải quyết tốt vùng Vịnh Bắc bộ, có phân ranh giới, kiểm định, đánh giá. Ở những vùng biển khác, theo ông Hùng đã bàn đến việc tuần tra chung, hợp tác chung, giải quyết cả vấn đề về dân cư. “Vùng biển còn lại, chúng ta hợp tác, đấu tranh theo nguyên tắc giữ vững chủ quyền về biển đảo của đất nước”.

 

Ông Hùng cũng thông báo thêm, Chính phủ vừa qua đã gửi tới Liên hợp quốc báo cáo về biển đảo của Việt Nam. Báo cáo này thực hiện theo đúng tinh thần Công ước 82 về luật biển mà Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn. Theo Phó Thủ tướng, đây cũng là động thái để công khai với thế giới về việc Việt Nam thực hiện luật pháp quốc tế về biển, trong đó có vấn đề chủ quyền.

 

Không hài lòng với câu trả lời, đại biểu Dương Trung Quốc bật lại: “Việc thông qua công ước luật biển, gửi báo cáo tới quốc tế là đương nhiên nhưng vấn đề phải thông tin với dân”. Ông Quốc yêu cầu công bố vùng tranh chấp hiện nay.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ khẳng định lại lần nữa, vấn đề biển Đông đã công khai với thế giới về lập trường, chủ quyền của Việt Nam.

 

Cấn Cường - Phương Thảo