1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chưa có “phán quyết” cho kỳ thi chung

(Dân trí) - Trong khi đại biểu ra sức “phê” cách tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân vẫn đánh giá đây là kỳ thi an toàn, nghiêm túc nhất. Ông Nhân cho rằng cách tổ chức này tạo tiền đề cho kỳ thi chung nhưng chưa “chốt” thời điểm áp dụng.

Chưa có “phán quyết” cho kỳ thi chung - 1

(Ảnh: Việt Hưng)
 
“Một kỳ thi nghiêm túc và an toàn”

Đại biểu Nguyễn Đình Liêu (Tây Ninh) cho rằng, kì thi tốt nghiệp vừa qua gây tốn kém, khó khăn nhiều cho gia đình, học sinh và đề nghị người đứng đầu ngành giáo dục đánh giá về vấn đề này.

Đáp lại, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong những năm qua Bộ liên tục cải cách thi cử. Tại kì thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Bộ đã tổ chức thi theo cụm nhằm tạo tiền đề để tiến tới “gộp” hai kì thi (thi tốt nghiệp và thi đại học) làm một.
 
Chưa có “phán quyết” cho kỳ thi chung - 2
Đại biểu Thái Thị An Chung: "Cách thức thi mới chỉ có lợi cho Bộ" (Ảnh: Việt Hưng)

Người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định, thi theo cụm phức tạp nhưng là việc phải làm vì mang lại hiệu quả. Do học sinh các trường ở xa đến ở tại điểm thi, không phải đi lại nên đã hạn chế được việc bỏ thi mà cụ thể số em bỏ thi ít hơn năm trước hơn 3.000 em.

“Nghiêm túc và an toàn nhất trong những năm gần đây” là đánh giá của Bộ trưởng Nhân với kì thi vừa tiến hành.

Chưa hài lòng với trả lời này, đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) đặt vấn đề, căn cứ nào để đánh giá kì thi là tốt nhất trong những năm vừa qua, bởi như đại biểu này nhìn nhận, cách thức thi mới chỉ có lợi cho Bộ, nhưng khổ cho dân.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Hoàng Thám về vụ 6 tiến sĩ, giáo sư đánh bạc bị công an bắt quả tang với tang chứng gần 30 triệu đồng đăng trên báo, Bộ trưởng GD-ĐT thừa nhận: “Đây là việc đau xót với ngành”. Tuy nhiên, đây cũng là lần đầu tiên phát hiện hiện tượng tiêu cực này đối với cán bộ giáo dục.

Bộ trưởng Nhân lí giải, việc tổ chức thi có phức tạp hơn, nhưng đã làm chủ được. Ông Nhân đưa ra các con số về số trường hợp thí sinh vi phạm, số giám thị vi phạm cùng số vụ tai nạn giao thông giảm, hiện tượng tụ tập tại các điểm thi không còn, để khẳng định “tổ chức kì thi 2009 là tốt nhất trong những năm qua”.

Đại biểu Sùng Thị Chư (Yên Bái) chưa “thuận” theo trả lời của Bộ trưởng Nhân và chất vấn tiếp: “Một số học sinh đã phải bỏ thi, bị tai nạn do phải đi xa, thậm chí đến 50 - 70 km. Bộ trưởng phải có giải pháp khắc phục để không làm mất cơ hội của các em học sinh?”.

Ông Nhân cho biết, Bộ sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề về thi cụm, chấm chéo và ông sẽ nghe kỹ hơn về vấn đề đặt ra. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giáo dục cũng khẳng định, trong việc chỉ đạo tổ chức thi, ngành giáo dục đã đề cập đến việc chỉ tổ chức thi cụm ở những nơi có điều kiện, không tổ chức thi cụm ở mức gây khó khăn cho các em đi lại. Cùng đó, ông khẳng định lại một lần nữa về số em bỏ thi, số vụ tai nạn giảm.

Đại biểu An Chung truy tiếp “thi cụm có phải là thí điểm và Bộ dự định khi nào tổ chức thi chung?”. Ông Nhân cho rằng, việc tổ chức thi cụm áp dụng kì thi chung sẽ hạn chế được tiêu cực do các em giám sát lẫn nhau.

Tuy nhiên, Bộ chưa có phương án cuối cùng cho kì thi chung. “Tới đây sẽ tiến hành thảo luận kĩ trong ngành và tổ chức lấy ý kiến của dư luận rồi mới làm đề án trình Chính phủ”, ông Nhân cho biết.

Đổi chương trình phổ thông, nhanh phải 2015

Đại biểu Hồ Quốc Dũng (Bình Định) đặt vấn đề 62% trường lớp mầm non ngoài công lập mà số này gần như buông lỏng quản lý. Ông Dũng bức xúc khi nêu không ít trường hợp gần đây các cơ sở bị phát hiện cho trẻ uống thuốc tăng trưởng, bạo hành trẻ. Nhiều cơ sở “nuôi và nhốt” theo đúng nghĩa, cơ sở vật chất nhếch nhác. Đại biểu xoáy vào cơ chế quản lý của Bộ thời gian tới để sửa sai?

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân “chỉnh” ngay về con số, tỷ lệ trường mầm non ngoài công lập theo báo cáo chính thức hiện chiếm 51%. Về hiện tượng các cơ sở, cô giáo vi phạm quy định giữ trẻ, ông Nhân cho biết đã cho rà soát, kiểm tra thì những cơ sở này đều hoạt động “chui”, chưa được cấp phép vì không đảm bảo điều kiện theo quy định.

Bộ GD-ĐT vừa qua cũng đã rà soát trên toàn quốc các trường mầm non, cơ sở giữ trẻ ngoài công lập và “gom” lại, đào tạo nghiệp vụ sư phạm cấp tốc cho những “cô giáo” chưa qua trường lớp. Bộ trưởng Nhân khẳng định, hiện có 70% giáo viên mầm non đạt tiêu chuẩn.
Chưa có “phán quyết” cho kỳ thi chung - 3
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục nhận nhiều chất vấn bên hành lang phiên họp (Ảnh: Việt Hưng).

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Tây Ninh) nêu câu hỏi: “Hiện mới chỉ 70% số trẻ từ 3-5 tuổi được đến trường, 30% còn lại có gặp khó khăn, thiệt thòi khi vào học cấp I khi yêu cầu hiện nay với trẻ lớp 1 là phải nhận biết được mặt chữ, không ít trường còn yêu cầu biết đọc biết viết?”.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân xác nhận đây là một tồn tại, bức xúc. Với những trẻ chưa được học mầm non trong khi nhà nước cũng chưa phổ cập được chương trình cho trẻ 5 tuổi, có rất nhiều khó khăn cho các em khi vào lớp 1. Hiện tại, để khắc phục việc này, ngành giáo dục áp dụng biện pháp mở lớp “học cấp tốc” trong hè cho những trẻ chưa từng tới lớp, miễn phí cho trẻ nghèo. Ông Nhân hứa phấn đấu đến năm 2015 đảm bảo trên 95% trẻ mẫu giáo được tới trường, học ngày 2 buổi.

Cũng liên quan đến mốc 2015, đại biểu Nguyễn Duy Hữu (Đăk Lăk) cho rằng, chương trình đào tạo ở bậc tiểu học, phổ thông quá nặng, rất nhiều ý kiến phản ứng nhưng Bộ GD-ĐT vẫn đặt vấn đề đến thời điểm ấy mới xem xét sửa chương trình.

Ông Nhân giải thích, năm 2010 sẽ tiến hành đánh giá tổng quát vấn đề này, so với xu hướng của thế giới và yêu cầu của Việt Nam. “Việc này làm nhanh thì cũng phải sang năm 2011 mới xong. Đi vào thiết kế chương trình cho từng môn học các bậc học lại phải sang 2012. Sau đó, viết sách giáo khoa, nhanh cũng phải 2013 và dạy thử ít nhất một năm, tức phải năm 2014 mới hoàn thành” - ông Nhân phân trần. Theo đó để thay đổi chương trình đại trà, sớm nhất là 2015. Khi đó, bộ sách giáo khoa hiện tại cũng dùng được 13 năm.

Cấn Cường - Phương Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm