Khoảng 2.400 DN ngừng hoạt động trong 5 tháng
(Dân trí) - Có bao nhiêu doanh nghiệp (DN) phá sản trong giai đoạn suy giảm kinh tế vừa qua là câu hỏi của đại biểu mà Bộ trưởng KH-ĐT Võ Hồng Phúc chưa thể đáp ứng. Tuy nhiên, theo ông Phúc, có khoảng 2.400 doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động.
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc, đại biểu Lương Phan Cừ (Đak Nông) đã nêu câu hỏi, trong năm 2008 và quý I năm 2009 có bao nhiêu doanh nghiệp bị phá sản, giải thể, rút giấy phép đầu tư, bao nhiêu doanh nghiệp gặp khó khăn cần phải hỗ trợ?
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, đến lúc này, con số doanh nghiệp chính thức phá sản chưa có. Với các doanh nghiệp có nguy cơ khó khăn thì theo kểt quả điều tra của một số tổ chức, có khoảng 20 - 30% các doanh nghiệp có nhiều khó khăn trong vấn đề tài chính, vấn đề giải quyết việc làm.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: "số doanh nghiệp mất đi ở nước ta không nhiều" (Ảnh: Việt Hưng).
Cũng về chủ đề này, đại biểu Phan Hữu Việt (Bắc Ninh) cho biết, ông đã trao đổi với Chánh án TAND và được biết, rất ít số liệu nộp đơn xin phá sản ở Việt Nam.
“Bộ trưởng suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?” là câu hỏi đại biểu Việt gửi tới Bộ trưởng, bởi theo ông, ở Mỹ trong riêng tháng 5 có 7.516 doanh nghiệp phá sản, ở Anh riêng trong quý I là có 29.000 doanh nghiệp phá sản.
Ông Việt cũng đặt vấn đề, có nên xem xét sửa đổi Luật phá sản không, vì tình hình thực tế phá sản theo ông là nhiều và biết được việc này mới biết được nguyên nhân để có giải pháp giúp được doanh nghiệp một cách tốt nhất.
Đáp lại, Bộ trưởng Phúc cho biết, 5 tháng đầu năm 2009 có 34.800 doanh nghiệp đăng ký mới. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động trong 5 tháng chỉ có 2.400 doanh nghiệp. “So số đăng ký mới, số ngừng hoạt động tương đối nhỏ”, ông Phúc khẳng định.
Mở rộng vấn đề, ông Phúc cho biết, kể từ khi chúng ta có luật Doanh nghiệp, số doanh nghiệp cả nước có 412.000 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp đang nộp thuế cho các cơ quan thuế của địa phương là 345.000 doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động với số doanh nghiệp đăng ký là 83%.
Đối chiếu chung với thống kê của một số nước như Đài Loan, Hàn Quốc, một số nước khác, 17% doanh nghiệp mất đi theo ông Phúc là tỉ lệ tốt. Còn ở các nước, tỷ lệ ngừng hoạt động sau khi đăng ký thành lập, có nước lên đến 70% sau 7 năm.
Ông Phúc lí giải, để hình thành được một doanh nghiệp ở các nước rất đơn giản, “anh nào cũng lập doanh nghiệp được”, cho nên lập được nhiều thì con số chết đi cũng nhiều.
“Ở ta tương đối chặt chẽ và khi lập doanh nghiệp, họ có mục đích kinh doanh đàng hoàng và có vốn kinh doanh đàng hoàng họ mới lập nên tỷ lệ mất đi thấp hơn”, ông Phúc nhấn mạnh.
Cấn Cường