1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hai Bộ đồng tình “khai tử” 50 sân golf

(Dân trí) - Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường khẳng định, những dự án sân golf lấy đất trồng lúa sẽ phải chuyển đổi, trong khi Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư cho biết, sẽ kiên quyết loại bỏ 50 sân golf.

Các đại biểu liên tục đưa ra câu hỏi “nóng” về sân golf trong cuộc chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên chiều nay 12/6, khiến Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Võ Hồng Phúc cũng phải “chia lửa”.
 
Loại 10/19 sân golf của Hà Nội
 
“Số sân golf ở nước ta có phải là quá nhiều không? Các sân golf chiếm dụng 80% diện tích đất nông nghiệp và có dự án chỉ dùng 30% đất làm sân, còn lại dùng để kinh doanh bất động sản, Bộ trưởng nghĩ gì khi sân golf chỉ dành cho người giàu, trong khi người nghèo lại mất đất?”, đại biểu Nguyễn Minh Hà chất vấn.
 
Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên hiện nay nước ta chưa có qui hoạch tổng thể về sân golf nên cũng chưa thể có qui hoạch về kế hoạch sử dụng đất cho sân golf.
 
Vừa qua, các tỉnh đã lấy đất dành cho du lịch, vui chơi thể thao, đất công viên cây xanh làm sân golf, chứ chưa có tiêu chí về đất cho sân này. Có cả những sân golf lấy vào đất lúa hay có những sân golf trá hình, lấy đất để làm bất động sản.
 
Vừa qua Bộ đã yêu cầu dừng lại việc xây dựng tất cả các sân golf để chờ qui hoạch tổng thể về sân golf. Đồng thời, kiến nghị dự án nào lấy đất nông nghiệp, nhất là đất lúa sẽ phải chuyển đổi.
 
Hai Bộ đồng tình “khai tử” 50 sân golf - 1
Bộ trưởng TN-MT có 120 phút bị "truy vấn" tại hội trường (ảnh: Việt Hưng).
 
Bộ cũng đề nghị điều chỉnh lại diện tích các sân golf cho phù hợp, bởi lẽ thực tế hiện nay đa số các sân golf đều vượt diện tích. Chẳng hạn, với sân golf 18 lỗ chỉ cần diện tích 100ha, nhưng hiện nay có sân lên đến 120ha, thậm chí 300ha.
 
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường, sẽ rà soát lại những sân golf lấy đất xây dựng bất động sản để xử lí.
 
Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, Bộ này đã có kết quả rà soát sân golf và tổng số hiện nay có 166 dự án đang hoạt động, đang triển khai, đang trong qui hoạch. Trong đó, có 145 dự án đã cấp đất, 84 dự án cấp giấy chứng nhận đầu tư.
 
Theo ông Phúc, bình quân hiện nay một sân golf chiếm diện tích 300ha. Tổng cộng có 10.500ha đất nông nghiệp bị chiếm dụng, trong đó có 2.900ha đất lúa.
 
Sau khi xem xét mức độ cần thiết của nước ta, trong đề án qui hoạch tổng thế sân golf  đến năm 2020, Bộ đã kiến nghị giữ lại 116 sân, loại 50 sân đang triển khai hoặc đang chuẩn bị. Cùng đó, đưa ra tiêu chí sân golf với diện tích không quá 100ha, ngoại trừ những sân ở địa hình khó khăn như đồi núi, ao hồ được cộng thêm 10%. Thêm nữa, mỗi sân golf chỉ được chiếm 10ha đất lúa xấu.
 
“Loại 50 sân golf là một cuộc đấu tranh gay gắt, nhưng chúng tôi kiên quyết loại bỏ. Không có lí do gì lại lấy đất ruộng làm sân golf được”, ông Phúc nhấn mạnh.
 
Hai Bộ đồng tình “khai tử” 50 sân golf - 2
Đại biểu Nguyễn Minh Hà: "70% diện tích đất sân golf lại dùng để làm nhà vườn, biệt thự bán" (ảnh: Việt Hưng).
 
“Chúng ta gấp 10 lần thế giời về mật độ sân golf, không biết trong số 50 sân golf sẽ kiên quyết loại bỏ có 3 sân golf  soán đất của Trung tâm tinh đông lạnh moncada và trung tâm giống cây rừng không?”, đại biểu Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) lo lắng.
 
Theo đại biểu này, hai trung tâm khoa học trên có ý nghĩa cực kì quan trọng mà nếu mất đi các trung tâm khoa học như vậy cũng là đánh mất cơ hội làm giàu cho đất nước.
 
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên chia sẻ, tiêu chí để chọn các địa điểm xây dựng trung tâm khoa học về cây trồng và vật nuôi là hết sức ngặt nghèo. Bộ sẽ kiểm tra qui hoạch sử dụng đất và qui mô các sân này. “Tinh thần chung là phải giữ lại 2 trung tâm này”, ông Nguyên trấn an.
 
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc bổ sung, trong số 19 sân golf của Hà Nội, Bộ KHĐT kiến nghị loại 10 sân. “Với các sân lấn vào trung tâm khoa học, chúng tôi kiến nghị phải dừng”, ông Phúc cho biết.
 
Ông Phúc đề nghị chuyển yêu cầu này cho Chủ tịch UBND TP Hà Nội xử lí vì đây là thẩm quyền của cấp tỉnh.
 
Sửa luật đất đai căn cơ, “thọ” hơn
 
Vấn đề bô xít Tây Nguyên khơi lên ở Hội trường hôm qua vẫn “rớt” lại câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) dành cho Bộ trưởng TN-MT. Bà Mai yêu cầu giải trình chiến lược khai thác sử dụng nước khi tiến hành dự án: “Nước thải sau chế biến đi về đâu, có gây thảm họa cho đất rừng và khu vực hạ lưu?”.
 
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên tự tin trả lời: Việc sử dụng nước cho 2 nhà máy alumin ở Tây Nguyên áp dụng phương pháp tuần hoàn, tức khâu chế biến thải bao nhiêu nước sẽ được xử lý và tái sử dụng tiếp. Ông Nguyên khẳng định, về cơ bản lượng nước này không thẩm thấu, lan tràn làm ảnh hưởng khu vực hạ lưu.
 
Hai Bộ đồng tình “khai tử” 50 sân golf - 3
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên và ban thư kí bắt tay vui mừng sau phần trả lời chất vấn (ảnh: Việt Hưng).
 
Chuyển sang nhóm vấn đề liên quan đến việc sửa luật đất đai, đại biểu Nguyễn Hữu Phúc (Bến Tre) tỏ ra bức xúc về tiến độ chậm so với quy định.
 
Trước quy kết của ông Phúc, Bộ trưởng Nguyên “trần tình”, quá trình sửa luật chia làm 2 mảng, những vấn đề bức xúc trong dân (sổ hồng, sổ đỏ, quyền sở hữu nhà cho người nước ngoài) sửa trước, phần còn lại có kế hoạch lâu dài.
 
Ông Nguyên chỉ hứa: “Lần sửa này sẽ rất căn cơ. Tôi nói rất thật lòng, trong 20 năm qua, luật đất đai sửa đến 5 lần, tuổi thọ ngắn khiến việc triển khai thực hiện cũng vướng nhiều”.
 
Chưa xuôi, đại biểu Nguyễn Minh thuyết (Lạng Sơn) gay gắt vì ngay việc trình Luật sửa đổi cũng chưa rõ bao giờ. Ông Thuyết yêu cầu phân định rõ tránh nhiệm chậm trình của Bộ TN-MT.
 
Một lần nữa, Bộ trưởng Nguyên xin “hoãn binh”: Tháng 6 này sẽ trình báo cáo Chính phủ để xem xét vấn đề thuyết minh. Ông Nguyên cũng đề nghị tổ chức Hội nghị TƯ để xin ý kiến vì sửa lần này tương đối căn cơ, có tuổi thọ dài hơi hơn. Để giải quyết vấn đề bức xúc, Bộ TN-MT cũng cố gắng để có thể ban hành trong tháng 6 nghị định xây dựng kế hoạch sử dụng đất tầm nhìn đến 2020.
 
Cấn Cường - Phương Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm