1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vẫn còn hơn 4.000 tàu thuyền chưa về nơi trú ẩn

(Dân trí) - Trước tình hình cơn bão Cimaron đang chực uy hiếp các tỉnh miền Trung, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão đã liên lạc và kêu gọi các tàu thuyền khẩn trương về nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 300 tàu cá, trên đó có 3.852 ngư dân đang hoạt động ở khu vực nguy hiểm giữa và nam biển Đông.

Tính đến 7 giờ sáng nay (31/10), các địa phương có nguy cơ chịu sự ảnh hưởng của bão Cimaron đã liên lạc và gọi về được 24.396 phương tiện với 162.276 người, nhưng vẫn còn 4.272 phương tiện với 37.455 ngư dân chưa vào nơi tránh bão.

 

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, dự kiến đến ngày 3/11, bão số 7 có thể đổ bộ vào đất liền khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi. Vậy nên, sáng nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát đã có mặt tại Đà Nẵng để chỉ đạo, kiểm tra công tác chuẩn bị đối phó, phòng chống cơn bão số 7. Ngoài ra, Bộ này cũng đã cử 2 đoàn công tác và cán bộ tăng cường cho miền Trung.

 

Số liệu từ Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, số tàu thuyền ở các địa phương chưa về nơi trú ẩn an toàn hiện là: Quảng Bình còn 146 phương tiện (66 ở Vịnh Bắc Bộ, 80 ở vùng biển Huế - Đà Nẵng); Quảng Trị còn 49 phương tiện.

 

Đà Nẵng: 85 phương tiện chưa vào bến ở địa phương; Quảng Nam còn 1 tàu đang đánh bắt tại ngư trường giữa và Nam biển Đông vẫn chưa liên lạc được; Bình Định: 82 phương tiện đang trên đường vào bờ.

 

Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa còn 38 tàu thuyền đang đánh bắt tại ngư trường từ Ninh Thuận đến Bà Rịa Vũng Tàu, chưa liên lạc được…

 

* Sóng biển vùng gần tâm bão cao 10-12 mét

 

Vào 11h30 sáng nay, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương đã phát đi bản tin dự báo đề nghị tàu thuyền hoạt động trên các khu vực biển ảnh hưởng bởi bão khẩn trương tìm nơi tránh bão; đặc biệt, các tàu thuyền nhỏ không nên di chuyển về vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa. 

 

Vẫn còn hơn 4.000 tàu thuyền chưa về nơi trú ẩn  - 1
Trong 24 đến 48 giờ tới, bão số 7 sẽ di chuyển chậm theo hướng tây mỗi giờ đi được khoảng 10 km. 

 

Theo đó, do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc và giữa biển Đông có gió bão mạnh cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão cấp 13, cấp 14, giật trên cấp 14, sóng biển cao từ 10 đến 12 mét. Biển động dữ dội.

 

Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên gần sáng ngày 2/11 có gió bão mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9; biển động rất mạnh. Ngoài ra, trên vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa có mưa rào và dông rải rác và có gió mạnh cấp 6, cấp 7; trong cơn dông có gió giật mạnh và có khả năng xảy ra tố lốc.

 

Dự báo trong 24h tới, bão số 7 di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và có khả năng mạnh thêm (đến 10 giờ sáng ngày 1/11 vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 độ vĩ bắc; 114,8 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300km về phía đông). Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 - 300km; từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100 - 150km .

 

Trong 24 đến 48h tới, bão số 7 sẽ di chuyển chậm theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 km (đến 10 giờ sáng ngày 2/11 vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,2 độ vĩ bắc; 112,6 độ kinh đông, sát phía đông quần đảo Hoàng Sa. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 - 300km ; từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100km.

 

Hồi 10h sáng nay (31/10), vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,5 độ vĩ bắc; 117,0 độ kinh đông cách bờ biển Trung Trung Bộ khoảng 1.100km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật trên cấp 14.  

 

Hiền Linh