1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Kom Tum:

Vaccine lở mồm long móng rò rỉ từ Chi cục Thú y?

Giữa lúc giới chăn nuôi địa phương lao đao khốn đốn vì đại dịch lở mồm long móng thì trên địa bàn thị xã Kon Tum xuất hiện nguồn tin: Có thể dễ dàng tìm mua thứ vaccine đáng tin cậy, mà đường đi của chúng bắt đầu từ... nhà kho Chi cục Thú y (?!).

“Em chị làm ở chi cục mà”

 

Trong vai một người chăn nuôi đang khốn khổ vì đàn heo nhà 20 con bỗng nhiên trở chứng, PV ghé cửa hàng thú y Kim Anh (79 Bà Triệu, thị xã Kon Tum). Bà chủ xởi lởi tỏ ý tiếc vì chỉ còn vaccine 15 liều; loại 10 liều “trước cũng có, nhưng nay bán hết mất rồi”. Cuộc mua bán diễn ra nhanh chóng. Hoá đơn bán lẻ ghi giá 105 ngàn đồng cho lọ 15 liều, vaccine hiệu PosiFMD.

 

Liếc qua tấm nhãn, thấy ghi sản xuất tháng 3/2006; hạn sử dụng đến tháng 8/2006. Tôi băn khoăn về chất lượng, bà chủ chấn an: “Chị bán cho chi cục (thú y) mà. (Hễ) chi cục có, mình có, chi cục hết, mình hết. (Vaccine) không lấy ở đâu khác cả”.

 

Cho rằng khách vẫn chưa thật sự yên tâm, bà chủ tiếp tục “bật mí” rằng mình có em gái làm ở Chi cục Thú y Kon Tum nên nguồn hàng ổn định, đáng tin cậy, dù đắt hơn nơi khác chút ít. Xin lưu ý, vacine phân phối qua cơ quan thú y trước nay đều được Nhà nước cấp không.

 

Bà chủ cửa hàng Kim Anh còn đảm bảo, có thể cung cấp với số lượng lớn các loại vacine lở mồm long móng (LMLM). Cùng lắm, ở những thời điểm “nóng”, chỉ phải chịu đứt hàng mấy hôm. Tại Kon Tum, ngay các đơn vị quân đội cũng từng mua vacine Kim Anh để chữa chạy cho đàn bò đông đúc hàng trăm con. Về việc tuồn vacine ra ngoài, bà thì thầm: “Trước kia có đợt dùng vaccine Pháp, họ (chi cục) cũng lấy bán bớt. Do tủ lạnh không đảm bảo”!

 

Có hay không việc “rò rỉ” vaccine?

 

Sáng 31/5, chúng tôi có cuộc tiếp xúc với Chi cục trưởng Chi cục Thú y Kon Tum Nguyễn Quang Lãng. Ông Lãng xác nhận năm 2006, chi cục có nhập về loại vaccine typ O Posi-FMD như nhãn hiệu mà Kim Anh đang tiêu thụ. Tuy nhiên, khi chúng tôi thuật lại nội dung trao đổi tại 79 Bà Triệu, ông Chi cục trưởng đáp trả là “vừa đúng, vừa sai”. “Đúng”: Chủ nhân Kim Anh có cô em gái đang công tác tại chi cục; người này thậm chí đang giữ cương vị thủ kho. “Sai”: Không thể có chuyện “thẩm thấu” nguồn vaccine do Nhà nước trợ cấp ra ngoài.

 

Ông Chi cục trưởng “phản biện”: Cả 5 đợt vaccine tiếp nhận về địa phương, chi cục đều lập kế hoạch phân phối cho các huyện, thị xã. Chẳng hạn, đợt 70.000 liều về cuối tháng 5, thì địa chỉ hưởng lợi là thị xã Kon Tum và huyện Kon Rẫy. Từ phân tích trên, ông Nguyễn Quang Lãng phỏng đoán: “Có thể đó là vaccine thương mại mà cơ sở kinh doanh thuốc thú y lựa chọn ở nhà các nhà cung cấp hợp pháp. Việc nêu xuất xứ liên quan đến chi cục, đơn giản chỉ là thủ thuật quảng cáo mà thôi. Chúng tôi chưa từng có chủ trương đưa vaccine ra kinh doanh bên ngoài”.

 

Dù sao, trao đổi “bên lề”, bác sĩ Lãng thừa nhận, không loại trừ khả năng “có ai đó” trong bộ máy của ông cố tình “ăn vụng”. Bản thân ông cũng nói không thể biết chính xác còn bao nhiêu liều vaccine hiện tồn trong kho. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của ông Chi cục trưởng, rằng: Rất dễ xác định đường đi đích thực của những liều vaccine “trôi nổi” nếu cơ quan chức năng Kon Tum vào cuộc. 

 

Theo Xuân Nhàn

Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm