Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật 65 đảng viên trong năm 2023
(Dân trí) - Năm 2023, riêng Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật 29 tổ chức đảng và 65 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kỷ luật 183 tổ chức đảng và 6.302 đảng viên, trong đó có 1.975 cấp ủy viên.
Con số này được báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, diễn ra sáng 27/12.
Báo cáo kết quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng năm 2023, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết cấp ủy các cấp đã kiểm tra 57.486 tổ chức đảng và gần 324.000 đảng viên.
Qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kết luận 284 tổ chức Đảng và hơn 3.000 đảng viên phải thi hành kỷ luật. Trong đó, các cơ quan đã kỷ luật 216 tổ chức đảng, 2.645 đảng viên.
Qua giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo tổ chức đảng và đảng viên, cấp ủy các cấp xác định 4 tổ chức đảng và 46 đảng viên có vi phạm, khuyết điểm, trong đó 37 đảng viên và 4 tổ chức đảng phải thi hành kỷ luật.
Ủy ban Kiểm tra các cấp cũng đã kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của hơn 7.300 đảng viên, kết luận 239 đảng viên vi phạm, có khuyết điểm.
Một số vi phạm, khuyết điểm được chỉ ra như giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập chưa đầy đủ, rõ ràng, kê khai tài sản không đầy đủ thông tin, không thống nhất, không đúng hình thức quy định…
Về thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kỷ luật 183 tổ chức đảng và 6.302 đảng viên, có 1.975 cấp ủy viên (chiếm 31,34%).
Trong đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật 29 tổ chức đảng và 65 đảng viên; còn Ủy ban Kiểm tra các địa phương, đơn vị thi hành kỷ luật 154 tổ chức đảng và 6.237 đảng viên.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định, hướng dẫn, quy trình về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ, phù hợp với quy định của Đảng và điều kiện thực tiễn.
Theo cơ quan kiểm tra của Đảng, việc xác định phương hướng, nhiệm vụ, xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát phải khả thi, thực chất, phù hợp với điều kiện, tình hình của địa phương, đơn vị. Đặc biệt, đơn vị quán triệt phương châm giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh định hướng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đáng chú ý, cơ quan kiểm tra sẽ tập trung kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vẫn đề nổi cộm, nội bộ mất đoàn kết, nhất là dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ‟tự diễn biến", ‟tự chuyển hóa"; vi phạm trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín.