Ngày Quốc tế Người khuyết tật 3/12:

Ước mơ một thế giới cho tất cả!

(Dân trí) - Nước ta có khoảng 6 triệu người khuyết tật (NKT) nhưng khi ra đường người ta rất ít thấy NKT. Bởi lẽ hầu hết NKT đều bị bó buộc trong nhà, trong không gian sống chật hẹp vì các công trình tiện ích khó tiếp cận và định kiến xã hội của một thế giới chỉ dành cho người không khuyết tật.

Chỉ cần được trao cơ hội

Ngày 2/12, Trung tâm Khuyết tật và phát triển (DRD) đã tổ chức chương trình kỷ niệm 10 năm ngày thành lập và Ngày Quốc tế Người khuyết tật 3/12. Tại ngày hội, cả ngàn NKT và không khuyết tật không khỏi thán phục khi được giao lưu với những con người khiếm khuyết một phần chức năng cơ thể nhưng đầy nghị lực và thành đạt.

Đó là anh Lê Minh Duy, chàng trai khuyết tật nặng, phải di chuyển bằng xe lăn nhưng đã nỗ lực học tập và làm việc để khẳng định mình. Duy chỉ mới tốt nghiệp đại học 2 năm nhưng đã được tập đoàn Cogini Hongkong Limited tin tưởng bổ nhiệm làm Trưởng Văn phòng đại diện tại Việt Nam, lãnh đạo 30 nhân sự là người không khuyết tật.

Ước mơ của chị Võ Thị Hoàng Yến cũng như cộng đồng NKT là thế giới sẽ được xây dựng cho tất cả mọi người (ảnh: Loan Lương)
Ước mơ của chị Võ Thị Hoàng Yến cũng như cộng đồng NKT là thế giới sẽ được xây dựng cho tất cả mọi người (ảnh: Loan Lương)

Cộng đồng NKT còn thán phục chị Võ Thị Hoàng Yến, người sáng lập DRD và kiên trì hỗ trợ cộng đồng NKT hơn 10 năm qua. Với nỗ lực và ước mơ của mình, chị đã tìm kiếm mọi nguồn lực gầy dựng nên DRD, đưa các chương trình hỗ trợ NKT từ nước ngoài về Việt Nam.

Chị Hoàng Yến bị tật chân sau cơn sốt bại liệt năm 3 tuổi, một chân mất khả năng vận động, chân còn lại rất yếu. Chị chỉ có thể di chuyển bằng nạng trong một quãng đường ngắn. Nhưng Hoàng Yến vẫn nỗ lực học tập, lấy 2 bằng đại học, học thạc sĩ ở Mỹ và đang làm nghiên cứu sinh tại Úc.

Hình ảnh chị Lưu Thị Ánh Loan, Giám đốc DRD, với cái chân khập khiễng vì bị teo cơ sau 1 cơn sốt nặng nhưng phong thái rất tự tin cũng khiến mọi người trầm trồ khen ngợi. Dù cái chân bị teo nhỏ, khả năng vận động mất hẳn nhưng nhờ quá trình tập luyện, Ánh Loan vẫn có thể đi trên hai chân dù hơi khó khăn.

Với đôi chân khập khiễng ấy, chị đã vượt qua những quãng đường đến trường xa xôi, leo cầu thang đến lớp trong mấy năm trời để theo đuổi quá trình học đại học, rồi học thạc sĩ ở Mỹ. Đến nay, chị đã là 1 trong những chuyên gia tổ chức hoạt động hỗ trợ NKT hàng đầu trong nước với kinh nghiệm hơn 10 năm công tác trong lĩnh vực này.

Lê Minh Duy chỉ vào chiếc xe lăn điện mình đang dùng và chia sẻ: “Tôi có được ngày hôm nay là nhờ sự hỗ trợ của rất nhiều tổ chức xã hội. Nhờ được hỗ trợ chiếc xe lăn điện này mà có tôi có thể đến lớp, hoàn thành khóa học đại học. Nhờ được tuyển vào làm việc, trao cơ hội chứng tỏ mình mà tôi đạt được thành công như hôm nay. Từ đó, tôi nghiệm ra rằng, chỉ cần trao cho NKT cơ hội và hỗ trợ hòa nhập thì chúng tôi có thể tự lực vượt qua khó khăn, vươn lên sống tốt như bao người khác”.

Dù còn rất nhiều rào cản, nhưng NKT Việt Nam đang không ngừng phấn đấu để vươn lên (ảnh: Loan Lương)
Dù còn rất nhiều rào cản, nhưng NKT Việt Nam đang không ngừng phấn đấu để vươn lên (ảnh: Loan Lương)

Một thế giới cho tất cả

Theo chị Võ Thị Hoàng Yến, nhà nước ta đã có rất nhiều chính sách nhân đạo để hỗ trợ đời sống của NKT. Tuy nhiên, các chính sách trên chủ yếu là cho “con cá” chứ chưa tạo “cần câu” cho NKT tự lực vươn lên, tự lao động để nuôi sống bản thân.

Chị cho rằng: “Để cộng đồng NKT phát triển bền vững, cần có chính sách tạo điều kiện cho NKT có thể ra đường học tập và làm việc, hỗ trợ họ hòa nhập xã hội. Để làm được điều này, chúng tôi mong muốn xây dựng một thế giới có thể dành cho tất cả mọi người, kể cả người không khuyết tật lẫn NKT”.

Theo chị, thế giới hiện nay chỉ dành cho người không khuyết tật, còn NKT rất khó tiếp cận. Chị kể: “Từng có 1 nhóm sinh viên Thụy Điển chia sẻ với tôi là họ rất ngạc nhiên vì họ đi tham quan TPHCM cả tuần mà hầu như không thấy NKT. Họ ngạc nhiên vì theo sách vở họ được biết Việt Nam có rất nhiều NKT do ảnh hưởng của chiến tranh và chất độc hóa học. Điều đó không có gì lạ! Bởi NKT ở Việt Nam rất ít người dám ra đường nên người ta ít thấy”.

“Không phải NKT không muốn ra đường. Không phải NKT muốn ru rú trong xó nhà cả đời. Họ muốn ra lắm chứ! Chỉ là ai cho họ ra đường? Khi mà đường xá chúng ta không thể cho xe lăn di chuyển! Khi mà trường học, công trình công cộng đầy bậc thang. Khi mà đến công viên cũng rào lại không cho xe lăn vào!”, chị Yến bức xúc.

Cộng đồng NKT mong muốn xã hội sẽ không còn những rào cản như thế này
Cộng đồng NKT mong muốn xã hội sẽ không còn những rào cản như thế này

Theo chị Võ Thị Hoàng Yến, thế giới hiện nay NKT khó tiếp cận còn vì định kiến xã hội dành cho họ. Chị kể: “Ngày nhỏ tôi mơ làm bác sĩ như ba tôi để chữa bệnh cho mọi người. Lớn lên tôi lại muốn làm nhà văn để đi khắp nơi, kể lại những cảnh sống mà tôi được thấy. Thế nhưng, mọi người lại tư vấn tôi học ngoại ngữ vì họ bảo ngành này phù hợp với tôi, dễ kiếm việc làm. Vậy mà khi cầm bằng tốt nghiệp đi xin việc, ai cũng hài lòng về kiến thức của tôi nhưng khi nhìn thấy đôi chân bị tật, họ lại lắc đầu. Không ai cho tôi cơ hội chứng minh mình làm được việc. Ngay từ đầu họ đã định kiến NKT là không thể làm việc!”.

Vì lẽ đó, chị Võ Thị Hoàng Yến đánh giá thế giới hiện nay của chúng ta chỉ dành cho người không khuyết tật. Chị mơ ước thay đổi điều đó, để thế giới có thể dành cho tất cả mọi người. Đó là thế giới mà cả người không khuyết tật và NKT đều được tạo điều kiện để học tập và làm việc, cùng tự lao động để mưu sinh và mưu cầu thành công, hạnh phúc!

Lê Minh Duy cũng đồng tình: “Đó cũng là ước mơ của tôi, mà tôi nghĩ tất cả NKT như tôi đều ước mơ như thế. Một thế giới dành cho tất cả!”.

Tùng Nguyên