1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tiếp cận công trình công cộng - còn xa xỉ với người khuyết tật?

(Dân trí) - “Theo Đề án của Chính phủ hỗ trợ NKT giai đoạn 2012-2020 và Kế hoạch trợ giúp NKT của UBND TP Hà Nội giai đoạn 2013-2020, ít nhất 50% công trình công cộng phải đảm bảo được sự tiếp cận của người khuyết tật đến năm 2015. Nhưng tới nay vẫn chưa thể thực hiện được”.


Muốn đi tìm việc, đường đi tới nơi phỏng vấn của NKT phải được đảm bảo.

Muốn đi tìm việc, đường đi tới nơi phỏng vấn của NKT phải được đảm bảo.

Bà Phan Thị Bích Diệp, Phó Chủ tịch Hội NKT Hà Nội, trao đổi với PV Dân trí về việc tiếp cận công trình công cộng của người khuyết tật (NKT). Đây là thực tế bức thiết đối với NKT khi hòa nhập cộng đồng và tìm kiếm việc làm.

“Điều đơn giản nhất, trẻ em khuyết tật muốn đi học nhưng hầu hết các trường từ tiểu học tới cấp 3 đều không có công trình tiếp cận, đặc biệt khu vệ sinh riêng biệt. Không chỉ có vậy, nhiều công trình công trình công cộng khác tại Hà Nội cũng gặp tình trạng tương tự” - bà Phan Thị Bích Diệp nói.

Thực tế này được phản ánh khá rõ trong Cuốn sổ tay dành cho NKT tiếp cận công trình công cộng - một khảo sát Hội NKT Hà Nội và một số cơ quan chức năng công bố năm 2015.

Đây là kết quả nghiên cứu trong năm 2013-2014 về mức độ tiếp cận công trình dành cho NKT tại 110 công trình công cộng lớn tại Hà Nội, như: Bảo tàng lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nhà tù Hỏa lò, Đền Ngọc Sơn, Vườn hoa Lý Thái Tổ, Rạp Tháng Tám, Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Tràng tiền Plaza, Bưu điện Hà Nội, chùa Trấn Quốc, ga Hà Nội, bến xe Mỹ Đình…

Các hạng mục được đánh giá mức độ tiếp cận chủ yếu như: Bãi đỗ xe, lối vào chính, nhà vệ sinh, phòng vé, thang máy, quầy lễ tân, chỗ ngồi…

“Kết quả cho thấy, đa số các công trình trên chỉ có thể tiếp cận được 1 phần. Đa số các khó khăn gặp phải ở đường vào chính, nhà vệ sinh không phù hợp. Một số công trình có xây dựng công trình tiếp cận cho NKT nhưng chưa đạt chuẩn” - bà Phan Thị Bích Diệp nói.

Theo đại diện Hội NKT Hà Nội, Bộ Xây dựng đã ban hành một Bộ quy chuẩn tiêu chuẩn tiếp cận công trình cho NKT từ năm 2002, nhưng thực tế triển thực hiện chưa đúng như trong quy định.

“Khó khăn trong tiếp cận các công trình công cộng cũng là một nguyên nhân khiến NKT phải từ bỏ những mong muốn hòa nhập và vươn lên trong xã hội” - vị Phó Chủ tịch Hội NKT Hà Nội chia sẻ.

Mong muốn của Hội NKT Hà Nội là các chủ công trình, cơ quan quản lý công trình công cộng khi tiến hành xây dựng phải tuân thủ các nội dung của Bộ quy chuẩn tiêu chuẩn tiếp cận công trình cho NKT.

Với nguồn kinh phí khiêm tốn, Hội NKT Hà Nội làm thí điểm và cải tạo 20 công trình tiếp cận cho NKT như đường dẫn xe lăn, cải tạo nhà vệ sinh tại 5 quận huyện, gồm: UBND, trường học, tạm y tế và nhà văn hóa trong năm 2012-2013.

Ghi nhận của Hội NKT cho thấy, sau khi công trình tiếp cận được hoàn thành, các chủ công trình cũng nhận thức ra việc này phù hợp với những NKT. Thậm chí, người già, trẻ em, phụ nữ có bầu cũng đều có thể hưởng lợi từ công trình này.

“Thực trạng về tiếp cận công trình công cộng đang là một trong những vấn đề tồn tại trong triển khai thực hiện Luật Người khuyết tật. Những điều này đã được Hội NKT Hà Nội trao đổi và đề đạt với các cơ quan chức năng, đoàn giám sát sát của Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội” - bà Phan Thị Bích Diệp nói.

Ông Nguyễn Văn Hồi - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH): Xã hội hóa kinh phí xây dựng công trình tiếp cận cho NKT.

Mặc dù Luật Người khuyết tật cũng như các văn bản liên quan đều đã nêu ra lộ trình cho việc tiếp cận những công trình này trong tương lai. Tuy nhiên thực tế còn nhiều khó khăn diễn ra từ nhiều năm nay. Điều này có nhiều nguyên nhân: VN chưa phải là nước giàu, nhận thức của một số cơ quan chức năng và người dân còn chưa đầy đủ về quyền của NKT trong tiếp cận công trình giao thông, công trình công cộng.

Để khắc phục điều này, các cơ quan chức năng cần tăng cường chính sách hỗ trợ tiếp cận, xã hội hóa và xây dựng; nâng cao nhận thức với chủ thầu xây dựng, kiến trúc sư đảm bảo việc đi lại và công trình. Với những công trình xây dựng cũ chưa có công trình hỗ trợ cho NKT, chúng ta phải vận động chủ công trình nhận thức từ đó sửa chữa và bảo đảm cho NKT trong đi lại. Về nguồn kinh phí, bên cạnh nguồn nhân sách Nhà nước cần kêu gọi sự xã hội hóa từ doanh nghiệp, người dân cùng tham gia”.

Hoàng Mạnh