1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ứng vốn cho Bộ, ngành, địa phương quá lớn

(Dân trí) - Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH cho rằng, vốn Ngân sách Trung ương đã ứng cho các Bộ, ngành, địa phương lũy kế qua các năm rất lớn. Vì thế Ủy ban đề nghị Chính phủ đề xuất nguyên tắc, tiêu chí xử lý để Quốc hội xem xét, quyết định…

Những vấn đề trên được đề cập trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2009, dự toán NSNN và phương án phân bổ Ngân sách Trung ương năm 2010.
 
Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Phùng Quốc Hiển trình bày trước Quốc hội chiều 20/10 đã cho rằng, hiện nay số vốn ứng trước dự toán là rất lớn và khả năng thu hồi rất khó khăn. Qua giám sát cho thấy, số vốn đã ứng lũy kế đến hết năm 2009 chưa có nguồn thu hồi khoảng trên 50.000 tỷ đồng.
 
Số vốn đến hạn năm 2010 khoảng 30.600 tỷ đồng, trong đó các Bộ, cơ quan trung ương khoảng 14.600 tỷ đồng (riêng Bộ Giao thông Vận tải 10.555 tỉ đồng), các địa phương khoảng 16.000 tỷ đồng.
 
Ứng vốn cho Bộ, ngành, địa phương quá lớn - 1
Các vấn đề liên quan đến NSNN sẽ được các đại biểu Quốc hội quyết định vào cuối kì họp (Ảnh: Việt Hưng)
 
Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, số vốn Ngân sách Trung ương đã ứng cho các Bộ, ngành, địa phương lũy kế qua các năm đến nay rất lớn, một số Bộ, ngành, địa phương không có khả năng hoàn ứng kéo dài nhiều năm, tạo nên bức tranh thiếu lành mạnh trong cân đối ngân sách nhà nước.
 
Vì vậy, Ủy đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể với Quốc hội việc sử dụng một phần bội chi ngân sách để xử lý một phần số tạm ứng này và báo cáo việc quản lý, sử dụng vốn tạm ứng. Cùng đó, đề xuất nguyên tắc, tiêu chí xử lý để Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, minh bạch...
 
Chuyển sang vấn đề NSNN năm 2010, Chính phủ dự kiến tổng thu cân đối ngân sách là 456.400 tỷ đồng, tăng 16,8% so với ước thực hiện năm 2009, tăng 65.750 tỷ đồng.
 
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, đây là mức tăng chưa thật tích cực. Bởi lẽ, năm 2010 tình hình kinh tế thế giới phục hồi, nền kinh tế trong nước tăng trưởng mạnh hơn, các chính sách miễn, giảm và giãn thuế không còn, vì vậy thu NSNN sẽ tăng, nhất là thu nội địa và thu từ hoạt động XNK...
 
Ủy ban đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để xây dựng phương án thu ngân sách năm 2010 tích cực hơn.
 
Liên quan đến chi thường xuyên của NSNN, Ủy ban cơ bản thống nhất với Chính phủ về mức dự kiến chi 335.260 tỷ đồng, tăng 9,6% so với dự toán năm 2009. Trong đó, dự kiến chi thực hiện cải cách tiền lương: 35.490 tỷ đồng, chiếm 6,1% tổng chi NSNN.
 
Ủy ban nhất trí với Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương. Đa số ý kiến tại Ủy ban đồng ý với Chính phủ tăng mức tiền lương tối thiểu từ 650.000 đồng/tháng lên 730.000 đồng/tháng từ 1/5/2010.
 
Về bội chi, với mức tăng trưởng kinh tế dự kiến khoảng 6,5 - 7%, Chính phủ đề nghị mức bội chi NSNN bằng 6,5% GDP (125.500 tỷ đồng), với mức dư nợ Chính phủ dự tính bằng 44,6% GDP.
 
Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận định, nếu tiếp tục để bội chi NSNN ở mức cao, tạo ra nguy cơ rủi ro an ninh tài chính quốc gia và gia tăng khả năng lạm phát cao quay trở lại. Vì vậy, Ủy ban đề nghị Chính phủ nên giữ mức bội chi ngân sách không quá 6% GDP là hợp lý.
 
Liên quan đến việc bố trí vốn đầu tư cho các tập đoàn kinh tế và Tổng Công ty nhà nước năm 2010, Ủy ban đề nghị Chính phủ giải trình rõ việc bố trí vốn đầu tư 1.483 tỷ đồng cho các tập đoàn, Tổng Công ty như: Tập đoàn Công nghiệp Than và khoáng sản (28 tỷ đồng), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (60 tỷ đồng), Tập đoàn Dệt may (10 tỷ đồng), Tổng Công ty Hàng hải (54 tỷ đồng)... để Quốc hội quyết định. 
 
Kim Tân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm