Ứng viên: Chọn trẻ hay già?
(Dân trí) - Tuy cùng một nhà nhưng hai mẹ con chị Xuân Hiền, phường 7, quận 3 (TPHCM) có cách chọn ứng viên rất khác nhau. Mẹ, “nghiêng” về phía ứng viên nhiều kinh nghiệm. Con, lại “nể” những người trẻ xông xáo.
“Là một người nội trợ, tôi chỉ lo cơm áo gạo tiền, mong đất nước phát triển. Tôi chọn ứng viên là những người lớn tuổi, đã có kinh nghiệm làm việc”, chị Hiền tâm sự. Nhưng chị cho biết con gái của chị - Thu Trâm, đang học năm I, Khoa Môi trường, ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM thì ý kiến trái ngược với chị.
Thu Trâm, lần đầu đi bỏ phiếu nên nghiên cứu rất kĩ chương trình hành động của ứng viên. Trâm chọn các ứng viên trẻ vì theo em, họ sẽ theo sát với hoàn cảnh đất nước, không bảo thủ, có tư tưởng đổi mới, ý tưởng hay hơn…
Nói về những người trẻ tự ứng cử, Trâm bảo rất khâm phục họ. Nếu có điều kiện thì em cũng sẽ tự ứng cử.
Tổ bầu cử 47, phường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. |
Trò chuyện về buổi bầu cử sáng nay, chị Hiền vui vẻ: “Năm nay làm rất gọn nhẹ, nhanh, phòng bỏ phiếu có máy lạnh nên thích lắm, vào là không muốn ra. Cán bộ tổ bầu cử mặc áo dài trông rất lịch sự”. Đó là tổ bầu cử 47, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TPHCM. Tại đây có cụ Nguyễn Thị Bông, 94 tuổi cũng chống gậy đi bỏ phiếu bầu.
Về vấn đề chọn ứng viên trẻ hay già, chú Trần Thanh Phương, cán bộ về hưu ở đường Nguyễn Phúc Nguyên, Q.3 có ý kiến khác. Theo chú, độ tuổi đẹp nhất là khoảng trên dưới 40. Người trẻ có nhiệt tình, xốc vác, mạnh khỏe nhưng thiếu kinh nghiệm. Người già có kinh nghiệm nhưng không còn nhanh nhẹn như khi còn trẻ nữa. Hai thế hệ này nên bổ sung cho nhau.
Chú Phương mong ước chương trình hành động của ứng viên nên cụ thể hơn, mục tiêu rõ ràng hơn. Có vậy dân mới quan tâm nhiều, đặt nhiều kỳ vọng vào những người gánh sứ mệnh trọng đại của đất nước.
Bạn Vương Thị Phương Thảo, năm 4, Khoa Ngữ văn, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cho biết đây là lần đầu tiên bạn đi bỏ phiếu bầu. Thủ tục cũng rất đơn giản. Nhưng đông sinh viên quá nên phải mất nửa tiếng mới xong việc bầu cử.
Tùng Hiền