Ứng phó thiên tai: “Thuỷ Tinh đánh đến đâu, Sơn Tinh dâng đến đấy”

Phương Thảo

(Dân trí) - Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu quan điểm này trước ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tình trạng thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng hơn.

"Thấm thía cái giá phải trả của việc mất rừng"

Ứng phó thiên tai: “Thuỷ Tinh đánh đến đâu, Sơn Tinh dâng đến đấy” - 1
Đại biểu Phan Thái Bình đề nghị xuất cấp lương thực cho người dân vùng núi để không phải phá rừng làm ruộng, rẫy.

Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội sáng 3/11, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) gửi lời cảm ơn tới các cấp lãnh đạo, nhân dân cả nước trong thời gian qua đã rất quan tâm, chia sẻ kịp thời với nhân dân miền Trung nói chung cũng như Quảng Nam nói riêng trong việc tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa lũ.

Đại biểu đề xuất giải pháp ứng phó trước vấn đề thiên tai thảm khốc do biến đổi khí hậu. Trước hết, đó là việc xuất cấp gạo ăn cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi để bà con không cần phải phá rừng làm nương rẫy, trồng lúa, để đảm bảo diện tích rừng và bảo toàn độ ổn định của các sườn đồi, sườn dốc.

Đại biểu cũng muốn quan tâm, khuyến cáo người dân vùng miền núi làm nhà sàn ở vùng sạt lở, nhà nổi ở vùng chống lũ và nhà hầm ở những vùng đối mặt với sóng dữ, gió lớn.

Từ thực tế, các cơ quan, công sở, công trình như trường học, trụ sở cơ quan công quyền đã được sử dụng làm nơi tránh trú bão hiệu quả, đại biểu gợi ý, nhà nước nên có chính sách để đầu tư đồng bộ các công trình kiên cố với mục tiêu có thể kết hợp để hỗ trợ người dân gặp thiên tai, rải đều trên các địa bàn có nhiều nguy cơ mà đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

Ông Bình cũng đề nghị rà soát hệ thống hồ đập thuỷ điện vừa và nhỏ trên phạm vi cả nước để đánh giá về khả năng tác động khi có lũ lụt, mưa bão.

Đại biểu Hoàng Quốc Thắng (Quảng Trị) nhận định, sự động viên chia sẻ của người dân cả nước là sức mạnh lớn để người dân miền Trung đứng lên sau những cơ cực vì thiên tai vừa qua.

Những bất thường về bão lũ vừa qua đã có những lý giải về việc biến đổi khí hậu, do cấu tạo địa chất bất lợi của miền Trung. Nhưng vấn đề chắc chắn có phần lớn là do sự hủy hoại về rừng. Qua thảm họa lần này càng thấm thía những cái giá phải trả của việc mất rừng.

Thuỷ điện nhỏ và vừa mọc khắp nơi, xâm hại nhiều diện tích rừng tự nhiên. Hầu hết các vụ sạt lở, lũ quét xảy ra ở những nơi đồi núi trọc, mất rừng – mất khả năng điều tiết lượng nước tự nhiên.

Nếu không có sự đánh giá, rà soát về chất lượng rừng, về hệ thống thuỷ điện nhỏ và vừa thì còn chưa có cái nhìn khái quát về các công trình làm ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, đến môi trường và đời sống người dân.

Qua đợt này cũng cần nhìn nhận lại vấn đề phát triển kinh tế xã hội, giải quyết cho được bài toán phát triển nhanh nhưng cần bền vững, nâng cao tính chủ động, thích ứng của người dân, quy hoạch vùng bố trí dân cư, di dời dân cho khu vực miền núi khỏi nguy cơ sạt lở đất, lũ quét.

Thực tế, mô hình nhà tránh lũ vừa qua đã phát huy tác dụng, cần nghiên cứu để phát triển chính sách hơn nữa, để mỗi hộ dân đều có một nhà tránh lũ an toàn như vậy.

Miền Trung đã có 118 dự án điện gió, điện mặt trời. Nên dùng loại hình năng lượng sạch này thay thế cho thuỷ điện nhỏ và vừa trên các địa bàn.

Ứng phó thiên tai: “Thuỷ Tinh đánh đến đâu, Sơn Tinh dâng đến đấy” - 2

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định do dự báo được sớm nên cả nước đã hạn chế được hậu quả thiên tai, biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường trao đổi nhanh với những vấn đề các đại biểu nêu.

Về vấn đề bảo vệ, phát triển rừng, Bộ trưởng cung cấp các con số thống kê, đến nay, Việt Nam có 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10 triệu ha. Đây là sự cố gắng vượt bậc của toàn xã hội, toàn dân vì trong vòng 30 năm qua, quyết tâm phát triển rừng để tăng trưởng, phát triển bền vững khiến tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 26% lên mức 42%.

Để bảo vệ rừng tự nhiên, nhà nước cũng luôn đảm bảo chính sách với người dân giữ hơn 1 triệu ha lõi rừng để những hộ dân này đảm bảo cuộc sống. Cùng với đó là chính sách chi trả môi trường rừng, mỗi năm, theo chính sách xã hội hoá, cả nước thu được hơn 3000 tỷ đồng. Thế giới đã thừa nhận Việt Nam tham gia phát triển bền vững để nhận được thêm 1000 tỷ đồng hỗ trợ nữa.

Tuy nhiên, nhận  định chung là rừng tự nhiên không thể phục hồi lại như ngày xưa vì hậu quả nhiều triệu tấn chất hoá học bị rải xuống triệt phá rừng trong chiến tranh.

Về việc ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng cho biết, 400.000 ha trồng lúa đã được chuyển đổi sang trồng thuỷ sản, cây ăn quả ở đồng bằng sông Cửu Long.

Các cấp lãnh đạo cũng tập trung chỉ đạo liên tiếp với các chính sách chuyển đổi để ứng phó với tình trạng nước biển dâng, mưa bão ngày một nghiêm trọng hơn. Bộ trưởng khẳng định, vì sớm dự báo những tác động lớn của biến đổi khí hậu nên Việt Nam đã tránh được một phần hậu quả của bão lũ vừa qua.

“Chúng tôi cố gắng làm sao đúng tinh thần nước dâng đến đâu, “Thuỷ Tinh đánh đến đâu thì Sơn Tinh dâng đến đấy” - Bộ trưởng khẳng định.

Dự án “siêu lầy” đường sắt Cát Linh - Hà Đông được mổ xẻ

Ứng phó thiên tai: “Thuỷ Tinh đánh đến đâu, Sơn Tinh dâng đến đấy” - 3
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội).

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đề cập vấn nạn ùn tắc giao thông ở 2 đô thị lớn nhất cả nước hiện nay, Hà Nội và TPHCM. 2 thành phố đang trở thành những siêu đô thị mỗi nơi 10 triệu dân với nhiều nét tương đồng, tăng dân số cơ học mỗi năm khoảng 200.000 người gây sức ép lớn lên cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông. Đơn cử như báo cáo của TPHCM cho thấy thiệt hại mỗi năm do ùn tắc giao thông của thành phố khoảng 6 tỷ USD.

Từ đó, chủ trương xây dựng đường sắt đô thị tại 2 thành phố được xem là cứu cánh cho vấn đề.

Phát triển đường sắt đô thị là vấn đề bức bách nhưng các dự án ở cả 2 thành phố đều có vấn đề, chậm tiến độ, đội vốn lớn, gây bức xúc trong dư luận.

“Metro Bến Thành - Suối Tiên ở TPHCM, đường sắt Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội đều trong tình trạng này. Cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương tổng kết, đúc rút kinh nghiệm để các dự án sau không lặp lại mô hình những dự án “siêu lầy” - ông Thường đặt vấn đề.

Đại biểu trình bày vấn đề phát triển đường sắt đô thị gắn với giao thông công cộng, quy hoạch phát triển đô thị để phát huy tác dụng của loại hình hạ tầng quan trọng này. TPHCM và Hà Nội hiện nay đang không được thiết kế theo định hướng đô thị giao thông công cộng, mà phát triển chủ yếu theo các phương tiện cá nhân với mật độ đường rất thấp. Cảnh quan vỉa hè, nhà phố và xe máy là đặc trưng của đô thị Việt Nam. Xe máy đang chiếm vị trí lớn trong giao thông và sẽ cạnh tranh quyết liệt với đường sắt đô thị.

Đại biểu bình luận, vì tính liên kết chưa cao nên đường sắt đô thị với 2 đô thị lớn nhất hiện nay vẫn đơn thuần như một sản phẩm nhập khẩu. Để các dự án đường sắt đô thị phát huy hiệu quả phải có lượng người đi lớn. Bởi vậy, các tuyến đường sắt chỉ là một phần thu hút người đi lại, phần quan trọng khác là các tiện ích xung quanh như bãi gửi xe cá nhân, chung cư, cao ốc, văn phòng. Vậy nên, cần xem lại vấn đề tái cấu trúc không gian đô thị để thu hút người sử dụng đường sắt đô thị.

Đại biểu Thường đề nghị, Quốc hội, Chính phủ cần có chính sách đầu tư đường sắt đô thị gắn với tái cấu trúc đô thị như phát triển hai bên bờ sông Hồng tại Hà Nội và sông Sài Gòn tại TPHCM để loại phương tiện công cộng này thành trục gắn kết những khu vực có lượng dân cư lớn, nhu cầu đi lại cao trong thành phố.

Ông cũng phân tích, hiện nay mỗi tuyến đường sắt đô thị do một nhà thầu với công nghệ khác nhau triển khai. Việt Nam cần sớm yêu cầu chuyển giao và làm chủ công nghệ xây dựng đường sắt đô thị; nghiên cứu mô hình chính sách phát triển đường sắt đô thị tư nhân như Nhật Bản.

Dẫn chứng dự án tiêu biểu là đường sắt Cát Linh – Hà Đông, theo đại biểu, kết luận của kiểm toán nhà nước đã chỉ ra nhiều vấn đề mà không chỉ Bộ giao thông hay Hà Nội có thể giải quyết được. Đại biểu băn khoăn, không biết thời hạn cuối cùng đặt ra cho dự án là vận hành trong cuối năm nay có khả thi, sau rất nhiều lần phải chậm, lùi tiến độ.

“Với đường sắt Cát Linh – Hà Đông, làm sao tháo gỡ các vướng mắc để không có lần thứ 9 lỡ hẹn với nhân dân? Cần đánh giá, rút kinh nghiệm về việc vay ODA xây dựng đường sắt đô thị, thận trọng với các điều kiện vay. Và việc đầu tư đường sắt đô thị chỉ hiệu quả khi xây toàn tuyến chứ không phải một đoạn tuyến” – đại biểu Thường chốt lại.