Quốc hội thảo luận nhiều vấn đề "nóng"

Phương Thảo

(Dân trí) - Nhiều vấn đề nóng của đời sống kinh tế - xã hội đang được các đại biểu Quốc hội nêu lên trong phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp sáng nay, 3/11.

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) dành thời gian phát biểu về việc đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo sức phát triển cho nền kinh tế.

Dù thời gian qua, sự phát triển của các trường đại học, viện nghiên cứu đã hỗ trợ tích cực cho sự phát triển kinh tế, giúp thúc đẩy phong trào khởi nghiệp nhưng phong trào khởi nguồn công nghệ “spin off” lại chưa phát huy tương xứng. Để phát huy tiềm năng sáng tạo, khởi nguồn to lớn của các trường đại học, đại biểu đề nghị có chính sách pháp luật để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ tại các trường đại học, viện nghiên cứu này, trước hết là sửa luật khoa học công nghệ.

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) đề cập, bảo vệ và phát triển rừng đặc biệt quan trọng với việc phòng chống thiên tai, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động lớn với Việt Nam. Chính sách giao rừng cho hộ gia đình, theo đó, là biện pháp quan trọng để giữ rừng gắn với việc phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, theo đại biểu, chủ trương này đã bộc lộ nhiều vấn đề trong quá trình thực hiện, triển khai. Mức khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng và mức chi hoàn trả môi trường rừng đã lạc hậu, không còn phù hợp, đại biểu đề nghị thay đổi để khuyến khích thực hiện chính sách này.

Đại biểu cũng muốn Quốc hội sớm phê chuẩn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và chương trình phát triển vùng dân tộc thiểu số cho 5 năm tới để việc thực hiện cho liên tục, đạt hiệu quả mong muốn.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đề cập vấn nạn ùn tắc giao thông ở 2 đô thị lớn nhất cả nước hiện nay, Hà Nội và TPHCM. 2 thành phố đang trở thành những siêu đô thị mỗi nơi 10 triệu dân với nhiều nét tương đồng, tăng dân số cơ học mỗi năm khoảng 200.000 người gây sức ép lớn lên cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông. Đơn cử như báo cáo của TPHCM cho thấy thiệt hại mỗi năm do ùn tắc giao thông của thành phố khoảng 6 tỷ USD.

Phát triển đường sắt đô thị là vấn đề bức bách nhưng các dự án ở cả 2 thành phố đều có vấn đề, chậm tiến độ, đội vốn lớn, gây bức xúc trong dư luận.

Dẫn chứng dự án tiêu biểu là đường sắt Cát Linh – Hà Đông, theo đại biểu, kết luận của kiểm toán nhà nước đã chỉ ra nhiều vấn đề mà không chỉ Bộ giao thông hay Hà Nội có thể giải quyết được. Đại biểu băn khoăn, không biết thời hạn cuối cùng đặt ra cho dự án là vận hành trong cuối năm nay có khả thi, sau rất nhiều lần phải chậm, lùi tiến độ.

“Với đường sắt Cát Linh – Hà Đông, làm sao tháo gỡ các vướng mắc để không có lần thứ 9 lỡ hẹn với nhân dân? Cần đánh giá, rút kinh nghiệm về việc vay ODA xây dựng đường sắt đô thị, thận trọng với các điều kiện vay. Và việc đầu tư đường sắt đô thị chỉ hiệu quả khi xây toàn tuyến chứ không phải một đoạn tuyến” – đại biểu Thường chốt lại.

Vấn đề thời sự: Mưa lũ - sạt lở được nhiều đại biểu quan tâm. 

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) băn khoăn, nhà nước hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép triển khai những đại dự án trong lõi rừng, khiến nhiều cánh rừng, nhiều quả núi bị “bạt trắng”, hết thuỷ hiện này tới thuỷ điện khác tiếp tục được cấp phép dày đặc trên cùng một dòng sông, con suối…

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) nêu vấn đề, thực tiễn thiên tai bão lụt vừa qua, an ninh nguồn nước phải gắn với phòng chống thiên tai, an ninh năng lượng, vấn đề xây dựng hồ, đập thuỷ điện nhỏ và vừa.

Có nhiều ý kiến cho rằng, mục đích chính của thủy điện nhỏ chính là khai thác gỗ và tài nguyên rừng một cách hợp pháp. Vậy nên nhiều chủ đầu tư khi được cấp giấy phép làm thuỷ điện nhỏ là bán lại dự án ngay sau đó. Đó chính là lúc đã khai thác xong tài nguyên.

Từ đó, đại biểu đề nghị đánh giá lại vấn đề cấp phép làm thuỷ điện nhỏ và vừa, kiểm đếm những dự án đã bán lại, sang nhượng để xác minh nghi vấn các dự án thuỷ điện này là “bình phong” cho việc phá rừng. Đại biểu cho rằng, cần cân nhắc loại bỏ các dự án thuỷ điện nhỏ và vừa ra khỏi quy hoạch điện lực đến 2030.