1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

UBTƯMTTQVN lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

(Dân trí) - Ngày 3/1, Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết số 38/2012 của Quốc hội về việc tổ chức, lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm chủ trì Hội nghị.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2115/Lay-y-kien-sua-doi-Hien-phap.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp</b></a>

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 38/2012 của Quốc hội và Chỉ thị số 22 ngày 28/12/2012 của Bộ Chính trị, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với mục đích phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hệ thống MTTQ Việt Nam và toàn dân đối với việc sửa đổi Hiến pháp và thi hành Hiến pháp.

Theo đó, MTTQ sẽ tổ chức, thảo luận, lấy ý kiến đại diện các tầng lớp nhân dân thông qua các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội khác; ý kiến của các đại diện tiêu biểu trong giới nhân sĩ, trí thức, luật gia, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim nhấn mạnh: Việc tổ chức phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm theo đúng phương thức tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam. Bên cạnh đó, tổng hợp đầy đủ, chính xác các ý kiến góp ý để phản ánh kịp thời đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha, nội dung lấy ý kiến là toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; trong đó tập trung góp ý sâu vào các nội dung về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp. Việc lấy ý kiến được tổ chức chủ yếu theo hình thức hội nghị, hội thảo do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quyết định phù hợp với các nội dung góp ý và đối tượng tham gia. Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tiếp nhận các ý kiến góp ý trực tiếp bằng văn bản của các tầng lớp nhân dân để tổng hợp chung.

Theo Kế hoạch, trong tháng 1/2003, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ phân công hoặc theo đề xuất của Ban chủ nhiệm các hội đồng tư vấn tổ chức các cuộc họp, hội thảo chuyên đề góp ý về các nội dung liên quan đến lĩnh vực hoạt động của mỗi hội đồng hoặc liên hội đồng tư vấn. Từ nay đến tháng 3/2013, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam triệu tập và chủ trì các hội nghị lấy ý kiến: các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (khóa VII); đại diện người Việt Nam định cư ở nước ngoài là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các vị trong Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam các thời kỳ, Ban Chủ nhiệm các hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các tổ chức thành viên và một số tổ chức xã hội khác; Chủ tịch MTTQ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Các đại biểu dự Hội nghị đã trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến nhằm thống nhất và làm rõ, cụ thể hơn Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm đảm bảo hiệu quả, thiết thực, dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và vai trò của MTTQ, tránh hình thức.


Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Chủ tịch Huỳnh Đảm nhấn mạnh trách nhiệm, quyết tâm của MTTQ Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ vận động nhân dân tham gia góp ý kiến, trí tuệ, tâm huyết, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng này.

Chủ tịch Huỳnh Đảm nêu rõ: Việc tổ chức lấy ý kiến phải thể hiện được ý chí, nguyện vọng, sự chủ động đóng góp của các tầng lớp nhân dân, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân đối với quá trình sửa đổi Hiến pháp. Trong đó, có vai trò quan trọng, sự chung tay của các tổ chức thành viên, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để phát huy cao nhất ý chí, tâm huyết của toàn dân; lắng nghe ý kiến rộng rãi của toàn thể nhân dân, tập hợp thành ý chí nguyện vọng chung. Theo vai trò, vị trí, chức năng của mình, từng tổ chức thành viên chủ động, độc lập tổ chức để các hội viên, các tầng lớp nhân dân thuộc lĩnh vực phụ trách góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì phối hợp với cơ quan trung ương của các tổ chức thành viên tổ chức thảo luận, lấy ý kiến của các thành viên tổ chức mình, ý kiến của các tổ chức xã hội khác, ý kiến của các đại diện tiêu biểu trong giới nhân sĩ, trí thức, luật gia, các tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổng hợp ý kiến, xây dựng Báo cáo kết quả đóng góp ý kiến gửi đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Thanh Hòa
 TTXVN