“Tuýt còi” quy định cấm dịch vụ đi chung xe Bộ Giao thông xây dựng
(Dân trí) - Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bỏ quy định “đối với mỗi chuyến xe, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 1 hợp đồng” với lý do, quy định không hợp lý, cản trở doanh nghiệp kinh doanh vận tải kết hợp nhận vận chuyển nhiều nhóm khách trên một tuyến đường để tiết kiệm chi phí.
Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, khi góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, đại diện cơ quan này đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (cơ quan được giao soạn thảo) bỏ quy định “đối với mỗi chuyến xe, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 1 hợp đồng” thể hiện tại Khoản 1 Điều 7 và Khoản 2 Điều 8.
“Quy định này là không hợp lý, cản trở doanh nghiệp kinh doanh vận tải kết hợp nhận vận chuyển nhiều nhóm khách trên một tuyến đường để tiết kiệm chi phí”- đại diện Bộ Tư pháp nhấn mạnh.
Sở dĩ Bộ Tư pháp nhấn mạnh như vậy vì vào tháng 6/2017, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam không thực hiện dịch vụ đi chung xe với xe hợp đồng (gồm dịch vụ GrabShare của Grab và dịch vụ Uberpool của Uber) vì không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Đây là cơ chế kết hợp 2 hành khách có 2 điểm đến khác nhau nhưng cùng lộ trình di chuyển trên một chuyến xe. Hình thức đi này có thể giúp tiết kiệm từ 30%-40% chi phí cho mỗi hành khách.
Tại Công văn số 2710/BTP-PLDSKT gửi Bộ Giao thông Vận tải ngày 3/8/2017, Bộ Tư pháp cũng đã có ý kiến Luật Giao thông đường bộ không có bất kỳ quy định nào hạn chế và cấm dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng. Vì vậy, mọi quy định hạn chế quyền tự do giao kết hợp đồng về số lượng hợp đồng, nội dung hợp đồng khi chưa được Luật cho phép chỉ nhằm phục vụ công tác quản lý có thể bị coi là không hợp hiến, hợp pháp.
“Việc hạn chế dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng là hạn chế quyền tự do giao kết hợp đồng, không phù hợp với nhu cầu sử dụng xe hợp đồng phục vụ cho việc đi làm, đi học (đưa đón một cách thường xuyên)”- Bộ Tư pháp nêu quan điểm.
Bộ Tư pháp cũng đề nghị bỏ quy định về thủ tục lựa chọn đơn vị khai thác tuyến vận tải hành khách cố định và Điều 4 dự thảo Nghị định: “Doanh nghiệp, hợp tác xã có giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định) được đăng ký khai thác trên tuyến vận tải hành khách cố định theo quy định”. Việc này nhằm bảo đảm quyền của các doanh nghiệp, hợp tác xã đáp ứng đủ điều kiện và được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô sẽ được khai thác trên tuyến trong quy hoạch sau khi đăng ký với cơ quan quản lý tuyến.
Bộ Tư pháp nhất trí với việc bổ sung quy định để quản lý các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã ứng dụng phần mềm điều hành thay thế cho phương pháp điều hành truyền thống (sử dụng bộ đàm), khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới công tác quản lý, điều hành xe taxi nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng hiệu quả kinh doanh và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan quản lý về giao thông cần nghiên cứu làm rõ thêm về bản chất của các loại hình vận tải ứng dụng phần mềm Grab, Uber…để có quy định quản lý cho phù hợp, bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh công khai, công bằng, minh bạch.
Đề nghị bỏ quy định còn mang nặng tính chất áp đặt hành chính
Bộ Tư pháp cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải cần rà soát, đánh giá tổng thể các quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, kể cả quy định hiện hành trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008; nếu các quy định trong Luật không còn phù hợp thì cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật trước khi xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi cho kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Cơ quan này dẫn chứng Điều 66 Luật Giao thông đường bộ chỉ quy định 5 loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô: Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định; Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt; Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi; Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và Kinh doanh vận tải khách du lịch có thể còn cứng nhắc, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, nên sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.
“Đề nghị xem lại điểm d khoản 1 Điều 7 dự thảo Nghị định quy định “Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh (trừ những vị trí do UBND cấp tỉnh công bố)”.
Quy định này là không rõ mục tiêu quản lý, hạn chế đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện dịch vụ vận chuyển, đưa đoàn cán bộ, công nhân viên theo hợp đồng cho các cơ quan, doanh nghiệp. Bộ Tư pháp cho rằng, việc quy định như dự thảo Nghị định còn mang nặng tính chất áp đặt hành chính, tạo gánh nặng cho việc giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước”- đại diện Bộ Tư pháp chỉ rõ.
Không những vậy, khoản 1 Điều 7, khoản 3 Điều 7 và khoản 4 Điều 8 dự thảo Nghị định về việc đơn vị kinh doanh vận tải ô tô trước khi thực hiện vận chuyển phải thông báo đến Sở Giao thông Vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thông tin về hành trình, thời gian thực hiện cũng được đề nghị xem xét huỷ bỏ. “Việc yêu cầu thực hiện thủ tục thông báo sẽ thêm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp mà cũng không bảo đảm đạt được mục đích quản lý xe hợp đồng”- Bộ Tư pháp phân tích.
Cơ quan “gác cổng” văn bản pháp luật đề nghị Bộ Giao thông Vận tải giải trình, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan, nhất là đối tượng chịu sự tác động của văn bản rồi mới hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị định, gửi Bộ Tư pháp thẩm định lại trước khi trình Chính phủ.
Thế Kha