1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh:

Tuổi trẻ sáng tạo

(Dân trí) - Mang trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ, với sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, anh Nguyễn Văn Phú (SN 1980), ở thôn Quang Hạ, xã Gio Quang, huyện Vĩnh Linh là một trong những người tiên phong ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất củi trấu của tỉnh Quảng Trị.

Nhìn hệ thống nhà xưởng khang trang với máy móc, vật liệu, cùng khí thế lao động hăng say của những người công nhân ở đây, ít ai biết rằng để có được ngày hôm nay, anh Phú đã trải qua biết bao sóng gió, vất vả.

 

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có 9 anh em, là con út nên anh may mắn được bố mẹ và anh chị đầu tư cho đi học. Với khát vọng cháy bỏng, muốn được học để thay đổi cuộc sống, cậu bé nghèo ngày ấy sau bao ngày miệt mài sách vở đã đỗ ngành Kế toán, kiểm toán của trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Tốt nghiệp đại học, anh vào TP. Hồ Chí Minh làm việc cho một công ty tư nhân với mức lương đảm bảo cuộc sống. Thế nhưng, khát vọng và tình yêu quê hương đã thôi thúc anh trở về.

 

Về quê, anh làm việc cho “Dự án chia sẻ”, một trong những chương trình hướng dẫn giảm nghèo cho người dân quê anh. Cũng từ đây đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc sống của anh. Thông qua chương trình, anh được đi tham quan, học tập các mô hình làm ăn giỏi, điển hình có hiệu quả trên khắp các tỉnh, thành của đất nước.

 

Anh chia sẻ, là thanh niên, mình phải có hướng đi riêng. Anh nghiên cứu mô hình củi trấu ở Nam Bộ, sử dụng có hiệu quả, lại không gây ô nhiễm môi trường, trong khi đó quê anh được xem là một trong những vùng lúa trọng điểm của tỉnh Quảng Trị. Vỏ trấu ở đây được người dân sử dụng làm chất đốt một phần, còn lại mang đổ đi nên gây ô nhiễm môi trường. Anh Phú đã quyết định đưa mô hình sản xuất củi từ trấu về sản xuất tại quê hương.

 

Tháng 5/2011, từ số tiền tích cóp của gia đình, cùng với 150 triệu đồng vay từ ngân hàng, anh bắt đầu mua máy móc. Anh lặn lội vào Huế mua 1 máy ép củi trấu với giá 65 triệu đồng. Anh bắt tay vào xây dựng quy mô nhà xưởng, tuyển nhân công và thu gom nguyên liệu từ các cơ sở xay xát lớn trong xã. Vượt qua những khó khăn, thử thách và bỡ ngỡ ban đầu, anh mạnh dạn đầu tư thêm một máy sấy nguyên liệu vào mùa mưa để đảm bảo công suất. Đến nay, số vốn đầu tư nhà xưởng đã lên đến 500 triệu đồng với diện tích 500m 2 , trung bình công suất máy sản xuất được hơn 100 tấn/tháng, thu nhập bình quân trừ chi phí mang lại lợi nhuận từ 15-17 triệu đồng/tháng. Cơ sở tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên, 10 lao động thời vụ, với thu nhập 1.800.000/tháng/người.

 

Đến nay, các mặt hàng củi trấu của anh đã lan rộng ra các tỉnh khác do giá thành 1 triệu đồng/tấn, rẻ hơn so với các loại chất đốt khác như: dầu, than đá mà lại hạn chế được ô nhiễm môi trường. Sắp tới, anh sẽ mở rộng cơ sở hơn nữa, đặt mua thêm một chiếc máy ép tất cả các loại phế phẩm nông nghiệp thành củi đốt để tăng hiệu quả. Ngoài việc quản lý ở xưởng, anh Phú còn sản xuất nông nghiệp trên 1 mẫu ruộng lúa, ao cá và chăn nuôi lợn, gà. Anh cũng động viên bạn bè, thanh niên trong xã ra khu vực đồi cát lập trang trại chăn nuôi phát triển kinh doanh.

 

Ông Nguyễn Hữu Chính, Chủ tịch UBND xã Gio Quang cho biết: Tuy mới thành lập không lâu nhưng cơ sở sản xuất của anh Phú đã tác động rất lớn đến đời sống người dân của xã, góp phần giải quyết việc làm cho người dân cũng như tận dụng được các phế thải nông nghiệp, giải quyết nguy cơ ô nhiễm môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó khuyến khích thanh niên trong xã cố gắng sáng tạo, lao động sản xuất kinh doanh. Anh Phú cũng có nhiều đóng góp trong các phong trào chung như xây dựng sân nhà văn hoá, trung tâm học tập cộng đồng thôn, đóng góp xây dựng lại khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ xã.

 

Thanh Thuỷ

 TTXVN