Thanh Hóa:
Tưng bừng Lễ hội tưởng nhớ Mai An Tiêm
(Dân trí) - Cứ đến ngày 12 - 15/3 âm lịch, người dân xã Nga Phú (Nga Sơn, Thanh Hóa) lại tưng bừng tổ chức Lễ hội Mai An Tiêm để tưởng nhớ người có công mở mang bờ cõi, khai sinh vùng đất Nga Sơn và là ông tổ của nghề trồng dưa hấu ở Việt Nam.
Theo truyền thuyết, Mai An Tiêm vốn là một nô bộc, được vua Hùng tin yêu cho làm quan, trở nên phú quý. Sau vì làm phật ý vua, An Tiêm bị đày ra đảo hoang, tương truyền nay là vùng đất Nga Sơn, Thanh Hoá ngày nay.
Tại đây, vợ chồng An Tiêm đã chăm chỉ làm ăn, gây được giống dưa hấu quý, ngon ngọt. Tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến trao đổi và đưa về đất liền dâng Vua.
Vua Hùng sau khi biết rõ được nguồn gốc của loại quả quý trên đã xuống chiếu gọi Mai An Tiêm về cho phục chức cũ. Từ đó, Mai An Tiêm được coi là ông tổ của nghề trồng dưa hấu ở Việt Nam.
Để tưởng nhớ công ơn của Mai An Tiêm, người dân Nga Sơn đã lập đền thờ ông và suy tôn ông là “Bố cái dưa Tây” và tổ chức lễ hội vào ngày 12 - 15/3 âm lịch hàng năm.
Năm nay, hòa trong không khí tưng bừng của những ngày lễ lớn, ngày 25/4, Sở Văn hóa - Thể thao - Du Lịch Thanh Hóa đã long trọng tổ chức Lễ hội Mai An Tiêm. Mở đầu là phần tế lễ, dâng hương trang nghiêm thành kính. Ngoài phần nghi lễ còn có những hoạt động văn hóa truyền thống như: rước kiệu, sự tích dưa hấu...
Tham gia buổi lễ, ngoài 200 diễn viên chuyên nghiệp còn có hàng ngàn diễn viên không chuyên đã tham gia chương trình sân khấu hóa, tái hiện lại cuộc đời Mai An Tiêm gắn liền với sự tích dưa hấu.
Dưới đây là một số hình ảnh Lễ hội Mai An Tiêm năm 2010 vừa được PV Dân trí ghi lại.
Màn trống khai hội
Phần tế lễ trang nghiêm thành kính
Lễ rước kiệu
Múa lân mừng Lễ Hội
Vợ chồng Mai An Tiêm bị đày ra hoang đảo
Tái hiện hình ảnh Mai An Tiêm khai phá vùng đất mới ở Nga Sơn
Hoạt cảnh về sự tích dưa hấu Mai An Tiêm nơi đảo hoang
Hàng ngàn người tham gia lễ hội
Duy Tuyên