1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

"Tuần thú" đường tàu ký sự

Nắng đầu hạ hắt lửa xuống mặt đường tàu. Tôi lầm lũi bước theo người công nhân ‘’tuần thú’’ cung đường sắt Hà Nội. Cung đường dài 18km xuyên qua năm quận, 11 phường, 15 đường chắn ngang, bảy cây cầu lớn nhỏ. Thời gian tuần liên tục từ 13g - 20g.

Chân tôi thấy... to ra, còn người công nhân bảo: 5g sáng mai lại tuần sáng. Anh lặng lẽ về nhà khi đêm buông. Và những chuyến tàu hôm ấy đã lướt qua an toàn...

Khó kiếm được công việc nào cô độc và nhẫn nại đến mức nhàm chán hơn tuần đường, với những công nhân 24/24g bán mặt cho... đường sắt, bán lưng cho trời. Dù mưa hay nắng, cứ... đường tàu mà đi để thực hiện một nhiệm vụ thầm lặng: kiểm tra kỹ lưỡng, phát hiện và sửa chữa hư hỏng nhỏ, kịp thời phòng vệ, nhanh chóng giữ tàu khi có hư hỏng lớn hoặc chướng ngại uy hiếp đến an toàn chạy tàu...

Đếm và đếm

Cung đường sắt Hà Nội được coi là cung đường sắt nội ô có lộ trình dài nhất trong các thành phố tại VN. Trụ sở quản lý cung đường này nằm khuất trong một ngõ sâu trên phố Khâm Thiên. Trước giờ đi tuần, cung phó Thành hỏi: “Cờ đèn kèn pháo đủ chưa?”. Công nhân Đoàn Tuấn Hùng đáp: “Rồi”. Anh giở túi đựng dụng cụ tuần đường để kiểm tra: một cờ vàng, hai cờ đỏ có cán, một còi, một hộp pháo đặc chủng - loại pháo kích hoạt bằng xung lực lớn, chỉ khi tàu hỏa chạy đè lên mới nổ rất to; một cờlê vặn đinh mối, một cuốc chèn nhỏ kiêm búa đóng đinh; sổ tuần đường, bảng giờ tàu; một số đinh cămpông và tiaphông... Cung phó giao cho Hùng “thẻ tuần đường số 2”. Đó là một miếng nhựa màu xanh, có ghi cung đường tuần, công ty quản lý... 

Cung phó nói: “Đây là cách kiểm tra xem Hùng có đi tuần trọn vẹn không. Nếu đi, đến trạm cuối Hùng sẽ đổi thẻ này lấy thẻ mới mang về”. Để kiểm tra Hùng có đi tuần đúng tốc độ không, cung phó chỉ vào biểu đồ tuần đường: “Theo từng mốc thời gian, sẽ biết Hùng đang ở đâu trên cung đường vào thời điểm đó”. Biểu đồ tuần đường được coi là tài liệu mật và là cách kiểm tra chính xác nhất vận tốc di chuyển của công nhân (2,5 - 3km/g, trong khi người đi bộ bình thường là 5km/g).

Câu chuyện của anh V. có thể gom hết ngọt bùi cay đắng của nghề tuần đường.

18 tuổi, anh bắt đầu vào học ngành đường sắt, tại ga Gia Lâm. Tốt nghiệp, đơn vị cử ngay xuống ‘’thực tập’’... tuần đường ở vùng sơn cước Lưu Xá, Thái Nguyên. Đường sắt tại đây toàn đi trong rừng núi, 4 - 5km mới có nhà dân. Cung này lại có hai hầm, hầm dài nhất 2km. Anh V. được giao luôn tuần hầm. Anh nhớ lại: “Mỗi lần qua hầm, thần kinh căng như dây đàn!”.Bởi đi tuần trong 2km đường hầm, ngoài thiếu ánh sáng, không khí, đầu óc lúc nào cũng phải canh giờ tàu đến. Có khi phải áp tai xuống đường ray xem tàu đã đến đâu. Lỡ khi tàu vào hầm, mình canh không chuẩn, không kịp chui vào khoang trú ẩn coi như tàu nghiến mất xác. Thời đó còn chiến tranh với Trung Quốc, đi tuần anh phải vác theo súng CKC. Ngoài ra, do đường sá không được tốt như bây giờ nên lúc nào cũng phải vác thêm xà beng, cuốc xẻng. Nhưng đêm rét mướt khoác trên mình áo bông trấn thủ nặng 3kg, gặp thêm trận mưa rừng thì ướt sũng, coi như vác thêm 7 - 8kg nước nữa. Anh V. kể: “Người yếu bóng vía không đi tuần được!’’.

Riêng trong thời gian tuần đường tại Lưu Xá, anh V. bắt gặp hơn 10 người bị cán chết trên đường tàu. Họ phần lớn là người dân tộc, thiếu hiểu biết về an toàn chạy tàu. Hễ gặp trường hợp nào anh lại phải bê xác khỏi đường ray, báo cung trưởng, công an địa phương, thậm chí khâm liệm cho người quá cố. Gặp những tai nạn này, không hiếm đồng nghiệp của anh đã kinh sợ, đêm sau đi tuần đến đoạn người chết phải vứt đèn bỏ chạy...

Chúng tôi bắt đầu “tuần thú” từ đường ngang chắn tàu Khâm Thiên. Lượt đi, Hùng đi một bên ray (ray phải theo hướng tiến), lượt về sẽ đi ray còn lại. Hùng bảo khi đi tuần cấm đi ngoài đường ray. Không được đi tuần quá hai đêm liên tiếp. Không được uống rượu trước và trong khi tuần. Khi đi tuần, cấm đi guốc, các loại dép không có quai sau, cấm bịt tai, cấm mặc quần áo màu đỏ. Phải chú ý các đoàn tàu phía sau đi tới, bằng cách cứ 50m lại phải ngoái đầu đằng sau một lần. Khi mưa to gió lớn, tuần đường không được đi trong lòng ray để tránh sét đánh, điện giật. Khi đi tuần, cấm ngồi, nằm và ngủ trên đường ray, đi tuần hai người cấm nói chuyện...

Hùng đếm 1km đường ray có 1.440 thanh tà vẹt (bằng các chất liệu gỗ, sắt, bêtông, mỗi thanh cách nhau 720mm). Tức là nếu tuần chính xác 1km sẽ bước 1.440 bước, mỗi bước đặt lên một thanh. “Khẩu độ” này đã “khớp” luôn vào nhịp chân và phản xạ của mỗi người tuần đường. Nếu bước cảm thấy hụt, chắc chắn hai tà vẹt liên tiếp đã xích lại gần nhau. Ngược lại, nếu phải bước với, hai tà vẹt đã xa nhau. Sự sai lệch này khó nhìn thấy bằng mắt mà do cảm nhận của đôi chân. Đó là một trong những khác biệt của người tuần đường.

Trời càng chiều càng nóng. Hơi đất bốc lên ngùn ngụt. Hùng bước đi thoăn thoắt còn tôi như... say. Lắc lư, lảo đảo. Mồ hôi túa ra như tắm. Trong khi mắt vẫn phải dán xuống đường ray như tìm vàng. Bởi chỉ một chút lơ đễnh, bước hụt một cái là mặt cắm xuống đường, chắc sẽ rụng vài cái răng bởi toàn bêtông sắt thép, đá dăm lởm chởm...

Đó là chưa kể vô số “tác động” xã hội khi đi tuần. Qua “chợ bán đồ ăn cắp” đường tàu Khâm Thiên, dân lưu manh gạ... mua - bán giày. Mấy ông nghiện thì bò cả ra đường tàu đâm xilanh vào háng. Dân tình phố đồ gỗ Lê Duẩn thì bày hết đồ gỗ ra đường tàu miệt mài đánh vẹcni, phơi phóng. Có vô tình chạm vào đồ gỗ của họ thì được nghe câu chửi đến nao lòng: “Mù à!”. Lủi thủi qua ngã tư Đại Cồ Việt, thấy người xe như nước, tài tử dập dìu mới cám cảnh cho đời tuần đường cô độc.

Đến gần cổng Bệnh viện Bạch Mai, một đoàn tàu Bắc Nam rầm rập phóng đến. Hùng giơ cờ vàng đón và tiễn tàu. Chúng tôi vào trạm gác chắn Trường Chinh. Hùng ký nhận vào sổ đi - về. Nghỉ ngơi 5 phút và giải khát bằng trà nóng. Hùng không uống nhiều nước vì sợ ra mồ hôi, người mệt.

"Nhật ký" tuần đường

Gần 15g, chúng tôi tới trạm gác chắn Định Công. Công nhân tuần đường cung Giáp Bát cũng vừa tới. Hùng trao đổi thẻ: đưa thẻ 2 và lấy thẻ 1 về. Ký nhận vào sổ giao ban tình hình kiểm tra, phát hiện: bình thường. Hùng bảo: “Giờ lại đi ngược về trụ sở cung Hà Nội. Nghỉ và lấy đèn để tuần tối”. Chiều về đi xuôi gió. Nóng càng dữ dội. Hùng bảo: “Một cung tuần phải ký nhận đủ ở năm trạm. Đi nhanh thôi cho kịp giờ”.

16g30. Tại trụ sở cung Hà Nội, quạt trần quay vù vù. Tôi cởi áo, quần, giày, tất, xoa chân, bóp cẳng, còn Hùng lên gác lấy đèn tuần. Chiếc đèn hộp có hai mặt trắng - đỏ, nhiên liệu phát sáng là dầu hỏa. Cung trưởng Diệu giở sổ trực tuần đường kiểm tra một số tin báo trong năm 2005:     

“... Ban 1, ngày 15-1: Tại đường ngang Lê Duẩn phụt bùn, đường ray cơ bản thấp hơn đường ray hộ bánh 40mm.
Ban 3, ngày 2-2: Tại đoạn vào kho hàng lẻ Giáp Bát, tấm đan nhô cao.
Ban 2, ngày 2-4: Đường ngang Nguyễn Khuyến tà vẹt bị treo.
Ban 2, ngày 4-3: Đoạn Bạch Mai, Cống Trắng phụt bùn, tà vẹt treo...”.

Theo cung trưởng Diệu, cung đường sắt Hà Nội có ba công nhân tuần đường chia nhau tuần liên tục ba ban trong ngày: sáng (ban 1: 5g-13g), chiều (ban 2: 13g-21g), tối (ban 3: 21g - 5g sáng). Trong cung, tuần đường là “tai mắt” của cung trưởng và là người “tìm việc” cho công nhân dưỡng lộ (sửa chữa đường), bởi những phát hiện hỏng hóc trực tiếp sau những ban tuần. Hỏng hóc thì nhiều vô kể: ray, phối kiện cũ bị mòn, thương tật; ray cháy mối, bị bung - sổ; nền đường sụt, lở, lún, xệ; lưỡi ghi mòn; đinh cămpông bị trồi, tà vẹt bị treo - lỏng...

Năm ngoái, chính Hùng khi đi tuần đã phát hiện tại km 1 - 2 tuyến đường sắt Hà Lạng, đoạn đường dẫn lên cầu Phùng Hưng ngay giữa Hà Nội, kẻ trộm tháo tám bộ phụ kiện, liền lập tức báo công nhân dưỡng lộ bổ sung thay thế. Hay 8-3 năm nay, lúc 7g sáng, công nhân Nguyễn Văn Tiền phát hiện gãy ray cầu 38, km 2-3 tuyến Thống Nhất, đoạn cổng B Bệnh viện Bạch Mai. Lập tức Tiền báo tin và sửa chữa được ngay lúc 13g trong ngày, tàu hôm ấy đi qua an toàn...

17g. Chúng tôi lách người qua cánh cửa sắt trạm chắn tàu Khâm Thiên vào ga Hà Nội. Trong ga, phải kiểm tra rất nhiều đường ghi (đường phân luồng ray) và các loại đường đặc dụng. Từ đây, vượt cầu Long Biên sang trạm cuối cùng bên ga Gia Lâm khoảng 4km. Lại nhẫn nại bước trên đường ray. Qua trạm chắn Nguyễn Khuyến. Rồi Trần Phú. Cầu vượt Phùng Hưng. Hà Nội đã nhập nhòe trong đèn đường, mùi xào nướng, bia rượu.

Dù vậy, Hùng kể, với bất cứ công nhân tuần đường nào, chuyển được công tác từ miền núi về đồng bằng đã là một giấc mơ. Nhưng để được tuần đường thành phố thì cứ như đi trên thiên đường...

Những năm trước 1970, do rất nhiều hoàn cảnh như lạc hậu, chiến tranh, công nhân tuần đường phải chịu quá nhiều khổ cực. Đi tuần phải mang súng chống cướp bóc, giặc giã. Những tuyến miền núi, vùng cao, lam sơn chướng khí nhiều; chuyện say nắng, dầm mưa cảm mạo, ngất trên đường tàu diễn ra thường xuyên. Nhiều nơi, đi tuần công nhân phải mang... cây nứa, vừa đi vừa đập để xua hổ báo, thú dữ. Có nơi phải bố trí hai người một ban tuần để bảo vệ nhau.

18g. Chúng tôi vượt qua vô số bãi “mìn dẻo” xú uế nồng nặc để tiến vào ga Long Biên. Nhà ga hối hả gọi khách lên tàu về Hải Phòng. Hùng cúi xuống nhặt nhạnh rác, nhổ vài cây cỏ dại mới mọc giữa đường ray. Đó gọi là công tác “văn hóa mặt đường”. Cầu Long Biên xưa cũ hiện ra nhưng chúng tôi không đi trên đường ray nữa. Hùng bảo đó là công việc riêng của những người tuần cầu.

Ở những nơi có hầm, lại có những người tuần hầm riêng. Đoàn tàu phóng rầm rập qua. Cầu rung chuyển. Dưới chân, sông Hồng đỏ quạch vẫn da diết chảy. Hùng kể những lúc như thế này chỉ nhớ về trạm, về anh em tuần đường. Đó là mái nhà, là gia đình; dù gặp nhau chỉ để nghỉ chân, hàn huyên vài phút... Trạm đổi thẻ ga Gia Lâm là một... quán nước. Một công nhân khác đã đợi Hùng tại đây. Anh đổi thẻ số 1 lấy thẻ số 3 đem về. 20g30, chúng tôi có mặt tại trạm cuối cùng trong ga Hà Nội. Hùng ký nhận xong rồi bảo, cả ban tuần quan trọng nhất là chữ ký này.

Phu đường khổ lắm ai ơi

Theo ngôn ngữ rất “đời” thì công nhân cung đường tự đùa, tự gọi họ là “phu đường” và làm những công việc... dưới mặt đường ray với sắt, thép, bêtông, đất đá; tức là không thể “gặm” được thứ nào để ra tiền hay thu nhập thêm. Một tháng, ‘tổng thu nhập’ của họ chưa tới 700.000 đồng. Trong đó, tiền nước khi đi tuần được hơn... 3.000 đồng/tháng, tức là một ban tuần được uống khoảng... 100 đồng tiền nước, chưa bằng một cốc trà đá (500 đồng). Những công nhân tuần đường thuộc các công ty quản lý, bảo trì đường sắt. Cả nước hiện có 15 công ty làm nhiệm vụ này.

Ông Nguyễn Quang Long, phòng kỹ thuật công ty Hà Hải - công ty bảo trì đường sắt đông công nhân cung đường nhất hiện nay, cho biết: “Công ty có trên 70 công nhân tuần đường trong khi cả nước có khoảng 1.000. Họ là những người thợ có tay nghề, tính tình cẩn trọng”.

Để được tuần đường, họ phải có tay nghề của công nhân dưỡng lộ bậc hai trở lên. Ngoài ra phải thông hiểu và biết vận dụng những điều liên quan trong qui trình tín hiệu, chạy tàu, sửa chữa, bảo dưỡng; phải thông hiểu cả qui trình tuần cầu và tuần hầm. Ngoài công tác chuyên môn, họ có thể còn phải là “người ngăn cấm” (cấm người ngồi trên đường sắt, cấm thả súc vật, cấm đào bới đường...); là “người tốt” (nhặt lại đồ, hàng hóa rơi từ tàu xuống nộp lại cho cung trưởng...).Rất nhiều cái “phải” khi tuần đường phải dồn vào  đôi chân, đôi mắt của họ.

Có một điều rất lạ: đôi chân của những người tuần đường không hề to, thậm chí nhỏ hơn người thường. Vì họ phải đi quá nhiều. Trước khi vào nghề, ai nấy khỏe mạnh, thậm chí là béo, nhưng chỉ sau  một thời gian đều quắt lại. Tất cả đều đen thui thủi vì chịu nắng, gió; dáng người đều xương xương, khắc khổ. Đặc thù công việc còn hằn sâu vào tính cách  họ: trông ai cũng âm thầm (đến mức “lì”) và đúng hẹn như cái đồng hồ đã để chuông. ít nói, không cười, cứ lẳng lặng như cái bóng. Ở cung đường Hà Nội, người ta vẫn nhắc về một công nhân đã ‘’đi vòng quanh trái đất hai lần’’ (tính theo tổng chiều dài các cung đường ông đã đi tuần trong suốt hơn 30 năm). Ông cũng được coi là bộ ‘’bách khoa toàn thư’’ về tuần đường ở Hà Nội.

Đó là ông Nguyễn Văn Toản, giờ đã nghỉ hưu. Nhưng “thương tật” do suốt thời gian công tác gây nên vẫn ở lại với ông: hiện tại ông bị đi lệch người về phía bên phải. Số là ng Toản luôn đeo túi dụng cụ (khoảng 6kg) bên vai phải khi đi tuần. Ông Toản tuyệt đối không bao giờ chuyển vai hay xách túi, kể cả nắng mưa, mệt mỏi. Cứ khoác nặng và lệch như thế thành quen, giờ không sửa được nữa. Tại cung Hà Nội còn có một trường hợp hi hữu: người tuần đường là một phụ nữ. Chị là con gái một ông nhân tuần đường. ‘’Nối nghiệp’’ cha, chị cũng đi tuần ba năm liên tục nhưng được giao tuần ban ngày. 

Theo Thiếu Gia - Báo Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm