1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Từ vụ thầu mỏ cát giá "khủng", vén màn "bức tranh tối màu" khai thác cát

Thế Kha

(Dân trí) - Trước khi doanh nghiệp "tí hon" trúng đấu giá mỏ cát ở tỉnh An Giang với giá 2.811 tỷ đồng gây xôn xao dư luận, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ "bức tranh tối màu" lĩnh vực này ở nhiều địa phương.

Dư luận cả nước đang xôn xao trước thông tin Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ T-S. Home (TPHCM) trúng thầu đấu giá quyền khai thác mỏ cát trên sông Tiền (xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) với giá lên tới 2.811 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chỉ cách đây không lâu, Thanh tra Chính phủ đã liên tiếp ban hành các kết luận thanh tra về quản lý tài nguyên khoáng sản, khai thác cát sỏi ở nhiều địa phương và "vén màn" hàng loạt sai phạm, "bức tranh tối màu" của lĩnh vực này.

Các mỏ cát đều xảy ra mất an ninh trật tự

Tại tỉnh Hòa Bình, Thanh tra Chính phủ phát hiện giai đoạn 2011-2018 các điểm mỏ cát sỏi đều xảy ra mất an ninh trật tự, người dân tập trung đông người khiếu kiện, có nguyên nhân là do xung đột về lợi ích giữa doanh nghiệp được cấp phép và các cá nhân khai thác cát trái phép.

Các đối tượng khai thác cát trái phép sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để khai thác trái phép, đối phó với cơ quan chức năng. Nhiều tàu thuyền trôi nổi trên sông, chủ một số bến bãi trên địa bàn tỉnh tranh thủ lợi dụng khai thác trái phép vào ban đêm, khai thác tại các địa bàn, khu vực giáp ranh,… dẫn đến việc kiểm tra, giám sát, xử lý gặp nhiều khó khăn.

Từ vụ thầu mỏ cát giá khủng, vén màn bức tranh tối màu khai thác cát - 1

Sau khi được cấp phép, các điểm mỏ khai thác cát, sỏi ở tỉnh Hòa Bình đều xảy ra mất an ninh trật tự. 19 bến bãi tập kết nằm ngoài quy hoạch trong thời gian dài nhưng chưa bị xử lý.

4 đơn vị tập kết vật liệu xây dựng, xây dựng công trình tại bãi sông, nằm ngoài phạm vi hành lang bảo vệ tuyến đê Ngòi Dong, gồm: Công ty TNHH MTV Quỳnh Hà, Công ty TNHH Tuân Lộc, Công ty TNHH Hường Trang, Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ tận tải Nam Hải.

Có 3 đơn vị làm nhà ngoài phạm vi hành lang bảo vệ đê Minh Trung gồm: Công ty TNHH Việt Hoàng, Công ty TNHH Phú An, Công ty TNHH Gia Bảo.

Kiểm tra nguồn cung cấp cát tại một số bến bãi, Thanh tra Chính phủ phát hiện khối lượng cát nhập vào các bến bãi chủ yếu từ nguồn các tàu trôi nổi trên sông Đà, mua vào không rõ nguồn gốc.

Thế nhưng việc kiểm tra, phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình về vấn đề này chưa thực sự hiệu quả; chưa có biện pháp hữu hiệu để giám sát, kiểm soát nguồn gốc cát cung cấp cho các bến bãi tập kết trên địa bàn tỉnh. Điều này tiềm ẩn xảy ra thất thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với khối lượng cát tại các bến bãi tập kết.

Không có giấy phép và khai thác cát trái phép

Tại tỉnh Hưng Yên,  cũng trong giai đoạn 2011-2018, cơ quan thanh tra phát hiện tỉnh này cấp giấy phép khai thác cát cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Hà Thành UDIC, Công ty cổ phần đầu tư Việt Linh- Hà Nội, Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phố Hiến không thông qua đấu giá với điều kiện các công ty này chỉ được khai thác cát, cung cấp nguyên vật liệu phục vụ cho việc duy tu, sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Tuy nhiên UBND tỉnh Hưng Yên không có biện pháp để quản lý chặt chẽ việc khai thác, tiêu thụ cát của 3 doanh nghiệp này. Điều đó dẫn đến các công ty có thể bán cát cho đối tượng khác mà không bị kiểm tra, xử lý triệt để, vi phạm điều kiện để được cấp phép không qua đấu giá.

Từ vụ thầu mỏ cát giá khủng, vén màn bức tranh tối màu khai thác cát - 2
Thanh tra Chính phủ vừa chỉ rõ hàng loạt doanh nghiệp, dự án khai thác cát ở Hưng Yên có rất nhiều sai phạm (Ảnh: TTXVN).

Ở Hưng Yên, bình quân cứ cách 1,45 km/1 bến bãi cát sỏi. Số lượng bến bãi quá nhiều, mật độ quá dày không những gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước của cơ quan chức năng mà còn là điều kiện thuận lợi cho việc tập kết, mua bán, kinh doanh cát trái phép của chủ bến bãi.

"Hầu hết các bến bãi ở cạnh mép bờ sông nên chủ bến lợi dụng để trực tiếp khai thác cát trái phép"- kết luận thanh tra nhấn mạnh.

Trong số 35 doanh nghiệp, cá nhân cung cấp cát cho 8 dự án lớn ở Hưng Yên, chỉ có 1 doanh nghiệp có giấy phép khai thác được cấp; các doanh nghiệp, cá nhân còn lại đều không có giấy phép khai thác mà thực hiện việc thu mua từ nhiều doanh nghiệp, thu mua từ các các nhân, bến bãi khác trong và ngoài tỉnh.

Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị UBND tỉnh Hưng Yên giao công an kiểm tra làm rõ việc khai thác, tiêu thụ cát của 3 công ty gồm: Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Hà Thành UDIC, Công ty cổ phần đầu tư Việt Linh- Hà Nội, Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phố Hiến. Trường hợp tiêu thụ cát không đúng đối tượng thì xử lý nghiêm theo quy định.

Không đấu giá quyền khai thác, dấu hiệu trốn thuế

Mới đây nhất, tại tỉnh Bến Tre,  Thanh tra Chính phủ chỉ rõ giai đoạn 2015-2018 UBND tỉnh này khoanh định mỏ cát thuộc khu vực sông Hàm Luông (xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm), xã Tân Thành Bình (huyện Mỏ Cày Bắc) và mỏ cát thuộc khu vực sông Hàm Luông (xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm) vào danh mục không đấu giá quyền khai thác khoáng sản là trái với Nghị định 15/2012 của Chính phủ. Vì thế cần phải thu hồi giấy phép và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo đúng quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre tham mưu cho UBND tỉnh Bến Tre cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với nhiều doanh nghiệp khi hồ sơ cấp phép cũng không đảm bảo điều kiện; buông lỏng quản lý dẫn đến Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Bến Tre khai thác vượt công suất so với giấy khai thác khoáng sản trong thời gian dài tại 4 mỏ cát mà công ty được cấp phép nhưng không được phát hiện và xử lý.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh Bến Tre buông lỏng quản lý trong việc kiểm tra, giám sát các tổ chức được cấp phép khai thác cát trên địa bàn tỉnh trong đó có Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng Bến Tre, dẫn đến công ty khai thác và bán cát tại Mỏ cát Phụng Châu (xã Hòa Nghĩa, xã Sơn Định, xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách) và Mỏ cát Tiên Thủy - An Hiệp (xã Tiên Thủy, xã An Hiệp, huyện Châu Thành) nhưng không kê khai nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và không hạch toán trên sổ kế toán gây thiệt hại ngân sách nhà nước với số tiền tạm tính ban đầu là 18,87 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ khẳng định hành vi của Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng Bến Tre có dấu hiệu của tội trốn thuế theo quy định tại Điều 200 Bộ luật hình sự năm 2015.