Tử vong do bệnh dại, sực nhớ chuyện “hộ khẩu” chó mèo
Trong khi Bộ Y tế đang báo động về tình trạng số người mắc/tử vong do bệnh dại tăng nhanh, nhiều người mới sực nhớ đến yêu cầu “phải cấp sổ quản lý chó cho các chủ hộ nuôi” do Bộ NN&PTNT ban hành từ một năm trước và hình như đã bị… lãng quên.
“5 năm nuôi chó có phải rọ riếc gì đâu”
Cảnh chó được thả rông, không rọ mõm, không người dắt vẫn xuất hiện hàng ngày ở Hà Nội (ảnh chụp lại từ video)
Các chủ hộ nuôi chó phải cho chó tiêm phòng vaccine, khi đưa chó ra nơi công cộng phải rọ mõm và có người dắt... Tuy nhiên, sau gần một năm thông tư được ban hành, việc thực hiện dường như có cho lấy lệ, thậm chí bị bỏ qua và đã bị lãng quên.
Dạo một vòng qua các điểm công cộng ở Hà Nội như hồ Đắc Di, hồ Gươm... nơi đông đúc người qua lại, có thể bắt gặp vô số hình ảnh các chú chó thong dong đi dạo cùng chủ nhân vào thời điểm sáng sớm hay chiều tối. Tại các khu dân cư cũng tương tự. Tuy nhiên, tuyệt đối không một chú chó nào được rọ mõm cẩn thận.
Chị Thanh (Hàng Đào, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay: “Chó nhà mình lành lắm, chưa cắn ai bao giờ mà mình cũng đưa đi tiêm phòng rồi nên cần gì phải rọ mõm. Đeo cái thứ ấy vào nó cũng khó chịu, mà thấy chẳng ảnh hưởng đến ai nên cũng kệ”.
Khi chúng tôi đề cập đến việc những người chủ nuôi chó đã đi đăng ký với UBND phường - xã để cấp sổ đăng ký cho chó nhà mình hay chưa, đa số người chủ nuôi chó đều không hề hay biết quy định này.
Anh Nguyễn Hoài Nam (Lạc Long Quân, Hà Nội) cũng ngạc nhiên: “Sổ đăng ký cho chó để làm gì? Mà tôi thường xuyên dẫn chó đi dạo, không cho đeo rọ mõm, có thấy ai hỏi đâu?”.
“Nếu chị bắt được chó nhà tôi thì chị tiêm!”
Việc tiêm phòng dại, đăng ký “hộ khẩu” cho chó ở thành phố đã khó khăn; ở vùng nông thôn và miền núi còn khổ hơn gấp bội.
Bà Phạm Thị Hằng (Cán bộ thú y xã Đông Kinh, Đông Hưng, Thái Bình) chia sẻ về việc chân đi ủng rong ruổi hết thôn này đến thôn khác thuyết phục người dân tiêm phòng cho chó mèo nhưng hiệu quả vẫn không cao. Bà nhẩm tính hầu như trong thôn nhà nào cũng nuôi chó mèo, có nhà nuôi đến 3 - 4 con nhưng ít người chịu bỏ tiền ra tiêm.
Nhiều gia đình còn làm khó cán bộ thú y bằng “bài cùn”: “Nếu chị bắt được chó nhà tôi thì tôi để chị tiêm”.
Hà Nội có số người tử vong cao nhất
Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, số người tử vong do chó dại cắn tiếp tục gia tăng trong 8 tháng đầu năm 2010, với hơn 40 người tử vong trên cả nước từ đầu năm đến nay.
Trong đó, Hà Nội được coi là địa phương có số tử vong do bệnh dại cao nhất nước, với 7 bệnh nhân tính từ đầu năm 2010. Tính chung trên toàn quốc, số tử vong do bệnh dại tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2009.
Đây là bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm gây dịch với 27/63 tỉnh, thành phố có bệnh nhân tử vong.
Không chỉ gây bệnh dại, việc thả chó rông ngoài đường còn gây nhiều phiền hà, nguy hiểm cho người đi đường. Mới đây, một bé trai 2 tuổi đã bị gẫy răng, chiếc răng đó lại vô tình chui vào cuống phổi của em. Nguyên nhân là do khi bố em đèo đi chơi bằng xe máy phải phanh gấp vì gặp chó chạy rông qua đường, khiến em bị ngã nhào về phía trước. |
Theo Hải Huyền - Quỳnh Linh
Khoa học & Đời sống