1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Tử hình bằng tiêm thuốc độc nhận được nhiều đồng thuận

(Dân trí) - Sau nhiều lần tiếp thu, chỉnh lý, Luật thi hành án hình sự hôm nay đã nhận đồng thuận cao về nhiều vấn đề như xử tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc thay vì xử bắn. Duy nội dung cho gia đình nhận lại thi hài người bị xử tử vẫn chưa xuôi…

Tiêm thuốc độc cho tử tù để đảm bảo tính nhân đạo

Với những ý kiến khác nhau về việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, UB Thường vụ Quốc hội phân tích, hình thức tiêm thuốc độc trong thi hành án tử hình đang được nhiều nước áp dụng, ít gây đau đớn hơn cho người bị thi hành án, bảo đảm tử thi còn nguyên vẹn và giảm áp lực tâm lý cho người trực tiếp thi hành án. Kinh nghiệm các nước đã áp dụng hình thức này cho thấy, quy trình, công nghệ sử dụng việc tiêm thuốc độc cũng dễ thực hiện.

Tử hình bằng tiêm thuốc độc nhận được nhiều đồng thuận - 1
Hầu hết các ý kiến phát biểu đồng tình với hình thức tử hình bằng tiêm thuốc độc (ảnh: Việt Hưng).

Kết quả tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cũng thể hiện sự đồng tình với phương án quy định hình thức tử hình bằng tiêm thuốc độc. Có 30 đoàn đại biểu “bỏ phiếu” cho phương án này. Còn 9 đoàn đại biểu bảo lưu quan điểm thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn. 9 đoàn đại biểu khác đề nghị quy định song song cả 2 hình thức.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) phân tích, hiện trên thế giới vẫn tồn tại 8 hình thức tử hình, nhiều nước có quy định để tử tù được tự lựa chọn cách thụ án. Tuy nhiên, nguyên tắc xu hướng nhân đạo thì làm sao để người bị xử tử chịu đau đớn một cách nhanh nhất, không có máu chảy ra từ cơ thể, không có cảnh thân thể bị phơi bày, không gây mùi cháy khét… Ông Tuyết ủng hộ phương án tiêm thuốc độc vì đáp ứng đủ các yêu cầu.

Đối lập quan điểm này, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) e ngại tính chất răn đe, phòng ngừa tội phạm trong bối cảnh ngày càng phát sinh nhiều tội ác man rợ, phức tạp, nhất là về ma túy, sẽ không mấy ý nghĩa nếu chuyển thay đổi hình thức xử bắn. Đại biểu lập luận, để khắc phục khó khăn về pháp trường, tâm lý nặng nề cho cán bộ thi hành án có thể xây dựng một vài địa điểm tập trung, sử dụng máy móc bắn tự động.

Gạt bỏ băn khoăn này, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nêu nguyên lý, tính răn đe của hình phạt tử hình thể hiện ở ý nghĩa nhà nước buộc tước bỏ tính mạng người có hành vi nguy hiểm, cần cách ly vĩnh viễn khởi đời sống xã hội chứ không phải hình thức xử tử. Trước đây, việc xử bắn còn được thông báo để người dân đến chứng kiến nhưng từ lâu việc này đã không còn duy trì và thường việc thi hành án cũng được tiến hành trước khi trời sáng nên tính chất răn đe từ hình thức xử án này cũng không còn.

Đứng ở góc độ người làm ngành y, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (đại biểu tỉnh Hà Tĩnh) lại cho rằng nên quy định mở để có thêm nguồn hiến mô tạng từ những người xử tử hình để phục vụ y học, cứu chữa người bệnh khác.

Vẫn băn khoăn, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cảnh báo, việc tiêm thuốc độc nếu giao cho bác sỹ, nhân viên y tế sẽ “trái đạo” vì đó là những người chuyên trị bệnh cứu người, không phải để thực hiện việc tước bỏ quyền sống một con người.

Với số đông tán thành hình thức mới, UB Thường vụ đề nghị Quốc hội quy định hình thức tiêm thuốc độc như dự thảo. Tuy nhiên, để có thời gian chuẩn bị các điều kiện đảm bảo thực hiện, UB Thường vụ đề nghị Quốc hội xét lùi hiệu lực thi hành của luật cho đến ngày 1/7/2011.  

Cho nhận thi hài “tử tội” để dẹp nạn trộm xác

Về việc cho nhận hài cốt của người bị thi hành án tử hình, nhiều đại biểu tán thành với dự thảo cho phép thân nhân được nhận hài cốt sau 3 năm kể từ ngày mai táng. Việc cho nhận thi hài về mai táng lại nhận nhiều ý kiến “can gián”.

Tử hình bằng tiêm thuốc độc nhận được nhiều đồng thuận - 2
Đại biểu Trần Bá Thiều: "Nỗi đau của gia đình có người bị xử tử cũng như chúng ta mất người thân" (ảnh: Việt Hưng).

UB Thường vụ Quốc hội phân tích, việc này dễ gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự an toàn xã hội và làm phát sinh các vấn đề cần phải giải quyết như việc bảo quản tử thi, việc tổ chức mai táng. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp hợp sau khi xử bắn và mai táng, thân nhân người bị tử hình tìm mọi cách lấy trộm tử thi, thậm chí hình thành cả đường dây trộm xác. Có địa phương, tỷ lệ lấy trộm tử thi sau khi thi hành án tử hình đến 90%.

Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga (đại biểu tỉnh Thái Nguyên) phân tích về mặt pháp lý, Bộ luật dân sự có quy định việc bồi thường thiệt hại do xâm hại cơ thể, Luật hiến ghép mô tạng quy định việc hiến, lấy xác cần sự đồng ý bằng văn bản của gia đình người chết. “Như vậy, pháp luật đã gián tiếp quy định quyền nhân thân đặc biệt của người thân với người đã chết” - bà Nga khẳng định.

Đại biểu Trần Bá Thiều (Hải Phòng) cho rằng, những người bị xử tử đều là những trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng làm xã hội bức xúc, dư luận nguyền rủa, không thể chấp nhận nhưng đối với thân nhân, nỗi đau mất người thân cũng giống bất cứ gia đình nào khác. Rất ít gia đình từ bỏ việc xin lại hài cốt người thân. Tạo điều kiện cho gia đình nhận lại thi thể, theo ông Thiều giải quyết được cả mâu thuẫn khi hài cốt đã bị đào trộm mà 3 năm sau vẫn có người thân đến “đòi”.

Tuy nhiên, ông Thiều cũng kiến nghị “đèo” thêm quy định không trả xác trong trường hợp tội nhân là đối tượng cầm đầu, cốt cán trong các băng đảng xã hội đen để tránh nguy cơ tổ chức tang lễ khuếch trương, linh đình, gây mất trật tự xã hội. Đại biểu cũng cho rằng cần “ép chặt” hơn bằng cách buộc gia đình nhận xác rồi phải an táng ngay, không tang lễ.

Chủ tịch Hội luật gia Phạm Quốc Anh (đại biểu Đồng Nai) cảnh báo, việc tổ chức tang lễ chỉ có thể là cam kết, khó mà cấm. Vị luật gia kiến nghị biện pháp đơn giản hơn, thi hành án xong hỏa táng luôn thay vì địa táng và cho gia đình nhận lại tro cốt.

P.Thảo