Từ cậu bé làm thuê đến cuộc trường chinh đổi vận thành "vua đất" miền Tây
(Dân trí) - Ông Võ Quan Huy là con út trong một gia đình ở Long An. Khi còn nhỏ ông đi làm thuê ở các vựa mía, giờ đây ông sở hữu hơn 1.000ha đất nông nghiệp và đứng sau trang trại tỷ đô ở quê nhà Long An.
Một ngày cuối thu, phóng viên Dân trí có hẹn với ông Võ Quan Huy ở xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Ông Huy lâu nay nổi danh là "vua chuối", "vua đất", nhưng người miền Tây vẫn gọi người nông dân 69 tuổi này là ông Út.
"Cuộc trường chinh" của cậu bé làm thuê
Nắng vừa xuyên qua ô cửa, ông Út Huy dẫn chúng tôi vào sâu trong xã Bình Mỹ, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, giáp biên giới Campuchia. Nơi đây là một góc của Đồng Tháp Mười, từng là vùng đất đặc biệt khắc nghiệt, chiêm trũng và lầy lụt nhưng ít ai ngờ rằng đó là nơi đặt "đại bản doanh" triệu đô của ông Võ Quan Huy.
"Vua đất" miền Tây tâm sự, từ năm lên 16 tuổi ông đã theo cha đi làm thuê. Đến năm 1978, khi là một thanh niên tuổi ngoài 20, dù không một đồng vốn trong tay, Út Huy vẫn quyết định rời quê hương bắt đầu công cuộc khẩn hoang trên đất Tây Ninh.
"Đất đai ở quê khó làm ăn, người ta bỏ đi hết. Không có tiền nên tôi chỉ có thể đi tới những vùng đất chưa ai tới để làm", ông Út Huy kể lại.
Nhưng trận lụt lịch sử trên đất Tây Ninh năm ấy đã nhấn chìm những cuộc làm ăn xa xứ. Nông dân kiệt quệ vì vườn tược, hoa màu đều nằm dưới nước, ông Huy cũng trắng tay.
Đến năm 1979, chàng thanh niên Út Huy lại khăn gói qua Bình Dương tham gia xây dựng vùng nguyên liệu mía do các nhà máy đường phát động. Mượn nợ đánh liều, một mình ông nhận gần 100ha đất ở Tân Uyên (Bình Dương) trồng mía. Nhưng cuộc toan tính cơ đồ ấy cũng thất bại, mía chỉ nảy mầm không được 20%. Ông Huy tiếp tục nuốt trái đắng.
Sau 2 lần thất bại, anh nông dân năm đó vẫn tiếp tục mượn nợ, kiên trì bám riết lấy cây mía. Và lần này, nhờ rút ra được kinh nghiệm từ những thất bại trước, Út Huy đã tỉ mẩn ghi chép, phân tích đất theo tính chất giống cây. Lần đó Út Huy mới nếm được vị ngọt của mía. Cũng từ đây, "cuộc trường chinh" của "vua đất" bắt đầu.
Cũng trong năm đó, khi nhìn thấy các nông trường cao su ở Bời Lời (Tây Ninh) bị bỏ hoang, thanh niên Út Huy đánh liều nhận thêm 70ha đất này để thuần hoang. Hơn nửa thập kỷ lăn lộn với đất hoang, mía ở cả 2 vùng Tân Uyên và Bời Lời mới cho năng suất sinh lời hơn 500 triệu đồng/năm.
Năm 1994, lúc đó nông dân Út Huy tiếp tục thuê hơn 240ha vùng đất phèn ở Long An, đó là một phần vùng chiêm trũng của Đồng Tháp Mười - nơi mà nông dân địa phương đều bó tay. Nhờ phát kiến xẻ đất rồi đào kênh khai thông, đắp đê lửng ngăn lũ, rửa phèn, ông đã khiến vùng đất hoang này được phủ xanh.
"Thời điểm tôi về phải chục năm sau xã Mỹ Bình mới được thành lập. Cũng may có trời thương mới vượt qua cơn bĩ cực ấy. Thành quả này có được là nhờ một thứ vốn liếng không dễ gì có được, đó là sự kiên trì của bản thân và sự ủng hộ từ những người "sống chết" vẫn dám theo tôi", ông Huy nói.
Sau khi cải tạo thành công đất phèn với cây ăn quả, "vua đất" mở rộng hệ sinh thái sang trồng ớt, dưa hấu, măng cụt và mang đậm dấu ấn khi đặt chân sang ngành tôm công nghiệp.
Ban đầu, ông chọn Sóc Trăng để đầu tư 100ha tôm chuyên canh (tự sản xuất thức ăn cho tôm) rồi mở rộng địa bàn sang các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau với tổng diện tích hơn 70ha.
Chỉ trong một thời gian ngắn, ông Huy giữ chức Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển ngành thủy sản của tỉnh Sóc Trăng nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung lúc bấy giờ.
Năm 2013, sau khi thành "vua mía, vua tôm", ông Huy nhập và nuôi bò Úc. Sau đó không lâu, ông mở trang trại bò Wagyu đầu tiên ở miền Tây. Lúc bấy giờ, trang trại của ông Huy cung cấp ra thị trường hơn 100 con bò thịt/ngày, mỗi con ước tính có thể sinh lời khoảng 3 triệu đồng.
Nông dân đầu tiên đưa chuối Việt xuất ngoại
Tính ông Huy ít nói, điềm đạm nhưng hành động thì rất dứt khoát. Năm 2014 thấy người dân đổ xô trồng mía để phục vụ các nhà máy đường, ông chuyển hẳn từ cây mía sang cây chuối.
Ông Huy tính nhẩm rằng trang trại bò của ông mỗi ngày thải ra cả tấn phân. Số phân này được đem ủ bằng men vi sinh khoảng một tháng cho hoai mục, sau đó dùng bón cho chuối. Đây là một mở đầu tương đối mỹ mãn với ông Huy.
Hơn chục năm trước, giấc mơ khởi tạo một doanh nghiệp xuất khẩu ở địa phương gần như viển vông. Bởi để đáp ứng nhu cầu thị trường các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc hay Mỹ, nông dân Việt phải đáp ứng hàng trăm chỉ tiêu. Ông Huy cho rằng, khó nhất là minh bạch quy trình sản xuất.
"Đầu tiên tôi chọn Nhật Bản. Đây là một thị trường khó bởi người Nhật làm ăn cẩn thận, coi trọng chất lượng hàng hóa và chữ tín trong kinh doanh. Các doanh nghiệp Nhật tìm hiểu rất kỹ về đối tác trước khi có quyết định hợp tác lâu dài. Chỉ liếc sơ qua bộ chỉ tiêu, tôi thấy có khoảng 200-300 chỉ tiêu để ra một sản phẩm được họ chọn lựa mua và mang về nước", ông Huy nói.
Ông Út Huy nhìn nhận, khó chứ không phải là không thể. Nhật Bản là đối tác tốt, có tính ổn định và bền vững. Nếu ta thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm, chủ động học hỏi, minh bạch quy trình sản xuất, có kế hoạch hoàn thiện chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn của họ thì họ sẵn sàng xem ta là một bạn hàng dài lâu.
"Tùy thời điểm mà chuối sang Nhật có giá khác nhau. Ví dụ, giá được 5.000 đồng/kg, mỗi năm xuất khẩu 2.000 tấn thì được khoảng 10 tỷ đồng. Nếu giá là 10.000 đồng/kg thì lãi gấp đôi. Giá chuối bán trong nước lúc bấy giờ chỉ có 2.000-2.500 đồng/kg", ông Huy tính nhẩm sơ bộ các con số khi chuối sạch của ông được xuất khẩu.
Trang trại tỷ đồng của ông Huy tiên phong trồng và sản xuất chuối sạch. Ông Huy đã chế tạo hệ thống ròng rọc, cáp treo thu hoạch nhờ những lần học hỏi kiến thức từ nước bạn (Ảnh: Bảo Kỳ)
"Vua đất" cho biết, ông lấy 2 yếu tố quan trọng làm sự phát triển của một doanh nghiệp nông thôn đó là, lấy con người làm yếu tố lõi và dùng công nghệ, máy móc làm đòn bẩy.
Giai đoạn 2016-2020, Công ty TNHH Huy Long An của ông Võ Quan Huy xuất hiện dày đặc trên các mặt báo, khi chuối sạch "made in Vietnam" lần đầu tiên được bày bán trên kệ của hệ thống siêu thị nổi tiếng Nhật Bản.
Sản phẩm đáp ứng đủ tiêu chí không có kim loại nặng, không có vi khuẩn gây hại, không dư lượng thuốc trừ sâu bệnh, không chất kích thích tăng trưởng, đều kích cỡ, khi chín màu vàng ươm, bùi, dẻo, ngọt vừa.
Đến nay, toàn bộ quy trình sản xuất chuối sạch của ông Huy đều gói gọn trong hệ thống cáp thu hoạch chuối bằng ròng rọc dẫn thẳng đến khâu chế biến, đóng gói. Đây là một trong những hệ thống canh tác nông nghiệp hàng đầu Đông Nam Á. Ngoài ra, hạ tầng thu hoạch còn bao gồm các vòi tưới tự động, hệ thống chống đổ ngã cây.
"Đó là hệ thống tôi học lỏm. Tôi cuộn một cái thước dây vào trong lưng quần mình khi đi nước ngoài. Đi đến nơi nào không cho thì tôi học lén, còn nơi nào cho thì tôi lấy thước ra đo từng mét đất, rồi lấy sổ ghi lại đàng hoàng", ông Út Huy bật cười sảng khoái.
Chuối của Công ty TNHH Huy Long An được xuất khẩu và bày bán rộng rãi tại các siêu thị Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc,...
Hiện tại, ông Huy có trong tay hơn 1.000ha đất nông nghiệp đang canh tác trải dài từ Bạc Liêu, Long An, Tây Ninh, Bình Dương đến cao nguyên Lâm Đồng. Nơi thì phủ xanh cây ăn trái, nơi thì phục vụ chăn nuôi.
"Bao nhiêu tiền tôi đều đổ vào đất. Nếu có một quy định nào đó buộc phải thu hồi đất sử dụng vượt hạn điền thì tôi mất trắng. Nhưng tôi tin chủ trương Luật Đất đai của Nhà nước không bao giờ lấy đất của người đang canh tác, tạo ra sản phẩm có giá trị. Tôi mua đất để làm chứ không phải để bán. Tôi mê nông nghiệp", ông Huy chia sẻ.