Từ 5/10, taxi, xe buýt được hoạt động ở TPHCM

Quốc Anh

(Dân trí) - Ô tô buýt, taxi, xe hợp đồng, xe du lịch được phép hoạt động trên địa bàn TPHCM từ ngày 5/10.

Sở Giao thông vận tải TPHCM vừa có công văn khẩn, hướng dẫn phương án tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố.

Từ 5/10, taxi, xe buýt được hoạt động ở TPHCM - 1

 Từ ngày 5/10, các hãng taxi được đăng ký hoạt động tối đa không vượt quá 20% số xe quản lý.

Theo đó, từ ngày 5/10, TPHCM tổ chức chạy lại một số tuyến xe buýt với tần suất và thời gian hoạt động tùy theo tình hình, nhu cầu thực tế từng khu vực.

Trong khi đó, các hãng taxi được đăng ký hoạt động tối đa không vượt quá 20% số xe quản lý.

Tương tự với xe du lịch, mỗi đơn vị kinh doanh được đăng ký số lượng hoạt động tối đa không vượt quá 30% số xe quản lý.

Đơn vị vận tải cũng chỉ được đăng ký hoạt động tối đa không quá 10% số xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách (taxi công nghệ).

Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải cho phép xe hợp đồng phục vụ các chương trình du lịch được Sở Du lịch và các địa phương tổ chức; kế hoạch vận chuyển của ngành y tế; vận chuyển chuyên gia, công nhân.

Từ 5/10, taxi, xe buýt được hoạt động ở TPHCM - 2

TPHCM tổ chức chạy lại một số tuyến xe buýt, riêng xe ôm truyền thống, xe ôm công nghệ vẫn tạm ngưng.

Sở Giao thông vận tải sẽ cấp phép cho các đơn vị vận tải thông qua giấy nhận diện có mã QR. Trong quá trình hoạt động, căn cứ nhu cầu đi lại và tình hình kiểm soát dịch Covid-19, Sở Giao thông vận tải tiếp tục điều chỉnh số lượng phương tiện hoạt động phù hợp.

Riêng xe ôm công nghệ, xe ôm truyền thống tại TPHCM vẫn chưa được phép hoạt động.

Người tham gia giao thông phải khai báo qua ứng dụng VNEID và mã QR thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM, hoặc Sổ sức khỏe điện tử (khi PC-Covid chưa hoạt động).

Nếu không có mã QR, người dân cần xuất trình một trong các giấy tờ chứng minh khỏi Covid-19 dưới 6 tháng hoặc tiêm vắc xin (ít nhất một mũi với loại vắc xin 2 mũi và sau 14 ngày).

Sau hơn 4 tháng giãn cách xã hội với nhiều cấp độ khác nhau, UBND TPHCM công bố Chỉ thị 18 về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện từ 18h ngày 30/9.

Vận chuyển hành khách bằng đường thủy

Từ 5/10, các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa cũng được phép hoạt động trên địa bàn thành phố.

Theo đó, tại huyện Cần Giờ gồm các bến: Tắc Suất, Biên Phòng, Thiềng Liềng, xã Thạnh An (thuộc huyện Cần Giờ) phục vụ vận tải hành khách tuyến Cần Thạnh - Thạnh An và Thạnh An - Thiềng Liềng.

Các bến phục vụ du lịch: Bến du thuyền Rừng Sác, Đầm Dơi, Vàm Sát, bến Tắc Suất, bến Trạm Văn phòng Phân khu 1, Trạm văn phòng Phân khu 2, Khu di tích rạch Giồng Chùa.

Ngoài ra, còn có Khu bến du lịch Cảng công viên Bạch Đằng (quận 1); bến phục vụ du lịch Bến Đình, Bến Dược (huyện Củ Chi); bến Hiệp Phước - Doi Lầu, Hiệp Phước - An Thới Đông (huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ); bến Bình Quới (quận Bình Thạnh); chùa Hội Sơn (TP Thủ Đức); Bến Đá (quận 8) và các bến thủy nội địa phục vụ tổ chức, cá nhân không kinh doanh.