1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Từ 1/8, ô tô vượt đèn vàng bị phạt tới 2 triệu đồng

(Dân trí) - Người tham gia giao thông nếu vượt đèn vàng sẽ bị phạt như vượt đèn đỏ, mức phạt từ 1,2 - 2 triệu đồng. Quy định này được áp dụng từ ngày 1/8, theo Nghị định 46/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt.

Theo Nghị định 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt Chính phủ vừa ban hành thay thế Nghị định 171/2013 và Nghị định 107/2014, có hiệu lực từ ngày 1/8, ô tô khi tham gia giao thông nếu vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ, mức tiền từ 1,2 đến 2 triệu đồng. Theo nghị định 171 đang có hiệu lực, lỗi này bị phạt từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng.

Người tham gia giao thông nếu vượt đèn vàng sẽ bị phạt tối đa 2 triệu đồng (ảnh: Huỳnh Hải)
Người tham gia giao thông nếu vượt đèn vàng sẽ bị phạt tối đa 2 triệu đồng (ảnh: Huỳnh Hải)

Một số mức phạt cũng được tăng nặng trong Nghị định 46 có hiệu lực từ 1/8 tới đây. Theo đó, đối với nhóm vi phạm về nồng độ cồn, tăng mức phạt từ 10-15 triệu đồng lên 16 - 18 triệu đồng đối với lái xe ô tô có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở (mức 3), tước giấy phép lái xe từ 4-6 tháng (GPLX). Đối với người điểu khiển mô tô, xe máy vi phạm về nồng độ cồn ở mức 3 sẽ bị phạt 3 - 4 triệu đồng, tước GPLX từ 3-5 tháng.

Nghị định 46 cũng bổ sung quy định, nếu dùng chân để điều khiển vô lăng xe ô tô khi xe đang chạy trên đường bị phạt từ 7 - 8 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng. Trường hợp vi phạm quy định này mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng.

Nhiều mức phạt giao thông tăng nặng sẽ áp dụng từ ngày 1/8 tới đây
Nhiều mức phạt giao thông tăng nặng sẽ áp dụng từ ngày 1/8 tới đây

Tăng mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. Cụ thể: Tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng (trong trường hợp có GPLX ) hoặc phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng (trong trường hợp không có GPLX hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng GPLX ) đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. Với Nghị định số 171 hiện hành thì hành vi vi phạm về chất ma túy chỉ bị phạt từ 8-10 triệu đồng.

Với hành vi chở quá khổ, quá tải, theo Nghị định 171 hiện hành, hành vi này chỉ bị xử phạt 7-8 triệu đồng. Đối với chủ phương tiện, phạt tiền từ 28 - 32 triệu đồng đối với cá nhân; từ 56 - 64 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô khi giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 150%.

Hành vi chở quá khổ quá tải bị xử phạt tăng nặng theo Nghị định 46 sửa đổi đối với lái xe và chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ các mức từ 20-50%, 50-100%, 100-150%. Đối với lái xe, mức phạt cao nhất khi chở quá tải trên 150% sẽ phạt tiền từ 8 - 12 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng GPLX 3- 5 tháng, bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng vượt quá kích thước quy định.

Luật Giao thông đường bộ quy định:

Người tham gia giao thông phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ, trong đó có tín hiệu đèn giao thông: Tín hiệu xanh là được đi; Tín hiệu đỏ là cấm đi; Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm