1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Truyền thuyết về chất độc bí hiểm của người Cơ Tu

(Dân trí) - Cộng đồng người Cơ Tu sinh sống ở miền Tây Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam vẫn còn lưu truyền về một chất độc bí hiểm mà tương truyền người và súc vật chỉ cần chạm nhẹ vào là chết ngay tại chỗ. Thậm chí, đến một giọt máu cũng không hề chảy.

Người Cơ Tu gọi nó là Bhơyh, tức “thần hộ mệnh”. 

Huyền thoại Bhơyh chống giặc, giữ làng 

Người Cơ Tu thường truyền tai nhau rằng, nếu trúng độc Bhơyh thì phải bắt ngay con rận sống trong chăn hay cua đồng ăn sống để chất của những con này hút hết chất độc may ra còn giữ được mạng sống. Tuy nhiên, đến nay chưa có ai  chữa bằng cách đó khi trúng độc Bhơyh. Mà chỉ là theo lời đồn đại chứ trúng loại độc này chỉ có chết, không có cách cứu chữa. 

Tương truyền, thời kháng Pháp, người Cơ Tu ở huyện Nam Đông, A Lưới (Thừa Thiên - Huế) và huyện Tây Giang (Quảng Nam) đều dùng chất độc Bhơyh để giết giặc giữ làng. Tại huyện A Lưới, những ngôi làng như A Sầu, Tà Rá, làng Đụt… người Cơ Tu lập ra những đội du kích chống giặc Pháp và sau này là giặc Mỹ. Họ tập hợp những “cung thủ” thiện xạ nhất của làng, vũ khí của họ là bộ cung và rất nhiều mũi tên tẩm chất độc Bhơyh. Đội cung thủ thường leo lên ngọn cây, đứng trên ngọn đồi hay nấp trong bụi rậm chờ giặc Pháp đi qua.  

“Cứ thấy đoàn người hành quân mà không thấy mang ba lô, trên vai có hình vuông thì cứ nhằm mà bắn”, người Cơ Tu truyền khẩu cách nhận dạng quân thù. Những tên chỉ huy trúng tên, chết sau đó ít phút mà ở chỗ mũi tên cắm vào không có một giọt máu, lính tráng sợ như ma ám mà bỏ chạy không dám quay lại làng.  

Những cái hầm chông, những cái bẫy tên treo lơ lửng trên đường, tất cả đều tẩm độc Bhơyh đã giết chết không biết bao nhiêu quân Pháp khi hành quân lên các vùng A Lưới, Nam Đông và Tây Giang...  

Có lần quân Pháp mang cả đại bác lên bắn tan nát làng Tà Rá, quân Pháp dã man tàn sát nhiều người để mong tìm ra lời giải về chất độc Bhơyh nhưng rồi chúng phải khuất phục trước sự can đảm của dân làng. 

Người Tây Giang (Quảng Nam) hôm nay vẫn truyền tai nhau câu chuyện về A Vao - chàng thợ săn dùng mũi tên tẩm độc Bhơyh giết giặc Mỹ giữ làng như một huyền thoại trên dãy Trường Sơn. Ngày đó, chàng thợ săn A Vao đang trèo lên một cây cổ thụ để lấy đọt cây tàval làm rượu. Bất ngờ, trên đầu có tiếng gào thét kinh người, thân hình A Vao lắc lư trong gió. A Vao cứ đinh ninh là mình sắp bị một con thú khổng lồ tấn công. Thế là anh giương cung lên bắn, phát tên thứ ba của A Vao trúng ngay tay của tên phi công Mỹ. “Con thú” chao đảo và rơi xuống rừng trước khi về đến sân bay quân sự ở Phú Bài. Sau này A Vao mới biết đó là trực thăng. 

Giải mã Bhơyh 

Ông Quỳnh Hương (gần 70 tuổi, ở thôn Ta Rá, xã Hưng Nguyên, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cẩn thận đặt những mũi tên mới được vót nhọn ngâm trong một thứ nước đặc sệt màu đen vào ống.  

Ngay cả những người thân trong gia đình ông Hương cũng chỉ nghe mang máng chứ không biết rõ về loại độc dược kỳ bí này. Theo ông Hương, “bảo vật” này chỉ những người già trong gia tộc thật sự có uy tín mới được truyền lại. Vì thế, những người mang chất Bhơyh đi săn bắn phải vào rừng từ lúc cả làng còn ngủ và lúc mặt trời xuống núi mới trở về. 

Cũng theo ông Quỳnh Hương thì cả người và thú vật chỉ cần “dính” mủ của cây Bhơyh đã gây rách da thì trong vài bước đi là gục xuống chết, không hề nhỏ một giọt máu. 

Truyền thuyết về chất độc bí hiểm của người Cơ Tu  - 1
 Chàng trai Cơ Tu với bộ cung nỏ dùng săn bắn hàng ngày.

Ngày nay, ở những bản xa xôi, người Cơ Tu vẫn còn truyền tụng cho nhau nghe truyền thuyết về chất độc Bhơyh: Một hôm ở ngôi làng nằm sâu giữa rừng bỗng xuất hiện một người khổng lồ chuyên ăn thịt người. Hai anh em nhà nọ bị người khổng lồ bắt mất cả cha lẫn mẹ. Căm phẫn, họ vào rừng tìm vũ khí giết người khổng lồ. Thế rồi họ chặt hết cây này đến cây khác để làm ngọn lao, dùng con thú làm vật thử nhưng đều thất bại.  

Có lần tình cờ hai anh em nọ chứng kiến một cảnh tượng lạ. Những con thỏ, con sóc nhảy qua một gốc cây có mủ màu trắng ngắt thì lăn đùng ra chết. Vì thế hai anh em liền lấy mủ cây bôi vào đầu ngọn lao để đuổi người khổng lồ. Sau khi người khổng lồ bị trúng lao độc, đau đớn thân xác mà bỏ trốn vô rừng sâu. Từ đó dân làng được bình an và họ đặt tên loại nhựa độc này là Bhơyh, tiếng Cơ Tu có nghĩa như một vị thần hộ mệnh. 

Sau tiếng rít tẩu dài, ông Quỳnh Hương đăm chiêu kể về một tương truyền về Bhơyh thời tổ tiên. Hồi đó, đã xưa lắm rồi, bản Ngược (Nam Đông) vì tranh chấp con thú với một bản bên cạnh đã xảy ra đổ máu. Đến đêm, một số người trong bản bên cạnh lấy thân cây Bhơyh chất thành đống để đốt rồi bỏ xác chuột, xác rắn độc vào. Đến sáng hôm sau, xác người chết chất đầy bản Ngược. Số người còn sống rũ rượi bỏ làng ra đi.  

Sau đêm tàn khốc đó, cây độc dược Bhơyh trở nên khó tìm và bí hiểm hơn. Cách pha chế nó cũng được cố tình cho vào quên lãng. Ngay ông Quỳnh Hương cũng chỉ tiết lộ chung chung cây Bhơyh có hình dạng như cây mít… 

Quay lại Nam Đông và tìm đến nhà ông lão Quỳnh Cự (gần 80 tuổi) để tìm hiểu thêm về cây Bhơyh. Kết quả cũng thật… bí ẩn: Người pha chế độc Bhơyh phải vô rừng sâu, ở lại đó cho đến đêm xuống mới lấy mủ cây rồi huơ trên ngọn lửa của một đống củi để lấy khói mà người ngoài không biết là củi gì. 

Cho đến khi mủ vón thành cục màu đen, sáng sớm ngủ dậy không được súc miệng để dùng nước bọt nhổ vào cục đen cho đến khi tan ra rồi bôi lên mũi tên. Theo lão Quỳnh Cự thì: “Bhơyh không bao giờ được truyền cho những người có lòng dạ gian ác”.  

“Bây giờ, con thú cũng ít dần, chất độc Bhơyh cũng ít được sử dụng nên rồi cũng mang Bhơyh xuống mồ thôi, chứ không truyền lại cho lớp trẻ” - Quỳnh Cự trầm ngâm. Cho đến lúc này, Bhơyh là gì vẫn chưa rõ nhưng những giai thoại về “thần hộ mệnh Bhơyh” chắc chắn sẽ còn sống mãi trong những câu chuyện bên ché rượu của người Cơ Tu. Và những chiến công của đồng bào Cơ Tu trong hai cuộc kháng chiến thần thánh đã trở thành một phần không thể thiếu của lịch sử dân tộc.  

Minh San - Nguyên Sa