Vụ lương "khủng" tại doanh nghiệp công ích TPHCM:
Truy thu tiền chi sai cho “sếp”, không truy thu của công nhân
(Dân trí) – Sau thông tin chỉ đạo thu hồi số tiền chi sai cho các lãnh đạo doanh nghiệp công ích, xem xét lại mức lương tối thiểu áp dụng sai quy định của UBND TPHCM, người lao động nhiều doanh nghiệp cũng lo ngại bị truy thu tiền lương.
Hoang mang vì nhiễu thông tin
Trả lời trên nhiều báo, lãnh đạo công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP cho biết là công nhân trong công ty đang hoang mang vì với chỉ đạo xem xét lại định mức tiền lương tối thiểu, áp dụng mức lương tối thiểu 1.520.000 đồng/tháng để tính tiền lương năm 2012 cho người lao động thì công nhân trong công ty sẽ bị thu hồi lương. Bởi mức lương năm 2012 của công nhân trong công ty được tính theo mức lương tối thiểu là 2.000.000 đồng/tháng.
Anh T., một công nhân mé nhánh cây cho biết có nghe anh em trong công ty nói chuyện với nhau về việc này, anh cũng lo lắng và không hiểu sự việc thế nào. Anh cho biết: “Tôi cũng xem báo và thấy mỗi báo nói một khác. Có báo nói lương anh em tôi sẽ được xem xét lại, trả lại phần bị đối xử bất công trước đây. Có báo lại nói sẽ bị thu hồi lại phần lương chi cao hơn mức tối thiểu quy định…”.
Quan điểm chỉ đạo xử lý quyết liệt của UBND TP còn khiến nhiều đơn vị quản lý “bầu sữa” tiền công chi cho dịch vụ công ích khác bị… “nhột” và gấp rút có động thái. Mới nhất là Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM xem lại mức lương tối thiểu tăng từ 2.000.000 đồng/tháng lên 2.350.000 đồng/tháng để tính tiền trợ giá cho các doanh nghiệp xe buýt từ ngày 1/1/2013.
Từ việc này, Trung tâm yêu cầu thu hồi phần chênh lệch so mức lương 2 triệu đồng/tháng trong khoản tiền trợ giá đã thanh toán cho các doanh nghiệp từ ngày 1/1/2013 đến hết tháng 6/2013 (tính theo mức lương tối thiểu vùng 2.350.000 đồng/tháng). Việc thu hồi này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 5.000 lao động trong các doanh nghiệp xe buýt.
Đối với trường hợp này, nhiều chuyên gia trong ngành giao thông cho là bất hợp lý. Vì các doanh nghiệp xe buýt đều là HTX vận tải, doanh nghiệp tư nhân hưởng mức lương tối thiểu vùng 2.350.000 đồng/tháng từ ngày 1/1/2013 là đúng theo quy định; không thể áp dụng mức lương tối thiểu để tính đơn giá nhân công các sản phẩm dịch vụ công ích trong các doanh nghiệp nhà nước cho trường hợp này.
Chỉ thu hồi tiền chi sai cho lãnh đạo, không truy thu của công nhân
Vậy đối với 4 doanh nghiệp công ích đã có kết luận kiểm tra trên, có hay không việc thu hồi tiền lương của công nhân khi áp dụng sai quy định về mức lương tối thiểu?
Dân trí đã đem nghi vấn này trao đổi cùng ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TPHCM và được ông khẳng định thông tin trên là sai lệch. Theo ông, kết luận sai phạm của 4 doanh nghiệp công ích trên nêu rõ 2 vấn đề: thu hồi số tiền chi sai cho các viên chức quản lý và phục hồi quyền lợi cho người lao động, tuyệt đối không có chuyện truy thu tiền lương của người lao động.
Về việc áp dụng mức lương tối thiểu sai quy định, UBND TP đã có chỉ đạo rõ trong kết luận trên là “lập danh sách các hợp đồng công việc đã ký với tổ chức khác với mức lương 2.000.000 đồng/tháng để tính đơn giá năm 2012. Tính giá trị từng hợp đồng với đơn giá được tính dựa trên mức lương 2.000.000 đồng và mức lương 1.512.000 đồng/tháng. Xác định mức chênh lệch của từng hợp đồng, tổng giá trị mức chênh lệch khi áp dụng hai mức lương trên và đề xuất biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.
Ông Lê Mạnh Hà cho biết: “Ủy ban chưa từng đề cập 1 từ nào là thu hồi số tiền đó và thu hồi từ đâu. Tuy nhiên, nguyên tắc bồi thường là không được lấy từ những người lao động được hưởng lương cao trước đó để chia cho người khác. Vì người ta đâu có vi phạm. Người lao động nhận lương càng cao càng tốt, họ không sai thì làm sao mình thu hồi tiền của người ta. Cách nói của các doanh nghiệp đó trên báo chí thời gian qua tạo tâm lý bất ổn cho người lao động, tạo sức đẩy cho người lao động phản đối lại các quyết định của Ủy ban và đánh lạc hướng dư luận. UBND TP sẽ họp với các đơn vị và xử lý vấn đề này”.
Trong kết luận chỉ đạo của UBND TP cũng nhiều lần nhắc đi nhắc lại quan điểm yêu cầu các doanh nghiệp công ích trên khắc phục các sai phạm, đền bù quyền lợi của người lao động bị tước đoạt từ trước đến nay. Vấn đề quan trọng hiện nay là phương pháp đền bù như thế nào? Lấy nguồn tiền từ đâu để bù đắp thiệt thòi của người lao động bị tước đoạt quyền lợi?...
Quan điểm này của UBND TP càng được khẳng định hơn khi chiều 4/9, Ban thường vụ Thành ủy TPHCM đã có kết luận về vụ việc này. Ban thường vụ Thành ủy TPHCM chỉ đạo rõ là thu hồi số tiền đã chi sai cho các viên chức quản lý và dùng số tiền thu hồi này để đền bù cho người lao động bị thiệt thòi.
Hồng Tâm - Tùng Nguyên