Hà Tĩnh:
Truy phong nhầm một Bí thư huyện bộ?
(Dân trí) - Một người quá cố chỉ được lịch sử Đảng bộ huyện ghi nhận là “huyện ủy viên”, trong lịch sử tham gia cách mạng vẫn còn những nghi vấn chưa được làm rõ, nhưng lại được dựng hồ sơ truy phong “Bí thư huyện bộ”, truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì...
Bất bình, bức xúc đã nổi lên khi Đảng bộ xã Phù Việt tiến hành làm cuốn lịch sử Đảng bộ xã vào đầu năm 2016, trong đó các đảng viên, nhà biên soạn kiên quyết đưa ra ý kiến loại người được truy phong gây tranh cãi này khỏi cuốn sách.
Bỗng dưng thành Bí thư huyện bộ?
Là một địa phương giàu truyền thống cách mạng, năm 2016 Đảng ủy xã Thạch Việt nhận được chỉ thị của Huyện ủy Thạch Hà (Hà Tĩnh) phải hoàn thành xuất bản cuốn lịch sử Đảng bộ xã ngay trong năm này.
Căn cứ vào Quyết định số 1021- QĐ/TU ngày 01/8/2012 công nhận là lão thành cách mạng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh, tiếp đó là Quyết định số 2643/QĐ - CTN ngày 17/10/2004 truy tặng Huân chương Độc lập hạng nhì với chức danh "Bí thư huyện bộ” đối với ông Nguyễn Thao (Nguyễn Văn Thao, 1909 - 1982, quê làng Bùi Xá, xã Phù Việt) của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; người chủ biên cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Phù Việt ban đầu đã đưa ông Nguyễn Thao vào một phần của cuốn sách.
Tuy nhiên sau đó, Hội đồng biên soạn và cuộc họp Đảng ủy mở rộng của xã Phù Việt gồm có các đảng viên lão thành đã quyết định đưa cụ Nguyễn Thao ra khỏi cuốn sách lịch sử này.
Bởi lẽ đông đảo đảng viên lão thành trong xã Phù Việt phản đối, quyết ngăn cản vệc xuất bản vì cho rằng vệc truy phong các danh hiệu "Lão thành cách mạng”, “Huân chương Độc lập hạng Nhì” đối với cụ Nguyễn Thao có nhiều sai phạm, khuất tất. Theo các đảng viên, cụ Nguyễn Thao không thể được truy phong các danh hiệu này.
Lí do mà các Đảng viên lão thành, nhiều nhà soạn thảo cuốn sách ở xã Phù Việt phản đối đó là hồ sơ xét duyệt chỉ căn cứ vào tài liệu của “mật thám Pháp” ghi ông Nguyễn Thao khi bị bắt là “Bí thư huyện bộ” Thạch Hà được Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh cung cấp, mà không căn cứ vào ghi chép của chính sử.
Sự phản đối này của cán bộ lão thành xã Phù Việt hoàn toàn có cơ sở khi cuốn Lịch sử Đảng bộ Thạch Hà tập I (1945-1954), do Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản ghi rõ chức danh của Nguyễn Thao khi tham gia Ban chấp hành Đại hội 1 huyện đảng bộ (tháng 1/1931) và Đại hội 2 huyện đảng bộ (tháng 4/1931) chỉ là huyện ủy viên.
Tiếp đến trong suốt chiều dài lịch sử đảng bộ huyện Thạch Hà chưa bao giờ xuất hiện một cuốn sách, tài liệu nào nhắc đến chức danh của cụ Nguyễn Thao là Bí thư huyện bộ như truy phong.
Thêm nữa, tài liệu mà Đảng viên lão thành xã Phù Việt cung cấp, quá trình hoạt động, Nguyễn Thao bị mật thám Pháp bắt giam. Tại nhà lao Hà Tĩnh ông đã đầu thú, khai báo về Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Hà Tĩnh là ông Nguyễn Thiếp, cũng như địa điểm Tỉnh ủy, Huyện ủy lúc đó đóng tại Phù Việt. Khi khôi phục lại tổ chức Đảng vào tháng 10/1945, ông Nguyễn Thao đã không được khôi phục Đảng tịch.
Nhiều đảng viên lão thành ở xã Phù Việt cũng đặt câu hỏi, tại sao trong suốt 20 năm, từ 1961 (thời điểm Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 35 triển khai lập hồ sơ, bổ sung công nhận lão thành cách mạng) đến khi từ trần vào 1982, khi nhiều đồng chí đảng viên 1930-1931 ở Phù Việt còn sống, trong đó có cụ Mai Kính, Bí thư Tỉnh uỷ, người chủ trì thành lập Huyện ủy Thạch Hà, ông Nguyễn Thao và gia đình không dám lập hồ sơ?
Đặc biệt, một tài liệu quan trọng lưu ở xã Phù Việt cho thấy, khi xác nhận quá trình hoạt động cách mạng của một cán bộ đồng niên là cụ Bùi Quang Ứng, ông Nguyễn Thao cũng thừa nhận mình không phải là Bí thư huyện bộ Thạch Hà như sau này được truy phong.
Dừng xuất bản lịch sử đảng bộ để chờ làm rõ
Sáng ngày 5/7, PV Dân trí đã tìm gặp các đảng viên lão thành ở xã Phù Việt để làm rõ hơn các nội dung tố cáo này.
Các ông Nguyễn Tuấn Nhâm (90 tuổi), Phạm Duẫn Nuôi (92 tuổi), cùng là những đảng viên trên 70 năm tuổi Đảng đều kịch liệt phản đối khi được đề cập đến việc truy phong, truy tặng ông Nguyễn Thao là Bí thư huyện bộ, Lão thành cách mạng, Huân chương Độc lập hạng Nhì.
“Lịch sử Đảng bộ huyện không ghi nhận ông ấy là Bí thư thì anh nói, anh công nhận ai người ta nghe cho. Chúng tôi nhất quyết đề nghị làm sáng tỏ, trả lại sự thật của lịch sử”- ông Nhâm nói.
Ông Nguyễn Tuấn Nhâm, một trong nhiều đảng viên lão thành ở xã Phù Việt kiến nghị làm sáng tỏ việc truy phong danh hiệu Bí thư huyện bộ Thạch Hà đối với ông Nguyễn Thao.
Ông Trần Thanh Bình, nguyên Bí thư Huyện ủy Thạch Hà, hiện là Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Hà Tĩnh, chủ biên cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Thạch Hà (tập 1,1930 – 1945; tập 2, 1945 – 2003) cũng khẳng định, ông Nguyễn Thao không phải là Bí thư huyện bộ Thạch Hà.
“Họ truy phong đâu sau này khi tôi đã nghỉ chủ trì tại huyện Thạch Hà. Vào thời điểm 1997 – 2003 khi tôi làm chủ biên cuốn sách, rõ ràng không có tài liệu nào nói ông Nguyễn Thao là Bí thư huyện bộ Thạch Hà. Tất cả các đảng viên lão thành còn sống mà chúng tôi tiếp cận thời điểm đó cũng khẳng định như thế” – ông Bình xác nhận.
Ông Bình nêu quan điểm, cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc việc truy phong, truy tặng đảng viên lão thành, Huân chương cho ông Nguyễn Thao.
Làm việc với PV Dân trí vào chiều 5/7, Bí thư Đảng ủy xã Phù Việt Nguyễn Văn Hướng cũng thừa nhận còn quá nhiều vấn đề quanh việc truy phong chức vụ Bí thư huyện bộ Thạch Hà cũng như truy tặng Huân chương độc lập hạng Nhì cho ông Nguyễn Thao.
Ông Hướng cũng xác nhận, tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng ủy mở rộng liên quan đến xuất bản cuốn sách có sự tham dự các đảng viên lão thành, chủ trì Đảng ủy Phù Việt các thời kỳ và Bí thư các Chi bộ trực thuộc, có đại diện Ban Tuyên giáo Huyện ủy tham dự ngày 14/10/2016 đã có nhiều ý kiến đưa các danh hiệu "lão thành cách mạng" và "Huân chương Độc lập hạng Nhì" của ông Nguyễn Thao ra khỏi cuốn Lịch sử Đảng bộ xã.
“Cũng vì ý kiến này và một vấn đề liên quan đến một dòng họ Nguyễn trong cuốn sách mà hiện việc xuất bản cuốn sách Lịch sử đảng bộ xã đã phải tạm dừng để chờ văn bản của Ban thường vụ huyện ủy Thạch Hà” – ông Hướng cho biết.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Nhóm PV