Trưng cầu ý dân: Lá phiếu của dân là quyết định cuối cùng

(Dân trí) - “Đưa ra trưng cầu ý dân một vấn đề quan trọng đồng nghĩa với việc các cơ quan nhà nước trao trả lại quyền lực đã được ủy nhiệm cho chủ thể thực sự của quyền lực là nhân dân. Khi đó, quyết định của người dân là quyết định cuối cùng”…

Đây là nguyên tắc được “đặt hàng” cho cơ quan soạn thảo luật Trưng cầu ý dân - Hội Luật gia Việt Nam. Ngày 4/6, Hội tổ chức hội thảo khoa học “Trưng cầu ý dân- những vấn đề lý luận và thực tiễn” - cuộc hội thảo khoa học đầu tiên được tổ chức nhằm triển khai kế hoạch nghiên cứu, xây dựng Luật trưng cầu ý dân mà Hội Luật gia được giao chủ trì biên soạn.

Lá phiếu có quyền tối hậu
 
Các nhà khoa học, chuyên gia luật học hàng đầu tham dự hội thảo khởi thảo luật Trưng cầu ý dân.
Các nhà khoa học, chuyên gia luật học hàng đầu tham dự hội thảo khởi thảo luật Trưng cầu ý dân.

GS.TSKH Đào Trí Úc (ĐH Quốc gia Hà Nội) nêu rõ, trưng cầu ý dân là một chế định xã hội có tính chất như một phương pháp khảo sát xã hội học nhằm thu thập thông tin phản ánh quan điểm, ý chí nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân về những vấn đề có tính cơ bản, phổ biến phức tạp, được xã hội quan tâm, để phân tích, đánh giá và làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, quyết định, chủ trương, biện pháp cụ thể. Tuy nhiên, mức độ thực hiện chế định dân chủ trực tiếp trong việc trưng cầu ý dân cao hơn nhiều.

Đây là hình thức lấy ý kiến đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước hoặc của từng địa phương thông qua hình thức bỏ phiếu trực tiếp. Thông qua hoạt động này, người dân đến tuổi trưởng thành, với tư cách công dân của mình thể hiện chính kiến một cách cụ thể trên những vấn đề cần có quyết định dứt khoát sau khi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã làm hết sức mình nhưng chưa tìm được giải pháp thỏa đáng.

Qua đó, cử tri có quyền và có dịp bày tỏ quan điểm của mình, và có điều kiện, kiểm tra, giám sát trực tiếp việc thực hiện ý kiến trưng cầu, được cung cấp đầy đủ thông tin về các vấn đề và sự kiện có liên quan...

Việc xây dựng luật Trưng cầu ý dân, theo đó, sẽ tạo thêm cơ sở pháp lý để hiện thực hóa chế định dân chủ trực tiếp, là một trong những công cụ mở rộng dân chủ, tạo sự đồng thuận xã hội cần thiết cho quá trình phát triển của đất nước.

Với những e ngại về khả năng không kiểm soát được khi người dân với lá phiếu biểu quyết của mình có quyền tối hậu trong việc quyết định các vấn đề phức tạp hay lo lắng trình độ dân trí chưa đủ để mỗi người dân nắm bắt được thực chất các vấn đề hệ trọng của đất nước để quyết định, ông Úc cho rằng những quan ngại này có cơ sở. Tuy nhiên, hơn tất cả, GS Úc khẳng định, bản thân việc trưng cầu ý dân không chỉ là một cuộc vận động chính trị mà có quy trình chặt chẽ đảm bảo nhà nước và xã hội có khả năng giải quyết, kiểm soát tình hình phức tạp, nếu có.

Bàn đến cách thức và thủ tục tổ chức trưng cầu ý dân như thế nào để bảo đảm được tính chính xác của kết quả bỏ phiếu, phản ánh được đúng đắn ý nguyện của nhân dân, ThS.Đinh Thế Hưng (Viện Nhà nước và Pháp luật - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, một cuộc trưng cầu dân ý sơ sài, thiếu sự chuẩn bị và không chặt chẽ về mặt thủ tục sẽ khiến người dân thờ ơ, bỏ phiếu cho xong việc.

Ngược lại, cuộc trưng cầu dân ý quá rườm rà và phức tạp về thủ tục không những làm giảm đi tính kịp thời của quyết định mà nó còn mất đi ý nghĩa của trưng cầu dân ý, đồng thời là rào cản cho nhân dân thực hiện quyền lực của mình.

Tính tối cao của quyền lực nhân dân

PGS.TS Trương Thị Hồng Hà (Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) đề xuất, Luật Trưng cầu ý dân được xây dựng cần được đảm bảo là cơ sở để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức trưng cầu ý dân theo pháp luật, tránh khuynh hướng hình thức trong việc trưng cầu ý dân. Đồng thời, cũng cần thiết kế cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo trong trưng cầu dân ý, đảm bảo kết quả trưng cầu ý dân mang tính khách quan, công khai và chính xác; ngăn ngừa sự vi phạm pháp luật, thiếu ý thức trách nhiệm trong việc tổ chức trưng cầu ý dân.

ThS.Ngô Trung Thành (Vụ trưởng Vụ pháp luật – Văn phòng Quốc hội) nêu thực tế, Hiến pháp hiện hành đã quy định về trưng cầu ý dân như một quyền cơ bản của công dân nhưng lại trao thẩm quyền quyết định đối với mọi công việc của nhà nước cho các cơ quan như Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ… Hơn nữa, Hiến pháp cũng không quy định rõ hiệu lực pháp lý của kết quả trưng cầu ý dân nên quy định mãi vẫn “treo” đó.

Ông Thành đặt vấn đề, luật Trưng cầu ý dân cần thiết kế trao quyền quyết định việc này cho Quốc hội. Như vậy, Quốc hội có toàn quyền quyết định đưa bất kỳ vấn đề nào đó ra trưng cầu ý dân mà không có giới hạn nào. Mặc dù các công việc đã được giao cho các cơ quan nhà nước nhưng Quốc hội khi thấy một vấn đề quan trọng phải đưa ra trưng cầu ý dân thì việc này đồng nghĩa với việc các cơ quan nhà nước trao trả lại quyền lực đã được ủy nhiệm cho chủ thể thực sự của quyền lực là nhân dân. Khi đó, quyết định của người dân là quyết định cuối cùng. Kết quả trưng cầu ý dân phản ánh tính tối cao quyền lực của nhân dân nên kết quả trưng cầu ý dân không cần phải phê chuẩn mà có giá trị thi hành.

GS.TSKH Đào Trí Úc nêu kinh nghiệm ở các nước, việc trưng cầu ý dân có nhiều mức độ: trưng cầu có tính chất quyết định, trưng cầu có tính tham khảo, sáng kiến của nhân dân về việc giải quyết một vấn đề nào đó; khiếu nại về vụ, việc cụ thể... Trong số các hình thức đó của cơ chế dân chủ trực tiếp thì trưng cầu ý dân có tính quyết định là hình thức dân chủ trực tiếp cao nhất, bởi vì nó bảo đảm tính hiệu lực tức thời của kết quả biểu quyết.

Ông Úc đề nghị chọn trưng cầu ý dân có tính quyết định là đối tượng điều chỉnh của luật Trưng cầu ý dân với quy định “kết quả trưng cầu ý dân có hiệu lực kể từ ngày công bố, không cần sự phê chuẩn của bất cứ cơ quan nhà nước nào”.

Đại biểu cũng nhấn mạnh tính bắt buộc thi hành của kết quả trưng cầu ý dân. Cụ thể, kết quả biểu quyết trưng cầu ý dân có hiệu lực thi hành và phải được cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân tôn trọng; mọi người và đơn vị hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”.

Chủ tịch Hội Luật gia Phạm Quốc Anh cho biết, Hội đã được UB Thường vụ “đặt hàng” soạn thảo dự luật này sớm nhất có thể, để sẵn sàng trình Quốc hội xem xét, thông qua trong 2 kỳ họp năm sau (2014) dù luật này không có trong chương trình chính thức của kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh khóa này.

P.Thảo