1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đồng Tháp:

Trung bình 9 ngày có một trẻ tử vong do đuối nước (!)

(Dân trí) - Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, tính từ đầu năm đến nay (20/6) toàn tỉnh đã xảy ra 18 vụ trẻ em chết ngạt do nước, tính trung bình cứ 9 ngày là tỉnh có 1 trẻ tử vong do đuối nước.

Tăng cường công tác phổ cập bơi

Qua hàng loạt vụ tai nạn đuối nước thời gian gần đây cho thấy trẻ bị đuối nước đa phần là còn rất nhỏ, cha mẹ bận đi làm ăn, giao các em ở nhà cho ông bà hoặc anh, chị của các em trông giữ. Điều đáng lo là ông bà thì lúc quên lúc nhớ, chị em các em dù gì cũng còn ở lứa tuổi trẻ em nên khó tránh khỏi việc lơ là trông coi em.

Trao đổi với báo chí trong buổi họp báo ngày 18/6, ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp cho biết: Để phòng, chống, tai nạn đuối nước ở trẻ em, từ năm 2011, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, đồng thời thực hiện đề án phổ cập bơi cho trẻ em từ 5 tuổi đến 15 tuổi.


Trung bình 9 ngày có một trẻ tử vong do đuối nước (!)
Mỗi năm Sở VH -TT và DL tỉnh Đồng Tháp mở trên 1.000 lớp dạy bơi và phổ cập gần 20.000 trẻ em chưa biết bơi trong độ tuổi từ 7 -15

Và cũng bắt đầu năm 2011, mỗi năm Sở VH- TT và DL mở trên 1.000 lớp phổ cập bơi cho gần 20.000 trẻ. Cụ thể trong dịp hè này, các địa phương trong tỉnh sẽ tổ chức mở 1.109 lớp phổ cập bơi cho gần 20.000 trẻ. Tuy nhiên, toàn tỉnh hiện nay còn trên 200.000 trẻ trong độ tuổi phổ cập bơi, do vậy thời gian tới ngoài việc tích cực mở thêm lớp phổ cập bơi thì rất mong các cơ quan báo chí tiếp tục tuyên truyền cho phụ huynh, người thân các em nhỏ một mặt chủ động dạy bơi cho các cháu, mặt khác luôn quan tâm để ý đến các cháu, nhất là khi mùa lũ đang về”.

Ngoài mở lớp phổ cập bơi cho trẻ, các ban, ngành, đoàn thể các địa phương cũng tích cực phối hợp, lồng ghép tuyên truyền tại các cuộc họp tổ, nhóm; tuyên truyền trên loa, đài..., hướng dẫn các bậc phụ huynh, những người trực tiếp chăm sóc, quản lý trẻ và bản thân trẻ về mục đích, ý nghĩa của việc học bơi; nguyên nhân, hậu quả của đuối nước; những kiến thức cơ bản về phòng, chống tai nạn đuối nước trong gia đình và xã hội như: theo dõi sát khi chúng tắm hoặc chơi ở chỗ có nước; không được để trẻ đi tắm, bơi lội ở ao hồ một mình mà không có người lớn biết bơi đi kèm; kỹ năng cơ bản sơ cấp cứu cho người bị đuối nước;... Đặc biệt, các địa phương cần có những điểm vui chơi giải trí cho trẻ; Nhà văn hóa mở các lớp như: hội họa, nhạc, võ thuật… để thu hút các cháu đến tham gia cũng là những cách góp phần giảm thiểu tình trạng trẻ em đuối nước khi mùa hè về.

Nhằm góp phần giảm các trường hợp đuối nước ở trẻ em thông qua việc đào tạo kỹ năng bơi cứu sinh dựa vào cộng đồng, vừa qua Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp phối hợp Trường Đại học Y tế cộng đồng và Trường Đại học Johns Hopkins (Mỹ) tổ chức lễ khởi động chương trình dạy bơi sống sót thuộc Dự án can thiệp phòng, chống đuối nước trẻ em tại Đồng Tháp năm 2014 - 2015.

Gia đình mới là “chiếc phao” bảo vệ trẻ tốt nhất

3 trẻ đuối nước thương tâm cùng lúc tại khóm Mỹ Phước, phường 3, TP.Cao Lãnh vừa qua khiến ai trong chúng ta cũng chạnh lòng. Càng ray rứt hơn khi liên tiếp những vụ trẻ đuối nước xảy ra gần đây không phải vào thời điểm mùa nước nổi.

Trong 3 trẻ bị đuối nước vào ngày 11/6/2015 tại khóm Mỹ Phước có 1 trẻ vừa hoàn thành chương trình lớp 1 và 2 trẻ chỉ mới 4 tuổi. Cách đây 3 năm cũng vào tháng 6, tại xã Tân Khánh Đông, thị xã Sa Đéc (nay là TP.Sa Đéc) xảy ra vụ đuối nước đau lòng khiến 3 trẻ thiệt mạng cùng lúc, trẻ lớn nhất cũng chỉ 8 tuổi.

Trung bình 9 ngày có một trẻ tử vong do đuối nước (!)
Song song với các công tác dạy bơi, tuyên truyền... thì việc kiểm tra các bến đò, trang bị áo phao đầy đủ như thế này là việc các ngành chức năng cần thực hiện

Trao đổi với PV Dân trí ông Lê Hữu Dụng – Trưởng Phòng bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc Sở LĐ –TB và XH tỉnh Đồng Tháp cho biết:  Với đặc điểm nhiều sông, rạch, một số địa phương còn ngập sâu trong nước mùa lũ, hàng năm, tỷ lệ trẻ đuối nước ở Đồng Tháp còn ở mức cao. Do vậy, từ nhiều năm qua, Đảng ủy, Ủy ban đã chỉ đạo và các ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt nhưng vấn nạn này vẫn còn diễn ra. Để công tác phòng chống đuối nước cho trẻ đạt hiệu quả cao, một mặt tăng cường công tác phổ cập bơi cho trẻ thì công tác tuyên truyền đến người dân là hết sức quan trọng. Do vậy, năm nay chúng tôi cho lực lượng đến tận nhà những hộ dân có em nhỏ tuyên truyền, phát tờ rơi, đồng thời thực hiện một CD tuyên truyền về phòng chống đuối nước gửi cho UBND xã phát cho người dân nghe… Nhưng để giảm thiểu tối đa số vụ trẻ em đuối nước rất mong các bậc phụ huynh và người thân cần nêu cao trách nhiệm, quản lý trẻ để tránh những tai nạn đau lòng xảy ra”.

Theo Sở Lao Động, Thương binh và Xã hội, năm 2014 toàn tỉnh có 56 trẻ chết do đuối nước, tăng 10 trẻ so với cùng kỳ năm 2013. Riêng 6 tháng đầu năm 2015 đã có 18 trường hợp trẻ đuối nước. Nguyên nhân trẻ chết do đuối nước là không biết bơi, chưa được trang bị kiến thức an toàn trên mặt nước; cha mẹ chưa thật sự quan tâm đến việc trông coi và cho trẻ học bơi.

Kỳ nghỉ hè chỉ mới bắt đầu được vài ngày và khoảng 1 tháng nữa là nước lũ về. Hiểm nguy đuối nước tiếp tục là mối đe dọa đối với trẻ. Hơn lúc nào hết, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, trường học, đoàn thanh niên, ban nhân dân ấp cần nâng cao vai trò quản lý trẻ thông qua việc tạo nhiều sân chơi an toàn cho trẻ, thường xuyên tuyên truyền phổ biến kiến thức phòng tránh đuối nước cho trẻ sao cho đến được đúng đối tượng. Điều quan trọng nữa là người thân cần theo sát các em để các em luôn được an toàn trước nguy cơ đuối nước, chính gia đình, người thân mới là “chiếc phao” bảo vệ tốt nhất cho vấn nạn trẻ em chết đuối. 

Nguyễn Hành – H.N