1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thừa Thiên Huế:

Trớ trêu con kênh 12 tỷ đồng "vô tích sự"

(Dân trí) - Công trình kênh Chính Tây thuộc dự án nông nghiệp trọng điểm Hồ chứa nước Thủy Yên – Thủy Cam ở xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế sau khi làm xong đã không hoạt động được gây bức xúc cho bà con nông dân tại địa phương.

Công trình kênh Chính Tây do Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần 1-5 tại TP Huế nhận nhiệm vụ thi công với tổng vốn đầu tư 11,9 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, kênh này đã không phát huy được hiệu quả tưới tiêu vào mùa hạn và thoát nước vào mùa mưa.

Cụ thể đoạn cuối của kênh này dẫn nước về 2 thôn Nam Phước và An Bàng thuộc xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc - vào mùa nắng do kênh thiết kế không hiểu sao bị âm so với mặt ruộng nên không dẫn được nước tưới cho lúa. Ngược lại, dù chưa tới mùa mưa năm 2018 nhưng theo PV ghi nhận thì phần lớn đoạn kênh này đã nằm chìm nghỉm dưới nước.

 

Trớ trêu con kênh 12 tỷ đồng vô tích sự - Ảnh 1.

Con kênh chìm trong nước dù chưa đến mùa mưa tại Huế

 

Ông Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng thôn Nam Phước dẫn chúng tôi đi thực tế tại hiện trường con kênh “vô dụng”. Ông chỉ vào đoạn cuối cùng của kênh bị chìm trong cỏ dại và nước nói, “Các chú thấy đó, tiền của nhà nước mà làm ăn như thế này. Mùa hè thì nước không vào ruộng được. Đầu mùa mưa thì nước đã tràn bờ kênh. Riêng điểm cuối kênh đã tắc nghẽn do bị đất vùi lấp vì làm quá thấp”.

Video:

Kênh dẫn nước hơn chục tỷ bị "tê liệt"

 

Gần đó trên khu ruộng lúa héo hắt, ông Nguyễn Quang Tuấn (trú thôn Nam Phước) đang dẫn bầy trâu đi ăn cỏ ngao ngán cho biết, đoạn kênh này làm cho có chứ không có công dụng hiệu quả gì. Khoảng 300 mét cuối kênh đã nằm âm 30-70 cm so với ruộng nên không thể tưới tiêu do quá thấp.

Trao đổi với PV, ông Đỗ Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Quản lý và Khai thác Công trình Thủy lợi Thừa Thiên Huế cho hay, con kênh này hiện chưa được Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh bàn giao hoàn toàn cho công ty. Trong mùa mưa bão năm ngoái kênh bị lấp hết, công ty ông phải bỏ tiền ra nạo vét nhưng đến vụ hè thu năm nay kênh lại bị cát lấp lại.

“Chúng tôi thu từ nguồn thủy lợi phí do nhà nước hỗ trợ khoảng 100 triệu/năm chỉ đủ trả lương cho 2 công nhân. Công ty phải bỏ tiền ra 20 triệu nạo vét nhưng không có hiệu quả. Hy vọng Sở Nông nghiệp sẽ có giải pháp cho chuyện này” – ông Đính trao đổi.

Để có thêm thông tin, PV đã nhiều lần gọi vào số điện thoại của ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế trong tuần này nhưng không liên lạc được. Ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết sẽ chú ý tới sự việc và nhắc nhở Sở gặp báo chí.

Những hình ảnh về con kênh "vô dụng" do PV ghi nhận:

Trớ trêu con kênh 12 tỷ đồng vô tích sự - Ảnh 3.

Thiết kế con kênh bị thấp hơn các mẫu ruộng xung quanh

Trớ trêu con kênh 12 tỷ đồng vô tích sự - Ảnh 4.

PV mò mẫm từng bước đi trên con kênh chìm trong biển nước giữa mùa thu

Trớ trêu con kênh 12 tỷ đồng vô tích sự - Ảnh 5.

Nhiều đoạn nước tràn qua phủ con kênh

Trớ trêu con kênh 12 tỷ đồng vô tích sự - Ảnh 6.

Thiết kế kênh bị âm hơn so với mặt ruộng - theo nông dân thôn Nam Phước, xã Lộc Thủy phản ánh

Trớ trêu con kênh 12 tỷ đồng vô tích sự - Ảnh 7.

Không ai nghĩ dưới dòng nước này có 1 con kênh dẫn nước tưới tiêu

Trớ trêu con kênh 12 tỷ đồng vô tích sự - Ảnh 8.

Nông dân Nguyễn Quang Tuấn ngao ngán trước kênh nước "vô tích sự"

Trớ trêu con kênh 12 tỷ đồng vô tích sự - Ảnh 9.

Đoạn cuối cùng của con kênh

Trớ trêu con kênh 12 tỷ đồng vô tích sự - Ảnh 10.

Đã bị cỏ dại "xóa sổ" không còn dấu vết

 

Đại Dương