Trình Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Phạm Phú Quốc

Phương Thảo

(Dân trí) - Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, UB Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét và trình Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc chứ không tiến hành quy trình miễn nhiệm thông thường.

Trình Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Phạm Phú Quốc - 1
Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc thuộc đoàn đại biểu TPHCM, trúng cử đại biểu Quốc hội khóa VIII tháng 5/2016.

Trao đổi bên lề hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách chiều 4/9, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, chương trình phiên họp 48, dự kiến bắt đầu từ chiều 10/9/2020, UB Thường vụ Quốc hội hiện chưa có nội dung xem xét vấn đề của đại biểu Phạm Phú Quốc (đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM) vì chưa nhận được báo cáo của các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, theo ông Phúc, vi phạm của ông Quốc, như đã xác định, sẽ bị Quốc hội bãi nhiệm chứ không phải do UB Thường vụ Quốc hội miễn nhiệm như nhiều trường hợp đã thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV này.

“Ông Quốc biết đại biểu Quốc hội không được có quốc tịch nước khác mà vẫn vi phạm, vi phạm rồi không báo cáo, như thế là không trung thực” - ông Phúc nói.

Cụ thể hơn, Tổng thư ký Quốc hội giải thích, Hiến pháp quy định đại biểu Quốc hội là công dân Việt Nam, mà theo Luật Quốc tịch Việt Nam thì công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

Tại cuộc họp báo tổ chức ít ngày trước, Chánh văn phòng UBND TPHCM, người phát ngôn của chính quyền thành phố Hà Phước Thắng cho biết, năm 2018 ông Phạm Phú Quốc có quốc tịch thứ 2 mà không khai báo là không gương mẫu, trung thực.

Ngày 25/8/2020, ông Quốc có đơn xin thôi việc (Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận - doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) và thôi đại biểu Quốc hội.

Ngày hôm qua 4/9, Hội đồng thành viên Công ty Tân Thuận IPC đã thống nhất cho ông Phạm Phú Quốc thôi việc và báo cáo thường trực Thành ủy, UBND TPHCM.

Trước đó, ngày 27/8, ông Quốc cũng đã có đơn giải trình gửi tới cơ quan chức năng. Trong đơn, ông Quốc vẫn khẳng định ông có quốc tịch đảo Síp do gia đình bảo lãnh, không phải “mua” theo diện đầu tư 2,5 triệu USD vào bất động sản, dự án phát triển hạ tầng tại quốc đảo này như thông tin công bố của Hãng tin Al Jazeera (hãng tin nhà nước của Qatar).

Việc đại biểu có quốc tịch thứ 2 ngoài quốc tịch Việt Nam, theo Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc UB Thường vụ Quốc hội Trần Văn Tuý, vi phạm ở chỗ không báo cáo với tổ chức.

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV đến nay, đã có một số vị đại biểu có vi phạm, bị kỷ luật về Đảng, nhưng sau đó có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khoẻ thì được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội (quy định tại điều 38 Luật Tổ chức Quốc hội).

Điều 40 của Luật này quy định: Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm.

Hiện tại, quy trình để cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội chưa được ban hành.

Vì vậy ông Quốc sẽ bị Quốc hội bãi nhiệm. Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Phạm Phú Quốc thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.