1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển vọng "lột xác" hạ tầng vùng núi nhìn từ cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ

Ngọc Tân

(Dân trí) - Nhìn toàn cảnh bức tranh hạ tầng giao vùng núi phía Bắc, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ là nét vẽ khiêm tốn nhưng báo hiệu sự cất cánh về kinh tế - xã hội của cả vùng.

Ngày 24/12, dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đấu nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai chính thức khánh thành sau gần 3 năm thi công. 

Ngay khi tuyến đường này sắp hoàn thành, UBND tỉnh Tuyên Quang đã bắt tay vào việc khởi công dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang với tổng mức đầu tư 6.800 tỷ đồng.

Vùng núi phía Bắc còn nhiều tỉnh nghèo, nhưng nỗ lực xây dựng hạ tầng để cải thiện môi trường đầu tư của Tuyên Quang là câu chuyện cảm hứng cho loạt địa phương dọc cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Mừng cho Tuyên Quang 

Nhiều năm qua, ngoài ấn tượng là "Quê hương cách mạng, Thủ đô kháng chiến", Tuyên Quang chưa bao giờ được coi như một tỉnh mạnh về phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Địa phương không có sân bay, đường cao tốc hay đường sắt.

Trong buổi làm việc với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn đã thừa nhận 2 điểm nghẽn lớn nhất trong việc thu hút đầu tư của tỉnh là vấn đề cơ sở hạ tầng và môi trường đầu tư.

Triển vọng lột xác hạ tầng vùng núi nhìn từ cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ - 1

Công nhân hoàn thiện cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ (Ảnh: Ngọc Tân).

Theo thống kê, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của Tuyên Quang chỉ đạt 62,86 điểm, xếp thứ 52/63 tỉnh thành; giảm 23 bậc so với năm 2021 và nằm trong số các tỉnh có điểm số thấp của cả nước.

Tìm cách cải thiện cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế là nhiệm vụ hàng đầu của lãnh đạo tỉnh. Một trong những dẫn chứng là việc địa phương xin bổ sung quy hoạch sân bay Na Hang vào quy hoạch tổng thể sân bay toàn quốc.

Giấc mơ sân bay có phần xa vời, nhưng giấc mơ đường cao tốc thì trong tầm tay. Hai năm qua, tỉnh đã quyết tâm đưa cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ về đích và chuẩn bị mọi mặt để khởi công cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang.

Việc giao Ban quản lý dự án công trình giao thông của Tuyên Quang làm chủ đầu tư cũng cho thấy niềm tin của Chính phủ gửi gắm vào năng lực quản lý dự án của cấp tỉnh.

Triển vọng lột xác hạ tầng vùng núi nhìn từ cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ - 2

Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ được kỳ vọng giúp địa phương vùng núi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế (Ảnh: Ngọc Tân).

Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, dù bị phàn nàn vì gắn biển tốc độ 80km/h, không có làn dừng khẩn cấp, nhưng nó vẫn là sự nâng cấp đáng kể cho hạ tầng giao thông của Tuyên Quang, vốn trước đó chưa từng có đường cao tốc.

Sau khi đi vào vận hành, cao tốc sẽ giảm tải cho tuyến quốc lộ 2 vốn đã xuống cấp, thường xuyên ùn tắc và ngập úng khi mưa lớn.

Theo quy hoạch đường bộ toàn quốc, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ còn là đoạn khởi đầu của đường Hồ Chí Minh (cao tốc Bắc - Nam phía Tây) dài 1.205km, điểm cuối tại Rạch Giá, Kiên Giang.

"Khởi đầu quá trình đẻ nhánh"

Năm 2014, Chính phủ đưa vào khai thác tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 265km. Thời điểm đó, nó là dự án cao tốc dài nhất Việt Nam, kết nối từ thủ đô Hà Nội đến cửa khẩu Kim Thành.

Về mặt quy hoạch, tuyến đường không chỉ là hành lang kinh tế xuyên quốc gia từ Côn Minh đến Hải Phòng. Cao tốc này còn phải "đẻ nhánh", trở thành trục giao thông kết nối vùng Tây Bắc.

Triển vọng lột xác hạ tầng vùng núi nhìn từ cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ - 3

Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ là mảnh ghép đầu tiên của mạng lưới cao tốc vùng Tây Bắc đấu nối vào tuyến Nội Bài - Lào Cai (Đồ họa: Ngọc Tân).

Quy hoạch đường bộ toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã vạch ra một loạt tuyến đường sẽ phát triển từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai, kết nối đến Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu và Điện Biên.

Giai đoạn 2021-2022, các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang đồng loạt đề xuất xây dựng, mở rộng các tuyến cao tốc chạy qua địa bàn. Từ đó, loạt dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, Tuyên Quang - Hà Giang, đường nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai... đã được khởi công.

Sau khi mạng lưới cao tốc vùng Tây Bắc hình thành, từ Hà Nội đi Hà Giang có thể lựa chọn 2 đường. Tuyến đường thứ nhất là đi thẳng cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đến nút giao IC9 rồi rẽ phải sang cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ - Bắc Quang. Tuyến đường thứ 2 là đi đến nút giao IC14 (Mậu A) rồi rẽ phải đi Bắc Quang.

Với tuyến cao tốc từ Mậu A đi Bắc Quang, Bộ GTVT cũng đã đề xuất đầu tư quy mô 4 làn xe với tổng vốn 8.700 tỷ đồng.

Trước viễn cảnh hàng loạt dự án cao tốc sẽ đấu nối vào cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sẽ phải chuẩn bị cho kịch bản "quá tải" tuyến đường này.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Thế Cường, Phó Tổng giám đốc VEC, cho biết đơn vị đã có lộ trình mở rộng cao tốc đoạn Yên Bái - Lào Cai lên 4 làn xe và Nội Bài - Yên Bái lên 6 làn xe. 

Theo tính toán của VEC, với quy mô mở rộng như trên, tuyến cao tốc có thể khai thác đến giai đoạn 2035-2040 mới mãn tải.

Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ dài 40,2km (11,63km đi qua Tuyên Quang và 28,57km đi qua Phú Thọ). Điểm đầu của dự án tại TP Tuyên Quang và điểm cuối kết nối với nút giao IC9 của cao tốc Nội Bài - Lào Cai (thuộc tỉnh Phú Thọ).

Dự án được thiết kế 4 làn xe, tốc độ 80km/h. Tổng mức đầu tư 3.753 tỷ đồng. Công trình khởi công năm 2021, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Tuyên Quang làm chủ đầu tư.