1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch như thế nào?

Thế Kha

(Dân trí) - Nghiên cứu giải pháp tổng thể kết nối, chia sẻ dữ liệu số giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với các Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp mới đây đã có có quyết định về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 87/2020 quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến.

Theo đó, Bộ Tư pháp sẽ xây dựng thông tư hướng dẫn thi hành một số quy định, trong đó bao gồm việc xây dựng phương án triển khai dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch theo mức độ 3, 4 phù hợp với quy định tại Điều 12 của Nghị định số 87/2020.

Triển khai xây dựng, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử gồm: Đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng; nghiên cứu giải pháp tổng thể kết nối, chia sẻ dữ liệu số giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với các Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương; xây dựng quy chế khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu này.

Triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch như thế nào? - 1

Ảnh tư liệu.

Đồng thời theo dõi, đôn đốc, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện việc số hóa dữ liệu hộ tịch lịch sử từ sổ giấy; chuyển đổi và chuẩn hóa dữ liệu từ các phần mềm đăng ký hộ tịch điện tử của địa phương đã triển khai trước khi sử dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc...

Kế hoạch cũng nêu rõ trách nhiệm thực hiện của các đơn vị thuộc Bộ và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc ban hành, bố trí nguồn lực triển khai thực hiện kế hoạch số hóa, chuyển đổi, chuẩn hóa dữ liệu hộ tịch của địa phương, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc theo đúng thời hạn.

Nghị định số 87 quy định, thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử bao gồm các thông tin hộ tịch của cá nhân được xác lập khi đăng ký khai sinh: Họ tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi sinh; dân tộc, quốc tịch, quê quán, số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, dân tộc, quốc tịch, quê quán, nơi cư trú, số định danh cá nhân, giấy tờ tùy thân của cha, mẹ của người được đăng ký khai sinh; họ tên, số định danh cá nhân, giấy tờ tùy thân của người đi đăng ký khai sinh, mối quan hệ với người được khai sinh; số đăng ký, quyển số, ngày, tháng, năm đăng ký, tên cơ quan đăng ký khai sinh; họ tên, chức vụ của người ký Giấy khai sinh;

Các thông tin hộ tịch của cá nhân là công dân Việt Nam được xác lập khi ghi vào Sổ hộ tịch việc khai sinh đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài (sau đây gọi là ghi chú khai sinh); các thông tin hộ tịch khác của cá nhân được đăng ký theo quy định pháp luật tiếp tục được cập nhật vào thông tin hộ tịch…

Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện từ được xây dựng, quản lý tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương; được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác và duy trì hoạt động liên tục, ổn định, thông suốt.

Việc xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; đăng ký hộ tịch trực tuyến phải tuân thủ Luật Hộ tịch, các văn bản quy định chi tiết thi hành; các quy định pháp luật về kiến trúc Chính phủ điện từ Việt Nam; quy định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; các quy định về bảo đảm bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và các quy định pháp luật khác có liên quan.