1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Số hóa dữ liệu hộ tịch cá nhân TPHCM: "Toi" 250 tỷ sau 5 năm nếu không đồng bộ!

(Dân trí) - Nói về việc xây dựng kho dữ liệu dùng chung tại TPHCM, chuyên gia của Ngân hàng thế giới cho rằng: “Cái khó không phải là vấn đề kỹ thuật mà là dữ liệu có được chia sẻ trong tương lai hay không và sự tham gia của các cơ quan sở hữu, quản lý dữ liệu”.

Ngày 24/10, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức hội nghị góp ý dự thảo quy chế tích hợp, quản lý, vận hành khai thác kho dữ liệu dùng chung, nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Xây dựng kho dữ liệu dùng chung là ưu tiên hàng đầu của đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2025”.

Số hóa dữ liệu hộ tịch cá nhân TPHCM: Toi 250 tỷ sau 5 năm nếu không đồng bộ! - 1

Trong thời gian tới, TPHCM sẽ ưu tiên công bố các thông tin dữ liệu liên quan đến giao thông, tài nguyên, môi trường, xây dựng, quy hoạch – kiến trúc (ảnh: Phạm Nguyễn)

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, nhấn mạnh: “Kho dữ liệu dùng chung chính là công việc của tất cả sở - ngành, quận – huyện, là quyền lợi và nghĩa vụ của chúng ta chứ không riêng gì Sở TT&TT. Sau khi thành phố ban hành quy định về kho dữ liệu dùng chung thì các đơn vị sẽ bắt đầu tiếp cận được một số dữ liệu mà thành phố đã thu thập được”.

Bà Trinh cũng lưu ý, kho dữ liệu dùng chung không thay thế dữ liệu chuyên ngành, nghĩa là các sở - ngành, quận – huyện phải xây dựng dữ liệu của mình để phục vụ công việc của đơn vị. Từ đó, nguồn dữ liệu sẽ tích hợp và chia sẻ.

“Các dữ liệu được tạo lập là tài sản của thành phố và thành phố quyết định chia sẻ dùng chung. Trong này có ràng buộc trách nhiệm của người cung cấp và trách nhiệm của người sử dụng”, bà Trinh dẫn lại thông điệp của lãnh đạo thành phố.

Ông Nguyễn Tuấn Hoa, chuyên gia công nghệ thông tin, cho biết, khi có cơ sở dữ liệu dùng chung, đơn vị nào cần dữ liệu của người dân thì mỗi người chỉ cần đưa mã số, hệ thống tự động cung cấp dữ liệu mà không cần tốn thời gian hỏi lại.

“Nhờ sử dụng chung gốc dữ liệu nên công việc được dễ dàng và thuận tiện. Đó là nền tảng thống nhất trong dịch vụ công, dù người dân thực hiện thủ tục ở sở, ngành hay quận, huyện khác nhau. Công nghệ đã có sẵn, vấn đề còn lại là mọi người cùng chung tay góp sức”, ông Hoa nói.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia của Ngân hàng thế giới (WB) cho biết: “Cái khó không phải là vấn đề kỹ thuật mà là dữ liệu có được chia sẻ trong tương lai hay không và sự tham gia của các cơ quan sở hữu, quản lý dữ liệu. Ví dụ như cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp là Sở Kế hoạch – Đầu tư, dữ liệu về hộ tịch là Sở Tư pháp…”.

Để triển khai vận hành kho dữ liệu dùng chung, bà Hương cho rằng việc thay đổi nhận thức, khuyến khích người sở hữu dữ liệu chia sẻ vào kho dữ liệu để dùng chung là rất quan trọng. 

“Cần có cơ chế giám sát dữ liệu được chia sẻ như thế nào? Sử dụng ra sao? Những ai sử dụng? Những ai yêu cầu? Thành phố cũng cần có cơ chế, cơ quan giám sát việc này”, bà Hương nói.

Đại diện của WB cho rằng vận hành kho dữ liệu dùng chung trước hết là giúp cán bộ, công chức thuận lợi trong công việc sau đó tiến tới cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp. Chẳng hạn như khi cần dữ liệu báo cáo không cần vào cơ quan này, cơ quan kia lấy số liệu, kiểm chứng… 

Ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu, bà Võ Thị Trung Trinh khẳng định sử dụng kho dữ liệu dùng chung vẫn đảm bảo tính riêng tư và hành lang pháp lý.

Theo bà Trinh, người dân có thể dùng kho dữ liệu dùng chung để phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc có thể khai thác dữ liệu để phục vụ các ý tưởng kinh doanh. Ngoài ra, trên nền tảng dữ liệu dùng chung có thể xây dựng các phần mềm ứng dụng hỗ trợ người dân trong lĩnh vực y tế, giáo dục… Trong thời gian tới, thành phố sẽ ưu tiên công bố các thông tin dữ liệu liên quan đến giao thông, tài nguyên – môi trường, xây dựng, quy hoạch – kiến trúc.

“TPHCM nghiên cứu thực tế cách làm kho dữ liệu dùng chung của các nước rất nhiều. Thành phố có một số bước đi sớm nhưng có định hướng và phối hợp với cơ quan Trung ương để đảm bảo dữ liệu thành phố phù hợp với chuẩn chung của kho dữ liệu quốc gia và đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố”, bà Trinh nói.

Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết, thành phố luôn tìm phương án để kết nối và chia sẻ dữ liệu với Trung ương. Theo đó, dữ liệu nào thành phố làm trước thì phải đạt chuẩn để sau này tích hợp, chia sẻ.

“Như tổng kinh phí để số hóa dữ liệu liên quan đến hộ tịch tại thành phố khoảng 250 tỷ đồng, nếu không làm đồng bộ dữ liệu với Bộ Tư pháp thì sau 5 năm không còn giá trị sử dụng”, bà Trinh dẫn chứng. 

Theo bà, đây là kho dữ liệu hết sức quan trọng. Thành phố đã làm việc với Cục Công nghệ thông tin của Bộ Tư pháp và đạt được thỏa thuận về kết nối và chia sẻ dữ liệu. 

“Nếu làm được khâu số hóa dữ liệu hộ tịch lần này thì sẽ kết nối đồng bộ với nguồn cơ sở dữ liệu của Bộ Tư pháp. Khi cập nhật dữ liệu hộ tịch về Bộ Tư pháp xong sẽ cập nhật vào kho dữ liệu dùng chung của thành phố. Thành phố quyết tâm đến tháng 6/2020 sẽ vận hành kho dữ liệu hộ tịch”, bà Trinh thông tin.

Quốc Anh