1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tuyên Quang gặp khó khi đăng ký hộ tịch cho người dân tộc Thủy, Sán Chí

(Dân trí) - UBND tỉnh Tuyên Quang phản ánh tới Bộ Tư pháp việc đăng ký hộ tịch cho một số người dân tộc Thủy, Sán Chí không thực hiện được do các dân tộc này không có trong Danh mục các dân tộc Việt Nam (?!).

UBND tỉnh Tuyên Quang mới đây đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp phản ánh việc đăng ký hộ tịch cho một số người dân tộc Thủy, Sán Chí không thực hiện được do các dân tộc này không có trong Danh mục các dân tộc Việt Nam ban hành theo Quyết định số 121-TCTK/PPCĐ ngày 2/3/1979.

Hơn nữa, trình độ và hạ tầng công nghệ thông tin (Internet) của một số xã vùng sâu, vùng xa có trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nên ảnh hưởng đến không nhỏ đến việc triển khai thực hiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch.

Về việc đăng ký khai sinh cho một số người dân tộc Thủy, Sán Chí trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Bộ Tư pháp cho biết đã có Công văn số 2014/BTP-HTQTCT gửi Ủy ban Dân tộc để trao đổi về cách ghi thành phần dân tộc trong giấy tờ hộ tịch. Sau khi Ủy ban dân tộc có công văn trả lời, Bộ Tư pháp sẽ có hướng dẫn về vấn đề này.

Tuyên Quang gặp khó khi đăng ký hộ tịch cho người dân tộc Thủy, Sán Chí - 1

Nhà ở của người dân tộc Sán Chí (Ảnh: VOV).

Ngoài ra, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 69 Luật hộ tịch thì UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm quyết định bố trí công chức làm công tác hộ tịch ở cấp huyện, cấp xã; bảo đảm cơ sở vật chất để phục vụ hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch.

Theo Bộ Tư pháp, một trong những nội dung của Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024 (ban hành kèm theo Quyết định số 101/QĐ-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ) là cải thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật và hiện đại hóa phương thức đăng ký và thống kê hộ tịch.

Do đó, UBND các cấp có trách nhiệm trang bị cơ sở vật chất (máy tính, mạng internet, máy in) phục vụ riêng cho công tác đăng ký hộ tịch; bố trí đủ số lượng, có kế hoạch tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch tại cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch các cấp, đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của Luật hộ tịch.

Công chức tư pháp cấp xã không có thẩm quyền ký giấy tờ hộ tịch

UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu về chức danh công chức Tư pháp cấp xã có thẩm quyền ký các văn bản trong lĩnh vực hộ tịch để triển khai trên địa bàn cả nước.

Trả lời việc này, Bộ Tư pháp dẫn quy định tại Điều 71 Luật hộ tịch: UBND cấp xã có nhiệm vụ thực hiện đăng ký hộ tịch theo quy định; Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm về công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và những vi phạm trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch do buông lỏng quản lý. Công chức tư pháp - hộ tịch giúp UBND cấp xã thực hiện việc đăng ký hộ tịch theo quy định.

“Như vậy, công chức tư pháp - hộ tịch chỉ tham mưu Chủ tịch UBND cấp xã giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch, mà không có thẩm quyền quyết định việc đăng ký hộ tịch nên không có thẩm quyền ký giấy tờ hộ tịch”- Bộ Tư pháp giải đáp.

Thế Kha