1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Trẻ khai sinh đồng thời được cấp thẻ căn cước công dân?

(Dân trí) - Điểm thay đổi của dự thảo luật Căn cước công dân vừa trình Quốc hội là thời điểm cấp thẻ căn cước. Thay vì cấp thẻ khi công dân đủ 14 tuổi như khi làm chứng minh thư, thẻ căn cước dự kiến được cấp ngay từ khi làm thủ tục khai sinh.

Liên hoàn 3 dự án luật về công dân, việc quản lý dân cư được Chính phủ đồng thời trình Quốc hội xem xét trong phiên họp chiều 4/6 là Luật căn cước công dân, Luật hộ tịch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam.

Cấp thẻ căn cước, bỏ hộ khẩu

Thừa ủy quyền Thủ tướng trình bày tờ trình luật Căn cước công dân, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang thừa nhận, sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước thời gian qua đặt ra các yêu cầu mới về công tác quản lý dân cư, đảm bảo cho người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ cơ bản về căn cước của mình.

Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang tại hành lang Quốc hội (ảnh: Việt Hưng).
Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang tại hành lang Quốc hội (ảnh: Việt Hưng).

Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 đã quy định quyền tự do đi lại, giao dịch, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình là quyền con người, quyền công dân được Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm. Căn cước công dân liên quan trực tiếp đến những quyền này.

Chính phủ đề xuất làm thẻ Căn cước công dân với tư cách là giấy tờ tùy thân có giá trị chứng nhận căn cước của công dân Việt Nam, thay thế chứng minh thư nhân dân hiện đang sử dụng.

Nội dung thẻ Căn cước công dân phản ánh thông tin cơ bản về công dân phục vụ cho việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân nhưng vẫn bảo đảm giữ bí mật đời tư cá nhân.

Dự thảo luật cũng không quy định hạn chế người được cấp thẻ căn cước, kể cả người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang mắc bệnh tâm thần...

Trên thẻ căn cước có thông tin về nơi thường trú của công dân và do đó, sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng và tích hợp đầy đủ dữ liệu về công dân, sẽ bỏ sổ hộ khẩu.

Việc sản xuất, sử dụng, quản lý thẻ Căn cước công dân theo công nghệ tiên tiến vừa bảo đảm bền, đẹp, chống làm giả, vừa có khả năng tích hợp nhiều thông tin cần thiết để góp phần đơn giản hóa giấy tờ cho công dân, từng bước thực hiện Chính phủ điện tử... Thẻ được sản xuất bằng chất liệu nhựa, ngoài cùng của hai mặt có phủ lớp màng nhựa mỏng trong suốt.

Trên thẻ ghi số định danh cá nhân, thông tin về họ và tên khai sinh, họ và tên gọi khác, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc... nên công dân có thể sử dụng để chứng minh các thông tin này trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân mà không cần phải sử dụng một số giấy tờ khác.

Số thẻ căn cước, theo đó, sẽ chính là số định danh cá nhân, hay mã số công dân gồm 12 số tự nhiên, được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý thống nhất trên toàn quốc, được cấp cho mỗi công dân Việt Nam và không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu cụ thể của một người trong cơ sở dữ liệu.

Dự kiến, đối với thẻ của người dưới 15 tuổi, hạn sử dụng là từ khi cấp đến khi người đó đủ 14 tuổi; đối với thẻ của người từ 15 tuổi đến dưới 25 tuổi, hạn sử dụng là 10 năm, kể từ ngày cấp; đối với thẻ của người từ đủ 25 tuổi đến dưới 70 tuổi, hạn sử dụng là 15 năm. Riêng đối với người từ 70 tuổi trở lên thì không xác định hạn sử dụng của thẻ.

Điểm thay đổi của dự thảo luật trong lần trình này là quy định về thời điểm cấp thẻ căn cước. Thay vì thời điểm công dân đủ 14 tuổi (tương tự thời điểm làm chứng minh thư nhân dân hiện nay) như đề xuất trước đó, Bộ trưởng Công an cho biết, thẻ căn cước dự kiến được cấp cho công dân ngay từ khi làm thủ tục khai sinh để bảo đảm quyền công dân theo Hiến pháp 2013.

Việc này được cho là để giải quyết phần công việc chồng lấn giữa Bộ Công an và Bộ Tư pháp khi Bộ Tư pháp xây dựng luật Hộ tịch lại quy định số định danh cá nhân do bộ này cấp (số định danh lấy từ kho số do Bộ Công an quản lý) cho trẻ khi làm thủ tục khai sinh và quản lý đến khi trẻ 14 tuổi.

Giấy khai sinh song hành với thẻ căn cước
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường (ảnh: Việt Hưng).
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường (ảnh: Việt Hưng).

Dù thẻ căn cước công dân được dự định cấp cho công dân ngay từ khi khai sinh nhưng Bộ Tư pháp cho rằng vẫn chưa thể bỏ giấy khai sinh. Trình luật Hộ tịch sửa đổi ngay sau nội dung luật Căn cước công dân, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh nội dung này.

Để đảo lại vai trò là cơ quan cấp số định danh cho mỗi người khi khai sinh từ kho số do Bộ Công an cung cấp, quản lý, dự thảo luật sửa theo hướng “khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch, cá nhân xuất trình thẻ Căn cước công dân, trong đó có số định danh của mình”. Khi đó, người yêu cầu đăng ký hộ tịch về cơ bản chỉ phải nộp văn bản yêu cầu đăng ký hộ tịch, không phải cầm bản chính các loại giấy tờ như hiện nay mà sẽ trích lục khi cần.

Nhưng đối với một số sự kiện hộ tịch quan trọng là khai sinh, kết hôn, việc lưu giữ và sử dụng bản chính giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn là nhu cầu thực tế của người dân. Do đó, Ông Hà Hùng Cường đề nghị duy trì quy định về cấp giấy khai sinh cho trẻ em và cấp giấy chứng nhận kết hôn cho người dân.

Như vậy, ở thời điểm khai sinh, mỗi người đã đồng thời có 2 loại giấy tờ là giấy khai sinh và thẻ căn cước công dân, cùng có một nội dung thống nhất là có ghi mã số định danh.

Thẩm tra dự thảo luật Hộ tịch lần này, UB Pháp luật đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo rà soát các quy định của dự án Luật hộ tịch với các quy định của dự án Luật căn cước công dân để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời, chỉ đạo quyết liệt để thực hiện có hiệu quả Đề án đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ về quản lý dân cư (Đề án 896), góp phần bảo đảm thực hiện được mục tiêu và lộ trình đề ra trong việc ban hành luật Hộ tịch.

“Chính phủ nói thẻ căn cước công dân sẽ được cấp khi làm thủ tục khai sinh, liệu việc cấp giấy khai sinh có làm phát sinh thêm giấy tờ?” - Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý đặt câu hỏi.

P.Thảo