Trẻ em đô thị mắc bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí tăng cao
(Dân trí) - Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2012-2016 cho thấy tỉ lệ số người bị bệnh đường hô hấp ở Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Hải Phòng... cao hơn các đô thị khác. Các bệnh ở trẻ em liên quan đến ô nhiễm không khí có xu hướng tăng cao như bệnh suyễn, nhiễm khuẩn đường hô hấp, lao, viêm phổi, bại não, ung thư.
Tại buổi công bố hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2012-2016 chiều 20/7, ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đánh giá, môi trường không khí đô thị ở Việt Nam ô nhiễm chủ yếu do hoạt động giao thông vận tải, xây dựng, xí nghiệp nội đô, sinh hoạt của cư dân, xử lý rác thải...
Trong đó, vấn đề khí thải từ phương tiện giao thông đường bộ là tác nhân lớn nhất gây ra ô nhiễm không khí ở các đô thị. Kết quả quan trắc thể hiện các khí vượt quá ngưỡng an toàn nhiều là là nitơ, cacbon, lưu huỳnh, bụi...
Xe máy là nguồn phát thải lớn nhất; ô tô, xe buýt cũng là một trong những nguồn phát thải đáng lo ngại. Các loại phương tiện ở nước thường cũ kỹ, lạc hậu dẫn đến tiêu hao nhiên liệu nhiều gây ra lượng phát thải lớn.
Ở Hà Nội và TPHCM, dân số tập trung đông, áp lực hạ tầng giao thông lớn, những tuyến đường nhỏ, xuống cấp, ý thức người dân chưa cao, thường xuyên bị ùn tắc cũng là yếu tố đáng kể làm nghiêm trọng thêm vấn đề gây ô nhiễm môi trường không khí.
“Hầu hết các đô thị lớn của nước ta đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, đặc biệt ở các thành phố lớn. Tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn, chúng tôi thấy rằng chất lượng không khí ở Hà Nội đều ở mức kém hoặc xấu. Ngoài ra, hàng triệu người dân ở đô thị còn phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, đặc biệt nặng nề tại các khu vực ven đường giao thông chính có mật độ phương tiện đi lại nhiều”-ông Tùng cảnh báo.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, đánh giá tình hình phát sinh và xử lý chất thải rắn ở các đô thị đến nay vẫn là vấn đề môi trường nổi cộm khó giải quyết. Trung bình, mỗi ngày các đô thị phát sinh 38 tấn chất thải rắn sinh hoạt, tốc độ gia tăng trung bình 12%/năm.
Lượng chất thải phát sinh ở đô thị lớn, tỉ lệ gia tăng cao, thu gom được đa phần nhưng xử lý chủ yếu vẫn chỉ là chôn lấp, ủ phân hữu cơ và đốt, chưa tái chế được nhiều.
“Tôi chỉ xin nêu một ví dụ: Ở nước ta, các loại túi nilon được sử dụng tràn lan, chủ yếu là túi siêu mỏng. Riêng ở Hà Nội và TPHCM thì trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Ở Thừa Thiên Huế thì mỗi ngày thải ra khoảng 650 tấn rác, trong đó có 6% là rác nhựa, nilon, tương đương 35 tấn. Trung bình, một người nước ta trong một năm sử dụng 30kg các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa. Các túi nilon nhỏ, mỏng, ít giá trị đối với người thu gom, tái chế nên tồn tại nhiều trong các bãi chôn lấp, hầu như không phân hủy. Nếu đốt ở bãi rác hở sẽ gây ô nhiễm môi trường không khí”-ông Tài dẫn chứng.
Đáng chú ý, báo cáo của Tổng cục Môi trường dẫn ra báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới cho biết, khoảng 2/3 trường hợp tử vong và giảm tuổi thọ do ô nhiễm không khí ở các nước châu Á; khoảng 2 triệu trẻ em tử vong do nhiễm khuẩn đường hô hấp với 60% liên quan đến ô nhiễm không khí.
“Bộ Y tế đã chỉ rõ tình trạng ô nhiễm môi trường gây ra những hiễm họa cho sức khỏe người dân. Trung bình, mỗi năm có hàng chục nghìn người mắc các bệnh về hô hấp do ô nhiễm không khí. Số người bị các bệnh đường hô hấp chiếm 3-4% tổng dân số. Trong đó, tỉ lệ số người bị bệnh đường hô hấp ở Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Hải Phòng...cao hơn các đô thị khác. Các bệnh ở trẻ em liên quan đến ô nhiễm không khí có xu hướng tăng cao như bệnh suyễn, nhiễm khuẩn đường hô hấp, lao, viêm phổi, bại não, ung thư”-ông Hoàng Dương Tùng thông tin.
Chính vì thế, lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho rằng trong tương lai dài hạn, cần phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị, quy hoạch đô thị theo hướng phát triển đô thị xanh, bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Xây dựng các mô hình điểm về quản lý đô thị và bảo vệ môi trường để phát huy, nhân rộng.
Đồng thời, tăng chi phí cho công tác bảo vệ môi trường đô thị, đặc biệt ở các thành phố lớn. Ở mỗi địa phương cần tập trung giải quyết từng bước các vấn đề môi trường nổi cộm tại các đô thị, khoanh vùng các đối tượng có nguy cơ ô nhiễm cao, tập trung xử lý dứt điểm.
Thế Kha