Tỉnh miền núi nỗ lực vì bình đẳng giới đối với dân tộc thiểu số

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Tỉnh Bắc Giang đã và đang nỗ lực tạo điều kiện dân sinh cho đồng bào dân tộc miền núi. Trong đó, tỉnh cũng chú trọng đến công tác bình đẳng giới, nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang, đơn vị đã phối hợp với các sở, ban ngành tuyên truyền, tổ chức nhiều chương trình hướng đến sự tiến bộ của phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới.

Tỉnh miền núi nỗ lực vì bình đẳng giới đối với dân tộc thiểu số - 1

Phụ nữ đồng bào dân tộc miền núi được hỗ trợ trong việc khởi nghiệp (Ảnh minh họa: Dương Yến/Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang).

Cụ thể, Sở đã tổ chức, xây dựng nhiều tin, bài tuyên truyền trên các phương tiện báo, đài truyền hình trung ương, tỉnh, các địa phương và mạng lưới loa truyền thanh của 209 xã, phường, thị trấn.

Trong đó, tỉnh đã tổ chức 47 hội nghị tuyên truyền kiến thức, pháp luật, nâng cao năng lực về bình đẳng giới, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; 1.526 hoạt động tuyên truyền, giáo dục chính trị, phẩm chất đạo đức phụ nữ,…

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiệm vụ về bình đẳng giới thông qua các hoạt động tập huấn, phổ biến kiến thức bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình.

Các chương trình được tổ chức qua hình thức tọa đàm, hội thi, bản tin, trang thông tin điện tử của Hội Liên hiệp phụ nữ và các chi hội, diễn ra hằng quý trong năm.

Các cấp Hội Phụ nữ cũng đã tổ chức 196 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về khởi sự kinh doanh, khởi sự hợp tác xã và phối hợp tổ chức khóa học "Phụ nữ tự tin làm kinh tế" cho 1.000 hội viên phụ nữ có ý tưởng kinh doanh (trong đó có 675 phụ nữ dân tộc thiểu số). Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng dân tộc thiểu số ngày càng giảm mạnh.

Tỉnh Bắc Giang đã thực hiện nhiều hoạt động, chương trình  làm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Chương trình 135, Chương trình 30a, Đề án "Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm" tập trung vào khu vực nông thôn, Đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2025",… 

Tỉnh miền núi nỗ lực vì bình đẳng giới đối với dân tộc thiểu số - 2

Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sơn Động năm 2023 (Ảnh: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang).

Hơn hết, tỉnh Bắc Giang hướng đến thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp; đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo; triển khai công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; hướng tới đảm bảo bình đẳng giới tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh.

Bắc Giang là tỉnh miền núi, có 9 huyện và 1 thành phố. Trong đó, cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn chiếm đến 14,26% dân số toàn tỉnh, tương đương với 257.000 người sống tại 73 xã thuộc 5 huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang. 

Trong chuyến kiểm tra công tác vì sự tiến bộ phụ nữ, bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ngày 15/11 của đoàn thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ông Mai Sơn, phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, cho hay thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ; chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe, tư vấn việc làm dựa theo độ tuổi, năng lực,…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm