1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Ngãi:

Trao bằng công nhận di sản phi vật thể Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

(Dân trí) - Sáng ngày 28/4, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trao bằng công nhận di sản phi vật thể Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình làng An Vĩnh tại huyện Lý Sơn.


Trao bằng công nhận di sản phi vật thể Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

Bộ trường Hoàng Tuấn Anh (bên trái) trao bằng di sản phi vật thể cho đại diện UBND huyện và họ tộc ở Lý Sơn
 

Sau chặng đường 18 hải lý đi từ cảng Sa Kỳ (huyện Bình Sơn) ra đảo Lý Sơn, 13 họ tộc khiêng kiệu rước chờ ngay cảng Lý Sơn và di chuyển hai bằng công nhận trên về Đình làng An Vĩnh (xã An Vĩnh).

 

Tham dự buổi lễ tại đảo Lý Sơn có các đại biểu là: ông Huỳnh Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Quốc hội, ông Vũ Trọng Kim - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Hoàng Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Trung tướng Đào Duy Minh - Phó Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị (Bộ Quốc phòng), ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đại diện lãnh đạo các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam và người dân địa phương.
 
Hai bằng di sản và di tích vừa đưa từ tàu cao tốc xuống đảo Lý Sơn

Hai bằng di sản và di tích vừa đưa từ tàu cao tốc xuống đảo Lý Sơn

 

Tại Đình làng An Vĩnh, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh cùng các đại biểu trao bằng di sản phi vật thể quốc gia của Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình làng An Vĩnh. Chính thức từ nay, trên đất đảo Lý Sơn có một di sản phi vật thể mang tầm cỡ quốc gia, một chính lễ mang nét đặc trưng riêng đối với những hùng binh Hoàng Sa vâng lệnh triều đình canh giữ vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.

 

Tại buổi lễ, ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn ghi nhận lịch sử: “Đình làng An Vĩnh được xây dựng vào cuối thế kỷ 18, là một trong những ngôi đình xây dựng sớm nhất ở tỉnh Quảng Ngãi. Trải qua các cuộc chiến tranh, ngôi đình đang dần bị hư hại và xuống cấp. Trên hết, Đình làng Anh Vĩnh là di tích có giá trị lịch sử to lớn trong việc chứng minh chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
 
Kiệu rước đưa bằng di sản vào cổng chính của Đình làng An Vĩnh

Kiệu rước đưa bằng di sản vào cổng chính của Đình làng An Vĩnh

 

Đình làng Anh Vĩnh cũng chính là nơi đội hùng binh Hoàng Sa làm lễ xuất binh đi ra Hoàng Sa, tại đây những hùng binh đã báo cáo với thần linh, tổ tiên về nhiệm vụ theo lệnh triều đình khai thác sản vật và cắm mốc chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cầu mong hoàn thành nhiệm vụ bình an. Đây là nét văn hóa, phong tục truyền thống đã hình thành từ hàng trăm năm trước khi đội hùng binh Hoàng Sa ra đời.

 

Việc đón nhận bằng di sản phi vật thể và di tích lịch sử văn hóa quốc gia, nhằm giáo dục sâu sắc đến các thế hệ tương lai lòng yêu nước, am hiểu và khắc sâu giá trị lịch sử của cha ông kiên cường, hiên ngang vươn ra bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa.
 
Ông Vũ Trọng Kim (phải) trao quà cho người dân Lý Sơn

Ông Vũ Trọng Kim (phải) trao quà cho người dân Lý Sơn

 

Tiếp tục các phần của Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, 13 họ tộc tiến hành lễ tế, lễ thế lính, múa bả trạo, múa võ, múa lân và lễ thả thuyền. Kết thúc các phần của Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, Ban khánh tiết Đình làng An Vĩnh tổ chức Lễ đua thuyền tứ linh.

 

Nhân dịp về huyện đảo Lý Sơn dự Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, ông Vũ Trọng Kim tặng 80 triệu đồng và ông Nguyễn Hòa Bình tặng 100 triệu đồng cho các gia đình khó khăn của huyện Lý Sơn.

 

Hồng Long