1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tránh “ngẫu hứng” trong quy hoạch Hà Nội

(Dân trí) - Cả hai đại biểu đoàn Hà Nội (trừ Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo) khi phát biểu đều không đồng tình với việc dời trung tâm hành chính lên Ba Vì và xây dựng trục Thăng Long, điều đó cho thấy sự thiếu đồng thuận với ý tưởng trong bản quy hoạch chung Hà Nội.

Tránh “ngẫu hứng” trong quy hoạch Hà Nội - 1
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân: Không có chuyện dời trung tâm hành chính (ảnh: Việt Hưng)
 
Dời trung tâm hành chính: Nếu được, ông cha ta đã dời lâu rồi
 
Khởi đầu phiên thảo luận, đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội) cho rằng, việc lựa chọn Ba Vì là nơi xây dựng các cơ quan của Chính phủ là không phù hợp, bởi theo đại biểu không nên tách rời khái niệm hành chính và chính trị, không có cơ sở để tách trung tâm chính trị và trung tâm hành chính quốc gia.
 
“Việc dời trung tâm rất tốn kém, chi phí lớn, vì thế câu hỏi đặt ra là có nên lãng phí như vậy không”, ông Hồng Anh đặt câu hỏi. Ông Anh lấy ví dụ, Hàn Quốc cũng có ý tưởng di chuyển Thủ đô nhưng đã gặp không ít khó khăn, thậm chí, ngay cả khi QH đã đồng ý nhưng Chính phủ hiện nay chưa thực hiện.
 
Đồng tình với ý kiến phản bác di chuyển Trung tâm hành chính, đại biểu RCom Sa Duyên (Gia Lai) đặt câu hỏi, việc di chuyển Trung tâm hành chính lên Ba Vì có phải đã phủ định ngàn năm văn hiến của đất Thăng Long hay không?
 
Thậm chí, bà Duyên còn đặt vấn đề có hay không việc đối tượng làm chính sách lại là người được hưởng lợi từ chính sách một cách không minh bạch. “Tôi kiến nghị khi thực hiên quy hoạch cần đề cao tính công minh, công bằng, tránh tập trung vào lợi ích của một nhóm”, bà Duyên nói.
 
Phó chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH Nguyễn Minh Thuyết cũng chỉ ra mấy điểm bất hợp lý của dự án. “Đề án qui hoạch có câu “xây dựng Thủ đô thành một thành phố xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại…”, nói thật câu này lủng củng lắm.
 
Tại sao yếu tố “xanh” lại đứng đầu mà yếu tố “hiện đại” lại đứng thứ 4? Hà Nội đã có ngàn năm văn hiến vậy lại xây dựng văn hiến nữa là sao? Ông đề nghị xây dựng HN theo 3 tiêu chí hiện đại, thân thiện (môi trưòng, con người), hài hoà (đô thị - nông thôn, con người - văn  hoá)…
 
Phản bác lại ý kiến cho rằng việc nói “dời đô” là không chính xác vì thực tế di chuyển khu vực hành chính vẫn nằm trong địa giới hành chính Hà Nội, ông Thuyết so sánh rất thực tế: “Trong gia đình chỉ di chuyển bàn thờ một chút thôi là cũng có chuyện. Về phong thuỷ là không ổn”. Chốt phần phát biểu, ông Thuyết lưu ý cần phải tránh tư duy “ngẫu hứng” khi tính toán, quy hoạch Thủ đô.
 
Đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) thì khẳng định, “nếu di chuyển được thì ông cha ta đã di chuyển lâu rồi”.
 
Trục Thăng Long: “hỏng” cả về kinh tế lẫn “phong thuỷ”
 
Tránh “ngẫu hứng” trong quy hoạch Hà Nội - 2
 
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trao đổi cùng đại biểu QH (ảnh: Việt Hưng)
 
Cả với tư cách đại biểu QH lẫn Chủ tịch TP Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thế Thảo phát biểu lý giải việc xây dựng trục Thăng Long là sự phối hợp, tạo trục hướng tâm (bên cạnh 7 trục hướng tâm đã có như đường 32, trục Bắc - Nam, trục đường 5, trục Láng - Hoà Lạc…), xây dựng trục này cũng là cơ hội để tạo điểm nhấn và tạo quỹ đất.
 
Đại biểu Phạm Thị Loan thắc mắc, tại sao trục này lại là trục nhấn trong số 7 trục hướng tâm mà không phải là một trục khác?, bà Loan đề nghị bỏ ý định tạo điểm nhấn cho trục này, tạo điều kiện cho việc đầu cơ, nâng giá đất.
 
Cho rằng “trục Thăng Long” là không phù hợp, tốn nhiều đất lúa… đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội) khẳng định, không có nước nào chỉ bằng một trục đường thẳng mà có thể kết nối văn hoá, kinh tế các vùng như một số ý kiến giải thích bảo vệ cho trục này.
 
Cùng đề cập đến trục Thăng Long, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết khẳng định đây là sự lãng phí. “Chúng ta đã có đường Láng - Hoà lạc rộng 140m, rồi đường 32… tại sao lại phải làm thêm trục Thăng Long?
Khi đề xuất làm đường sắt, chính phủ nói rằng bởi thời gian qua chúng ta tập trung quá nhiều vào giao thông đưòng bộ, giờ đề xuất làm trục này, chúng ta lại nói là để tập trung phát triển giao thông, như vậy có mâu thuẫn không?”, ông Thuyết đặt câu hỏi.
 
Thậm chí, ông Thuyết còn còn áp thuật “phong thuỷ” để phản bác ý tưởng xây dựng trục này. “Trục Thăng Long chọc thẳng vào Ba Đình là không phù hợp với phong thuỷ, không ai để đường chọc thẳng vào cửa nhà mình như thế cả”.
 

Báo cáo bổ sung của bản qui hoạch được Bộ trưởng xây dựng Nguyễn Hồng Quân đọc trước phiên thảo luận cho rằng, nên hiểu toàn bộ Thủ đô Hà Nội (theo ranh giới hành chính) là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia.

Do vậy, không có khái niệm Trung tâm hành chính quốc gia cho một địa điểm hoặc một khu vực nào đó trong Thủ đô, càng không có chuyện “dời đô”. Về trục Thăng Long, báo cáo cho biết, trong quy hoạch chung có 5 trục giao thông mới, trong đó có một trục phát triển, kết nối khu vực nội đô với Hoà Lạc, gọi là trục Thăng Long. Trục này tạo không gian kiến trúc, kết nối văn hoá Thăng long với văn hoá xứ Đoài…

 
Nguyên Đức