1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ trưởng GTVT: “Không nên ngại trục Thăng Long lớn quá”

(Dân trí) - Trả lời phỏng vấn của phóng viên Dân trí về vấn đề giao thông trong đồ án quy hoạch chung Hà Nội, Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã bày tỏ như vậy. Ông Dũng cũng cho rằng, không thể sớm giải quyết vấn đề ách tắc giao thông của Thủ đô…

Thưa ông, một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều người đối với Đồ án quy hoạch chung Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 là quy hoạch giao thông. Ông đánh giá như thế nào về quy hoạch giao thông trong đồ án này?
 
Trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 do Bộ Giao thông vận tải kết hợp với Hà Nội cũng như tư vấn HIDEP xây dựng được Thủ tướng phê duyệt, về tổng thể giao thông Hà Nội đã tương đối hoàn chỉnh.
 
Là một nội dung trong đồ án quy hoạch xây dựng đô thị lần này, quy hoạch giao thông hướng tới kết nối với các khu vực mới, Hà Tây cũ, các vành đai.
 
Ở đây có mấy điểm đáng chú ý. Trước hết, đường vành đai 3 thuộc Hà Nội cũ cơ bản như trước, còn vành đai 4 qua Hà Tây cũ, qua một số tỉnh, vẫn hợp lý, trong khi vành đai 5 vẫn qua Hà Tây cũ rồi kết nối với các tỉnh Bắc Bộ…
 
Tuy nhiên, giữa vành đai 3 và vành đai 4 lần này quy hoạch một vành đai gần như là vành đai 3,5 để tạo ra một trục đô thị xung quanh đó. Giữa vành đai 4 , vành đai 5, chúng ta tạo ra vành đai 4,5 nhằm liên kết giữa các đô thị vệ tinh. Mục tiêu của chúng ta là kéo giãn nội đô ra.
 
Bộ trưởng GTVT: “Không nên ngại trục Thăng Long lớn quá” - 1
Đồ án quy hoạch chung đặt ra nhiều bài toán cho giao thông (Ảnh: Cấn Cường)
 
Thứ 2, về các trục xuyên tâm, trục lớn nhất chúng ta đang thực hiện là Láng - Hoà Lạc, trước đây mang ý nghĩa kết nối giữa Hà Nội với Hà Tây, nhưng sau khi khi mở rộng Hà Nội lại thành cao tốc đô thị và tương lai sẽ trở thành một trục cao tốc đô thị hoàn chỉnh.
 
Chính vì thế, vừa qua đã phải điều hỉnh lại thiết kế, lên tới 8 làn, 2 làn gom và hầu như không có nút giao bằng mà chỉ có nút giao vượt, kể cả nút giao lớn nhất nối với quốc lộ 21 - nút giao sẽ được sửa chữa, hoàn chỉnh để nối trục Láng - Hoà Lạc thẳng tới Hoà Bình…
 
Trục Thăng Long, một trong những điểm nhấn của đồ án quy hoạch chung Hà Nội nối đường Hoàng Quốc Việt với chân núi Ba Vì đã nhận được nhiều ý kiến phản biện. Có cần thiết thêm một trục như vậy khi đã có trục Hoà Lạc rất lớn như ông vừa nói ở trên cùng với một trục khác, đường 32?
 
Theo tôi là nên có. Các nhà tư vấn phân tích, đó là trục vừa có ý nghĩa kết nối trung tâm cũ, trung tâm chính trị với trung tâm hành chính mới sau này, vừa mang ý nghĩa về văn hoá.
 
Cần thiết phải có một trục như thế, nhưng  quy mô như thế nào mình phải tính cho hài hoà. Sang bước thiết kế chi tiết, chúng ta sẽ xem xét cụ thể về vấn đề này.
 
Có nên làm trục này thành một đại lộ như lãnh đạo Bộ Xây dựng từng nói, thưa ông?
 
Đường của ta thường nhỏ, trong khi tham khảo ở các nước, đường đô thị, nhất là những trục chính, họ thường làm lớn. Chính vì vậy, chúng ta không nên ngại là lớn quá.
 
Ông vừa nói về quy hoạch các đường vành đai, đường xuyên tâm, nhưng có những ý kiến cho rằng, nếu chúng ta vẫn làm đường vành đai, xuyên tâm sẽ không giải quyết được ách tắc và thay vì kiểu giao thông “mạng nhện” này, nên giải quyết  vấn đề bằng tàu điện ngầm?
 
Ngay cả tàu điện cũng phải kết hợp trên cơ sở các trục xuyên tâm, các tuyến vành đai đó. Tôi nói ví dụ, vành đai 3, sau này cũng sẽ có một tuyến đường sắt đô thị theo vành đai đó. Bên cạnh trục xuyên tâm đường Láng - Hoà Lạc là đường sắt trên cao.
 
Bộ trưởng GTVT: “Không nên ngại trục Thăng Long lớn quá” - 2
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội (Ảnh: Việt Hưng)
 
Cho nên đường sắt và đường bộ vẫn nằm trên đường vành đai và trục xuyên tâm đó chứ không phải chỉ là đường bộ không.
 
Nhiều người lo ngại đồ án quy hoạch chung Hà Nội được thực hiện khi chưa có quy hoạch ngầm có thể dẫn tới việc không giải quyết được những vấn đề phát sinh sau này?
 
Bây giờ phải  có quy hoạch chung đã, sau đó quy hoạch chi tiết mới xác định được quy hoạch ngầm ra sao. Mình chưa có quy hoạch chung trước thì làm sao xác định được quy hoạch ngầm.
 
Vậy điểm gì khiến ông băn khoăn nhất về vấn đề giao thông trong Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội?
 
Tôi băn khoăn vấn đề tổ chức thực hiện. Tôi cho rằng, trên cơ sở quy hoạch đó, mình tổ chức thực hiện cho tốt, cho đúng thì có thể thành công.
 
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội đề ra mục tiêu giải quyết vấn đề ách tắc giao thông vào năm 2030, nhưng nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố cho rằng, như vậy là quá chậm. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?
 
Thực hiện cho được quy hoạch phát  triển giao thông đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 Chính phủ đã phê duyệt, chúng ta sẽ kiểm soát được tổ chức giao thông của chúng ta, trên cơ sở đó giải quyết được vấn đề ách tắc giao thông.
 
Nếu chưa thực hiện được, chúng ta chưa thể kiểm soát chặt chẽ, bền vững và chuyện ách tắc vẫn còn dài. Cho nên nói tưởng quá dài, nhưng theo quy hoạch đó, 10 năm nữa, 20 năm nữa anh mới giải quyết được các vấn đề đô thị, giao thông đô thị… Anh làm sớm cũng không được.
 
Xin cảm ơn ông!
 
Cấn Cường (thực hiện)