Tranh luận việc "bơm" vốn để thúc tiến độ sân bay lớn nhất nước

Hoài Thu

(Dân trí) - Tán thành bổ sung vốn thúc đẩy tiến độ sân bay Long Thành song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật băn khoăn vì việc kéo dài thời gian giải ngân vốn chưa phù hợp quy định của luật.

Sáng 9/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53 liên quan báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành. 

Tranh luận thời điểm bổ sung vốn cho dự án

Góp ý về việc bổ sung vốn cho dự án, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang dẫn Điều 68 của Luật Đầu tư công quy định số vốn kế hoạch của năm 2021 phải được giải ngân chậm nhất đến hết 31/1/2022 và có thể kéo dài đến 31/12/2022 theo quyết định của Thủ tướng.

Luật Ngân sách Nhà nước cũng nêu rõ hết thời hạn và dự toán mà chưa thực hiện hoặc chưa chi hết, phải hủy bỏ. Vì vậy, theo ông Giang, số vốn này đã bị hủy dự toán và không còn kết dư.

Tranh luận việc bơm vốn để thúc tiến độ sân bay lớn nhất nước - 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang (Ảnh: Phạm Thắng).

Tán thành bổ sung vốn để tiếp tục triển khai dự án theo tiến độ được điều chỉnh, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng đề xuất kéo dài thời gian thực hiện giải ngân số vốn như Chính phủ trình chưa phù hợp quy định của luật.

Ông đề nghị bổ sung số vốn còn thiếu của dự án vào Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024 chuẩn bị trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, trên cơ sở cân đối nguồn lực trong dự toán.

Tranh luận với quan điểm này, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh Trịnh Xuân An cho rằng ngân sách tỉnh Đồng Nai đang còn khoản kết dư, nếu cho chuyển thì tỉnh có thể sử dụng được ngay mà không làm tăng dự toán của năm 2024.

Tranh luận việc bơm vốn để thúc tiến độ sân bay lớn nhất nước - 2

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh Trịnh Xuân An (Ảnh: Phạm Thắng).

Ông An dẫn chứng tiền lệ được áp dụng ở dự án hồ Ka Pét (Bình Thuận) và nhấn mạnh việc này vừa phù hợp về thẩm quyền, vừa phù hợp về quy trình, thủ tục, không phát sinh những vấn đề lớn, ứng phó kịp thời trong tình hình cấp bách.

Đại biểu Quốc hội Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) cho biết đến nay, dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đã trễ hạn gần 2 năm, dù UBND cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Đồng Nai đã chủ động, quyết liệt triển khai các nội dung công việc rất lớn.

Trong đó, tỉnh đã biệt phái 113 lượt công chức, viên chức tăng cường cho huyện Long Thành thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường của dự án. Đến nay, tiến độ dự án thu hồi đất đạt 98,7%, trong đó diện tích giai đoạn 1 thu hồi 2.532ha đã bàn giao cho ACV thực hiện khởi công giai đoạn 1.

Phần diện tích còn lại 63,83 ha thuộc giai đoạn 2ha sẽ hoàn thành thu hồi trong tháng 12. "Như vậy phần diện tích đất còn lại không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện giai đoạn 1 của dự án", theo lời ông Thống.

Đề cập nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ, vị đại biểu tỉnh Đồng Nai chia sẻ đây là dự án trọng điểm quốc gia và có diện tích thu hồi đất rất lớn, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Điển hình, về thủ tục, quy định nêu rõ mốc thời gian hơn 270 ngày làm việc trong điều kiện bình thường để hoàn thành các thủ tục thu hồi đất.

Tranh luận việc bơm vốn để thúc tiến độ sân bay lớn nhất nước - 3

Đại biểu Quốc hội Bùi Xuân Thống (Ảnh: Phạm Thắng).

"Nhưng dự án này được quy hoạch trên 20 năm, địa phương đã cố gắng quản lý việc mua bán, chuyển nhượng, nhưng thực tế người dân vẫn thực hiện việc mua bán bằng giấy tay để phục vụ các nhu cầu của mình, nên việc xác định chủ các thửa đất, diện tích... mất nhiều thời gian", ông Thống giải thích.

Ngoài ra, vị đại biểu nhắc đến nhiều nguyên nhân khách quan do tác động của dịch Covid-19, giá một số vật liệu xây dựng tăng rất cao dẫn đến đứt gãy nguồn cung, các dự án thành phần có cấu phần xây dựng bị dừng lại, thậm chí các nhà thầu bỏ công trình, dẫn đến phải thực hiện tổ chức đấu thầu lại mất rất nhiều thời gian.

Về tác động, đại biểu tỉnh Đồng Nai khẳng định phần diện tích giai đoạn 1 đã được bàn giao cho ACV để triển khai thực hiện, nên việc kéo dài dự án đến 2024 không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của giai đoạn 1.

Theo ông Thống, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai tán thành việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và giải ngân số vốn hơn 2.500 tỷ đồng đến hết năm 2024.

Phấn đấu hoàn thành nhà ga sân bay Long Thành trong 2025

Báo cáo, làm rõ các vấn đề liên quan, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng lý giải nguyên nhân dự án chậm tiến độ, ngoài yếu tố khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan do nhân sự chủ chốt của UBND tỉnh Đồng Nai trong thời gian thực hiện dự án có nhiều thay đổi.

Bên cạnh đó, do thủ tục lập quy hoạch tái định cư, thiết kế đấu thầu kéo dài và lực lượng lao động khan hiếm sau giãn cách của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các gói thầu xây dựng…

Tranh luận việc bơm vốn để thúc tiến độ sân bay lớn nhất nước - 4

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng (Ảnh: Phạm Thắng).

"Qua báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, có thể thấy trong quá trình triển khai thực hiện kể từ khi Quốc hội có quyết định phê duyệt chủ trương, các bước phê duyệt dự án có nhiều vướng mắc", theo lời ông Thắng.

Ông cũng khẳng định tỷ lệ diện tích đất chưa giải phóng mặt bằng thuộc giai đoạn 2 nên không ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án sân bay Long Thành.

Trong giai đoạn 1 của sân bay Long Thành, ông Thắng nhấn mạnh gói thầu xây dựng nhà ga hành khách là phần quan trọng nhất, quyết định tiến độ dự án. Sau nhiều khó khăn, nay đã lựa chọn được nhà thầu và khởi công ngày 31/8.

"Theo hợp đồng, thời gian thi công là 39 tháng, dự án sẽ hoàn thành vào khoảng tháng 10-11/2026, chậm hơn 1 năm so với yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên chủ đầu tư đang chỉ đạo rất quyết liệt các nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu nếu hoàn thành trong năm 2025 là tốt nhất", Bộ trưởng GTVT nói.

Ông nhấn mạnh UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để khẩn trương có các giải pháp xử lý dứt điểm những vướng mắc liên quan dự án này.