1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Trang sổ lương của Bác Hồ khi làm phụ bếp trên tàu Pháp năm 1911

(Dân trí) - Bảo tàng Hồ Chí Minh đã sưu tập được trang sổ lương của người thanh niên Nguyễn Văn Ba (Nguyễn Ái Quốc) ở thời điểm năm 1911, khi Người làm việc trên con tàu Amiral Latouche Tréville.

Ngày 5/6/1911, lấy tên Văn Ba, Nguyễn Tất Thành nhận làm phụ bếp cho tàu Amiral Latouche Tréville rời cảng Sài Gòn sang Pháp, bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước.

Tàu Amiral Latouche Tréville thuộc hãng Chargeurs Réunis, dân ta quen gọi là hãng Năm Sao do ống khói các tàu của hãng sơn biểu tượng hình năm ngôi sao. Đây là một trong những tàu lớn đầu thế kỷ XX, vừa chở hàng, vừa chở khách. Làm việc trên tàu, Nguyễn Tất Thành được giao nhặt rau, vác khoai, rửa nồi, cào lò, xúc than...

Trang sổ lương của Bác Hồ khi làm phụ bếp trên tàu Pháp năm 1911 - 1

Tài liệu trang sổ lương của Văn Ba (Nguyễn Ái Quốc) tháng 6 năm 1911 (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh).

Trang sổ lương như hình trên là một trong những trang sổ lương của Nguyễn Tất Thành được sao lại từ cuốn sổ lương của tàu Amiral Latouche Tréville do Bảo tàng Hồ Chí Minh sưu tầm tại Trung tâm lưu trữ hải ngoại tại Aix en Provence, Pháp. Trên tài liệu này có ghi rõ tên Văn Ba và tên hai người Việt Nam khác là Lê Quang Chi và  Nguyễn Văn Trị cũng làm công trên tàu với mức lương là 45 franc/1 tháng. Trong khi đó, những phụ bếp người Pháp cùng làm việc như vậy thì hưởng lương nhiều gấp ba.

Sau khi trả tiền ăn, tiền nộp cho cai bếp, góp vào quỹ bảo hiểm cho riêng thủy thủ người Pháp, thực tế Nguyễn Tất Thành chỉ còn nhận được 10 franc. Trên trang sổ lương này còn ghi Nguyễn Tất Thành đã làm việc trên tàu được hai tháng 27 ngày và tổng số tiền nhận được đến thời điểm đó là 124.5 franc.

Tuy phải làm nhiều công việc nặng nhọc nhưng mỗi khi được nghỉ, Nguyễn Tất Thành lại tranh thủ đọc và viết tiếng Pháp với sự giúp đỡ của những thủy thủ Pháp trên tàu.

Theo hành trình của tàu, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã được đi đến nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người và biết được nhiều điều mới lạ. Sau những năm tháng ấy, Nguyễn Tất Thành đã rút ra được kết luận quan trọng thể hiện trong bài Đoàn kết giai cấp đăng trên báo Le Paria, số ra tháng 5 năm 1924 có nội dung: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một tình hữu ái là thật mà thôi - tình hữu ái vô sản”.

Nguyễn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm