Phú Yên:
Trắng đêm “săn” bò tót
(Dân trí) - Tin “bò tót về làng” khiến cuộc sống ở vùng quê miền núi xã Xuân Quang 1 (Đồng Xuân, Phú Yên) trở nên xôn xao, xáo trộn. Tuy nhiên sau 2 đêm “mật phục” giữa rừng, người dân vẫn không tận mắt thấy mà chỉ nghe âm thanh lạ rống vang giữa núi rừng…
Những ngay qua, người dân huyện Đồng Xuân không ngớt lời bàn tán, đồn thổi về 2 -3 con bò tót trên núi thường xuyên xuất hiện lúc nửa đêm về sáng, xuống làng ăn phá rẫy bắp của nông dân thôn Đồng Hội, xã vùng cao Xuân Quang 1.
Để tìm hiểu thực hư về loài vật nghi là bò tót này, nhiều phóng viên các cơ quan báo chí cùng với lực lượng kiểm lâm và người dân có rẫy bắp bị bò tót ăn phá quyết định dựng chòi “mai phục” xuyên đêm, rình bò tót xuống núi.
Thế nhưng, sau 2 đêm liên tục thức trắng đêm mật phục vẫn không có kết quả. Giữa triền núi miền sơn cước tĩnh lặng, chúng tôi chỉ nghe được những âm thanh rống lên vọng lại từ phía núi đằng xa như tiếng của bò tót. “Tiếng rống của nó đó. Mấy đêm trước bị xua đuổi nên đêm nay không xuống nữa”, anh Trần Đình Cường, người dân có rẫy bắp bị bò phá, đi cùng chúng tôi khẳng định. Tuy nhiên khi chưa tận mắt thấy thì thực hư về bò tót vẫn là một ẩn số.
Trong khi đó, người dân người dân thôn Đồng Hội, xã Xuân Quang 1, vẫn khẳng định, hơn một tháng nay cứ khoảng từ 24 giờ ngày hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau, có 2 con bò tót từ khu rừng gần suối Bà Tiền (cách khu dân cư khoảng 2km) xuống rẫy tìm thức ăn, uống nước. Chúng phá thiệt hại nặng nhất là đám rẫy bắp của ông Trần Văn Bình và Trần Đình Cường.
Ông Lê Quốc Hải, trưởng thôn Đồng Hội, người thường xuyên bắt gặp con bò này vào ban đêm, cho biết: “Gần một tháng qua, đêm nào chúng cũng xuống đám bắp, sắn, mía của người dân để cắn phá. Con bò này rất nhát, khi nghe động tĩnh hoặc hơi người là nó bỏ chạy bạt mạng vào rừng. Vì loại này hung dữ có thể tấn công người nên chúng tôi phải đánh kẻng để xua đuổi từ xa”.
Còn ông Đặng Chí Hậu, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 1, cũng khẳng định: “Sau khi nghe thông tin bò tót về làng, tôi đã theo người dân lên rẫy nắm rõ thực hư. Ngay trong đêm 30/6, tôi tận mắt thấy một con bò lớn vào rẫy ăn bắp. Không chắc chắn đó là bò tót nhưng đó là một con vật có lông đen, cặp sừng dài đến 40 cm, cong vút, rất đẹp. Đối chiếu lại hình ảnh trên internet, con bò này chắc chắn là bò tót”.
Trong khi đó, ông Vũ Công Tâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân cho rằng, việc người dân cho là bò tót xuống núi phá nương rẫy ở thông Đồng Hội là chưa có cơ sở.
Ông Tâm lý giải: “Trước đây thời còn bao cấp, Ban định canh, định cư huyện Đồng Xuân nuôi thả rong hàng trăm con bò. Có thể, trong thời gian dài bò sinh sản nhiều nên lạc vào rừng trở thành bò hoang. Thời gian qua, thời tiết nắng nóng kéo dài, cây cỏ khô héo, các con suối kiệt nước nên chúng thiếu thức ăn, khát nước buộc phải ra khỏi rừng xuống nương rẫy để kiếm ăn”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, cho biết: “Qua thực địa tại hiện trường có hai dấu chân khác nhau. Dấu chân lớn rộng khoảng 13cm, chân nhỏ khoảng 7cm. Có thể là dấu chân trước và chân sau của một con bò, nhưng cũng có thể là dấu chân của một con lớn, một con nhỏ như người dân phản ánh. Hơn nữa, qua kiểm chứng từ phía người dân và thực địa khu vực này không có ai chăn thả bò, nhất là vào ban đêm. Vì vậy, có thể khẳng định con bò lạ đi ra từ trong rừng, nhưng chưa biết chúng có phải bò tót hay không”.
Trước mắt, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền người dân không bẫy, săn bắt bò trái phép. Đồng thời, tổ chức luân phiên trực chiến, bám trụ, kiểm soát, ghi hình con bò lạ. Nếu đúng là bò tót, sẽ báo cáo lên cơ quan chức năng Trung ương để có biện pháp bảo vệ. Ngoài ra, đơn vị cũng đã trang bị thêm ống nhòm hồng ngoại (thiết bị quan sát ban đêm) cho lực lượng canh giữ để quan sát hoạt động của con bò từ xa.
Nhạn Sơn - Doãn Công