1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Trận địa bẫy cọc" trên sông Rác: Vì sao chưa thể xử lý?

Dương Nguyên

(Dân trí) - Lãnh đạo xã ở Hà Tĩnh nói gặp khó khăn vì thời tiết và thủy triều nên chưa thể tháo dỡ dứt điểm cọc bê tông trái phép trên sông Rác.

Trưa 5/10, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh, cho biết hồi cuối tháng 8, địa phương huy động 150 lượt người ra quân tháo dỡ 2.000 cọc bê tông, cọc tre cắm trái phép ở cửa biển và dọc tuyến sông Rác.

Tuy nhiên, sau buổi ra quân đó, địa phương gặp khó khăn, chưa xử lý được dứt điểm vì thời tiết và thủy triều ban ngày trên sông dâng cao.

"Thời gian tới, khi thủy triều xuống thấp, chúng tôi sẽ tiếp tục ra quân xử lý và tính toán phương án làm dứt điểm", ông Hà thông tin.

Trận địa bẫy cọc trên sông Rác: Vì sao chưa thể xử lý? - 1

Thủy triều trên sông Rác trong sáng 5/10 (Ảnh: Dương Nguyên).

Cũng theo lãnh đạo xã Cẩm Lĩnh, thời gian qua, cấp trên cũng như chính quyền địa phương đã tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu về Luật Thủy sản và các quy định. Một số hộ dân đã có ý thức chấp hành, không tiếp tục nuôi trồng thủy sản trái phép và tự giác tháo dỡ các vật cản trên sông.

Như Dân trí đã phản ánh, nhiều năm nay, sông Rác, đoạn chảy qua xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên) bị nhiều hộ dân chiếm dụng trái phép.

Các hộ dân đã chôn hàng nghìn cọc bê tông, cọc tre xuống nhiều vị trí trên lòng sông, cố định lốp xe và dây thừng tại đây để nuôi hàu. Khi thủy triều rút, cọc bê tông chi chít lộ thiên như "trận địa bẫy cọc".

Trận địa bẫy cọc trên sông Rác: Vì sao chưa thể xử lý? - 2

Hồi cuối tháng 8, chính quyền huy động lực lượng ra quân xử lý 2.000 cọc bê tông, cọc tre trái phép trên sông (Ảnh: Văn Nguyễn).

Theo nhiều ngư dân, việc các hộ dân tự ý đóng cọc bê tông xuống lòng sông Rác để nuôi hàu làm ảnh hưởng đến việc di chuyển của tàu thuyền, đặc biệt trong mùa mưa bão khi có nhiều phương tiện đến tránh trú.

Hôm 9/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh đã ra văn bản yêu cầu địa phương vào cuộc kiểm tra, xử lý hoạt động nuôi trồng thủy sản trên sông Rác.

Từ chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND huyện Cẩm Xuyên, UBND xã Cẩm Lĩnh thành lập đoàn kiểm tra, rà soát và kết quả cho thấy có 78 hộ tự ý nuôi trồng thủy sản trái phép trên tuyến sông Rác, đoạn qua xã Cẩm Lĩnh và bãi bồi, cửa biển.

Chính quyền cũng mời các hộ nuôi hàu, sò trái phép trên sông để phổ biến, hướng dẫn các quy định của Luật Thủy sản, đồng thời yêu cầu họ tự thực hiện tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu.

Trận địa bẫy cọc trên sông Rác: Vì sao chưa thể xử lý? - 3

Người dân cắm cọc bê tông nuôi hàu trái phép trên sông Rác (Ảnh: Dương Nguyên).

Sau đó, địa phương phát thông báo về việc phối hợp, xử lý vật cản trên sông Rác và bãi bồi ven biển, xây dựng kế hoạch, thông báo thời gian tổ chức tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, những hộ dân nêu trên đều không chấp hành.

Vì thế, cuối tháng 8, xã Cẩm Lĩnh huy động 150 lượt người tháo dỡ hơn 2.000 cọc tre và bê tông trên diện tích 5ha, xử lý xong 7 hộ. Việc tháo dỡ bước đầu tập trung vào các vị trí quan trọng, ảnh hưởng đến giao thông và những vị trí sức người có thể làm được, còn lại gặp khó khăn.

Ngoài những nguyên nhân nêu trên, theo lãnh đạo địa phương, khối lượng cọc cắm và các vật liệu khác với khối lượng lớn, địa hình phức tạp không thể sử dụng sức người tháo dỡ hết.

Một số trường hợp liên quan đến việc cho thuê đất trái thẩm quyền chưa xử lý xong nên hiện nay người dân vẫn đầu tư để nuôi thủy sản gây khó khăn trong quá trình xử lý.