1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Trải nghiệm nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, nhiều nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn Hà Nội ô nhiễm, xuống cấp, vỡ, hỏng, thiếu các thiết bị cần thiết như vòi xịt, bồn nước rửa tay.

Nhà vệ sinh công cộng ô nhiễm, xập xệ

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Dân trí, tại các quận trung tâm của Thủ đô Hà Nội như Hoàn Kiếm, Ba Đình,... hầu hết NVSCC có người trông coi, nhưng vẫn ô nhiễm, xuống cấp.

Bên cạnh đó, nhiều NVSCC ở các quận, các thiết bị như vòi xịt, bồn nước rửa tay, vòi xả nước,... bị mất, hỏng. Thậm chí, có nhà vệ sinh người dân sau khi "giải quyết" phải dội bằng xô.

Trải nghiệm nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội - 1

Sau quá trình sử dụng, nhiều nhà vệ sinh đã hoen gỉ, các trang thiết bị xuống cấp, hư hỏng.

Cụ thể, phóng viên đã có dịp trải nghiệm tại NVSCC ở khu vực cổng bốc hàng của bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Vừa bước vào nhà vệ sinh công cộng thì mùi hôi khai nồng nặc đã xộc thẳng vào mũi, khiến phóng viên phải đeo thêm 1 chiếc khẩu trang. Bên trong khuôn viên nhà vệ sinh nhiều người dân còn phóng uế trông rất mất vệ sinh.

Còn nhà vệ sinh công cộng nằm gần sân vận động Mỹ Đình lại đang trong tình trạng thiếu nước.

Trải nghiệm nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội - 2

Một số nhà vệ sinh ngoài xuống cấp còn bị vẽ bậy. Là một đô thị với hơn 8 triệu dân nhưng hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội chỉ có khoảng hơn 400 nhà vệ sinh công cộng.

Lần đầu sử dụng NVSCC ở khu công viên nằm trên đường Trần Phú - Hoàng Diệu (Hà Nội), anh Đỗ Thái đến từ TPHCM đánh giá "chấp nhận được". Tuy nhiên, nhà vệ sinh này lại không có nước rửa tay nên anh Thái phải dùng cồn khô mang theo để lau tay. Theo anh Thái, ở TPHCM, mỗi khi "bí" anh Thái thường vào các quán cafe để "giải quyết nỗi buồn".

Là tài xế công nghệ nên anh Phạm Thế Anh (quê Ý Yên, Nam Định) thường sử dụng NVSCC. Theo đánh giá của anh Phạm Thế Anh thì nhiều NVSCC trên địa bàn Hà Nội ngoài việc còn mất vệ sinh nhất là mùi hôi, khai nồng nặc thì nhà vệ sinh công cộng còn thiếu "kín đáo". Anh Phạm Thế Anh cũng cho rằng, số lượng NVSCC ở Hà Nội hiện nay còn ít nên việc tìm kiếm còn khá khó khăn.

Nam tài xế nhận định, những nhà vệ sinh công cộng ở các địa điểm tập trung nhiều quán trà đá thường rất bấn, bốc mùi hôi thối, thậm chí nhiều NVSCC đã khá xuống cấp.

Trải nghiệm nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội - 3

Ngoài các trang thiết bị xuống cấp thì nhiều phần mái nhà vệ sinh đã bị hoen gỉ.

Mất trộm xảy ra "như cơm bữa"

Chị T. đã có gần 10 năm trông coi, dọn dẹp NVSCC cho biết, các nhà vệ sinh được làm bằng sắt, inox khi trang thiết bị hỏng thì công nhân có thể tự sửa hoặc mua về lắp còn đối với nhà vệ sinh bằng nhựa thì việc này phải báo lên công ty.

Còn chị H. có hơn 2 năm kinh nghiệm chia sẻ, nơi chị làm việc có rất nhiều trộm "để mắt" đến nên việc mất bóng điện, vòi xịt,... xảy ra như cơm bữa. Thậm chí, trộm còn dùng cưa để cắt thanh sắt trên mái của nhà vệ sinh.

Sau hơn 2 năm đưa vào sử dụng, hiện NVSCC nơi chị H. trông coi đã xuống cấp, phần nền hư hỏng, một số bóng đèn bị mất. Một tháng làm đủ 30 ngày chị H. nhận được mức lương 6 triệu đồng (chưa đóng bảo hiểm), nếu gia đình có công to, việc lớn không thể đi làm, chị phải bỏ tiền túi ra thuê người trông coi hộ.

Trải nghiệm nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội - 4

Đèn chiếu sáng của nhà vệ sinh trên đường Láng không còn hoạt động.

"Làm gì cũng phải có tâm nên chỉ thấy nhà vệ sinh bẩn là tôi dọn dẹp ngay", chị H. nói.

Bất kể ngày nắng hay mưa bà Hùy (quê Vĩnh Phúc - người trông coi, dọn dẹp NVSCC) đều có mặt tại NVSCC nằm trên vỉa hè đường Lê Quang Đạo từ lúc 5h30 sáng và công việc kết thúc vào 22h. Để nhà vệ sinh được sạch sẽ, không bốc mùi bà Hùy phải dọn dẹp liên tục, có ngày lên tới 40-50 lần.

Trải nghiệm nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội - 5

Phần mái nhà vệ sinh xập xệ gây nguy hiểm.

Trải nghiệm nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội - 6

Nền gạch bị vỡ, ngấm nước nên bốc mùi hôi thối khó chịu.

Anh Nguyễn Chí Dũng là hướng dẫn viên du lịch thường dẫn tour cho khách nước ngoài tại Việt Nam khuyến khích du khách sử dụng nhà vệ sinh tại các điểm tham quan. 

Theo anh Dũng, hầu hết các điểm tham quan tại Hà Nội đều có nhà vệ sinh rộng, sạch sẽ, thoáng nên gần như du khách đi theo đoàn sẽ không sử dụng NVSCC. 

Anh Dũng đưa ra "gợi ý" về việc Thủ đô Hà Nội nên làm các NVSCC tích hợp cùng quán cafe hoặc cửa hàng tiện ích, vừa sạch sẽ lại đảm bảo yếu tố mỹ quan đô thị. Bởi có một số điểm tham quan, du khách đang ngắm cảnh đẹp "bỗng" xuất hiện NVSCC gây mất thẩm mỹ.

Cuối tháng 1/2023, một khảo sát của QS Supplies (tổ chức tại Anh, được hãng Nikkei Asia, Nhật Bản dẫn lại) đã xếp hạng điều kiện nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) tại 69 thành phố du lịch trên thế giới.

Trong đó, điều kiện NVSCC ở hai thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và Hồ Chí Minh xếp gần áp chót bảng xếp hạng, chỉ đứng trên Johannesburg của Nam Phi và Cairo của Ai Cập.

Bảng xếp hạng được tính trên số lượng NVSCC trung bình mỗi km2. Cũng trong khu vực Đông Nam Á, thành phố Kuala Lumpur (Malaysia) xếp hạng 42, Bangkok (Thái Lan) vị trí 45,...

"Mọi thứ tại TP HCM đều hấp dẫn khách du lịch quốc tế, trừ nhà vệ sinh", tờ Nikkei Asia dẫn báo cáo của công ty QS Supplies. Tương tự như TP Hồ Chí Minh, điều kiện sử dụng NVSCC của Hà Nội cũng rất tệ đối với du khách.

Tờ Nikkei Asia "gợi ý" du khách khi đến Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh thì tìm đến trung tâm mua sắm để "giải quyết nỗi buồn" nếu chẳng may rơi vào "thế bí".