TPHCM: Trùng tu di tích Cột cờ Thủ Ngữ 155 tuổi
(Dân trí) - Cùng với Bến Nhà Rồng, Bến Bạch Đằng và Cầu Móng, Cột cờ Thủ Ngữ là yếu tố quan trọng tạo nên quần thể lịch sử - văn hóa đặc trưng, đồng thời là nhân chứng cho quá trình phát triển đô thị TPHCM.
Cột cờ Thủ Ngữ ở Bến Bạch Đằng (quận 1, TPHCM) đã 155 tuổi, được xếp hạng di tích cấp Thành phố năm 2016, tên tiếng Pháp là "Mât des signaux", nghĩa là "cột tín hiệu" cho tàu bè ra vào luồng lạch khu vực Sài Gòn - Gia Định.
Hiện công trình bị xuống cấp nghiêm trọng như: nền gạch, tường, trần bị bong tróc, bể, thấm và vỡ khá nhiều. Cửa ra vào, cửa sổ, xà đỡ sàn gác mái cũng bị mối mọt. Mái cũng bị thấm nước. Phần ốp gỗ của Cột cờ bị hư hại, khoan thủng... Ngoài ra, Cột cờ cũng thiếu hệ thống điện nước.
Do đó, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã đồng ý trùng tu Cột cờ Thủ Ngữ theo đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Văn hóa - Thể thao, Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc.
Theo đó, Cột cờ Thủ Ngữ sẽ được trùng tu theo hướng giữ nguyên kiến trúc phần cột và thay đổi một số cấu trúc dưới chân. Phương án này mang lại những giá trị kiến trúc mới, đồng thời giữ được những giá trị đặc trưng cho công trình.
"Đây cũng là cách tiếp cận phổ biến trên thế giới và cũng phù hợp với sự phát triển hình thái kiến trúc của Cột cờ Thủ Ngữ trong lịch sử" - đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc đưa ra quan điểm.
Để tạo sự đồng thuận cao từ cộng đồng, người đứng đầu chính quyền TPHCM yêu cầu quá trình nghiên cứu thiết kế chi tiết cần lấy ý kiến Hội khoa học Lịch sử TP, Hội Kiến trúc sư TP...
Ngoài ra, việc cải tạo công trình Cột cờ Thủ Ngữ cần được thực hiện cùng với cải tạo công viên tại Cột cờ nhằm phát huy giá trị cảnh quan, đồng thời kết nối với công viên Bến Bạch Đằng để thu hút người dân và khách du lịch.
Vì vậy, Chủ tịch UBND TP cũng giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn đơn vị tư vấn lập phương án cải tạo, chỉnh trang công viên Bến Bạch Đằng.
Trải qua 155 năm "thi gan cùng tuế nguyệt", Cột cờ Thủ Ngữ có nhiều thay đổi về hình thái và công năng. Năm 1865, công trình là cột tín hiệu dạng cột thuyền buồm bằng gỗ và không có khối đế. Công trình được xây dựng trên nền một cột cờ và trạm kiểm soát tàu thuyền của nhà Nguyễn. Đây là một hình thức cột tín hiệu ở các nước phương Tây thế kỷ XIX.
Giai đoạn 1890-1910, cột tín hiệu được dựng lại bằng sắt, cao 35m, bổ sung thêm sàn đứng kéo cờ. Cầu tàu trước Cột cờ được mở rộng. Khu vực gần Cột cờ có thêm một số công trình phục vụ cho chức năng bến cảng như tòa nhà kiểm tra thuế quan và nhà kho.
Một số công trình lớn và quan trọng của khu vực được hình thành ở khu vực xung quanh Cột cờ, tiêu biểu có tòa nhà trụ sở Công ty vận tải đường biển Pháp - Messageries Maritimes (tức bến Nhà Rồng) và tòa nhà Vương Thái (trụ Sở Cục Hải Quan ngày nay).
Thập niên 1920, một công trình hình bát giác một tầng có mái dốc được xây dựng dưới chân cột cờ. Cầu tàu trước Cột cờ được mở rộng. Khu vực trước Cột cờ có một kios giải khát tên tiếng Pháp là La Pointe des Blagueurs (Mũi Tán dóc).
Thập niên 1930, công trình không có thay đổi lớn về kiến trúc. Các nhà kho, kios và công trình xung quanh Cột cờ được tháo dỡ để xây dựng thành một công viên dọc bờ sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé.
Thập niên 1940, công trình được xây dựng lại với hình thức kiến trúc thay đổi.
Thập niên 1950-1960, công trình đã không còn vai trò như một cột tín hiệu. Khối công trình dưới chân Cột cờ được sử dụng làm nhà hàng có tên "Ngân Đình Tửu Quán".
Giai đoạn từ năm 1975-2000, công trình trải qua một số lần cải tạo và bỏ phần mở rộng được xây dựng những năm 1960.
Năm 2011, công trình được trùng tu với hình thức kiến trúc như hiện nay. Cột cờ Thủ Ngữ được xếp hạng di tích cấp Thành phố năm 2016.