TPHCM thống nhất đầu mối quản lý hạ tầng kỹ thuật
(Dân trí) - UBND TPHCM vừa có quyết định thành lập Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP để thống nhất quản lý về cấp thoát nước, công viên, cây xanh, chiếu sáng đô thị trên địa bàn.
Trung tâm này trực thuộc Sở Xây dựng trên cơ sở tổ chức lại 4 Khu quản lý giao thông đô thị, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn (trước đây thuộc Sở Giao thông vận tải) và Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.
Trước đó, thành phố đã chuyển giao một số chức năng, nhiệm vụ về cấp nước, thoát nước đô thị; công viên, cây xanh đô thị; khai thác, duy tu, bảo trì các công trình chiếu sáng đô thị… từ Sở Giao thông vận tải sang Sở Xây dựng.
Việc chuyển chức năng này là hiện thực hóa các yêu cầu của Trung ương, đồng thời giảm tải cho “siêu sở” Giao thông vận tải TP vì “ôm” quá nhiều chức năng.
Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật được thay mặt UBND TP làm chủ sở hữu, tổ chức quản lý vận hành, bảo trì toàn bộ hệ thống thoát nước, kiểm soát triều, hệ thống thu gom và xử lý nước thải, bùn thải trên địa bàn TP và bảo trì các công trình về chiếu sáng đô thị, công viên, cây xanh đô thị.
Bên cạnh đó, trung tâm này sẽ tham mưu Giám đốc Sở Xây dựng việc nghiên cứu, xây dựng chiến lược và giải pháp kiểm soát lũ, triều trên địa bàn thành phố và các vùng phụ cận, xác định các dự án ưu tiên, phân kỳ thực hiện; điều phối các hoạt động, dự án tiêu thoát nước để giải quyết căn bản tình trạng ngập trên địa bàn thành phố.
Phối hợp làm việc và thúc đẩy các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) về xử lý thoát nước, xử lý nước thải, bùn thải.
Trung tâm Quản lý có Giám đốc phụ trách và không quá 3 Phó Giám đốc giúp việc. Các vị trí này do Giám đốc Sở Xây dựng bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ.
Trước đó, để đảm bảo quản lý thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến địa phương về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chấm dứt việc phân giao các nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật cho các Sở khác ngoài Sở Xây dựng theo đúng quy định của Chính phủ.
Vì điều này không bảo đảm sự quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương, gây nên tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các Sở; không xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Sở và Giám đốc Sở trong công tác quản lý nhà nước về hạ tầng kỹ thuật.
Theo đó, Bộ yêu cầu khẩn trương rà roát, quyết định chuyển giao toàn bộ chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật mà trước đó đã phân giao cho các Sở khác để đảm bảo chỉ duy nhất Sở Xây dựng là cơ quan chuyên môn có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh, thành phố.
Việc này cũng góp phần tinh giản bộ máy, thu gọn đầu mối, giảm bớt thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, đảm bảo quản lý thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến địa phương trong quản lý hạ tầng kỹ thuật.
Quốc Anh