TPHCM theo đuổi đề án không tổ chức HĐND quận, phường
(Dân trí) - UBND TPHCM sẽ lấy ý kiến về đề án không tổ chức HĐND quận, phường trong tháng 6, trước khi trình Trung ương. Trước đó, TPHCM là một trong 10 địa phương thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường.
Theo thông báo của Văn phòng UBND TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong giao Sở Nội vụ tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh, tham mưu cho UBND TP lấy ý kiến góp ý của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP đối với đề án không tổ chức HĐND quận, phường tại thành phố. Đề án sẽ được báo cáo lên Ban Thường vụ Thành ủy trong tháng 6 này, trước khi trình Trung ương.
Trước đó, TPHCM là một trong 10 địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường theo Nghị quyết 26 của Quốc hội (khóa XII) được thông qua vào kỳ họp thứ 4, ngày 15/11/2008 và có hiệu lực vào ngày 1/4/2009.
Tuy nhiên, theo Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 thông qua tại kỳ họp thứ 9 thì tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính phải gồm có HĐND và UBND.
Vì vậy, từ năm 2016, TPHCM lập lại HĐND các cấp. Theo Sở Nội vụ, kinh phí hoạt động và phụ cấp khi lập lại HĐND các cấp sẽ là hơn 47 tỷ đồng mỗi năm, với hơn 8.300 đại biểu.
HĐND quận, huyện, phường sử dụng chung trụ sở với UBND cùng cấp. UBND quận, huyện, phường sắp xếp một số phòng làm việc cho lãnh đạo và các Ban HĐND (như trước khi thí điểm không tổ chức HĐND). Ngoài ra, phát sinh thêm kinh phí mua sắm trang thiết bị hoạt động của bộ phận thường trực HĐND quận, huyện, phường.
Đánh giá về kết quả đã được đạt khi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường từ năm 2009 trên địa bàn TP, Sở Nội vụ cho biết, việc thực hiện thí điểm này là chủ trương phù hợp với thực tế của TPHCM, được nhân dân thành phố đồng tình và sự thống nhất của các ngành, các cấp ở thành phố.
Việc thí điểm này cũng tinh gọn bộ máy, khắc phục được sự trùng lắp về chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan, đảm bảo tính thống nhất, nâng cao hiệu quả, hiệu lực và phát huy dân chủ trực tiếp ở cơ sở. Vai trò của chủ tịch UBND, người đứng đầu bộ máy UBND quận, huyện, phường được phát huy thông qua việc chủ tịch UBND cấp trên bổ nhiệm.
Sở Nội vụ cũng nhấn mạnh: việc thí điểm này không ảnh hưởng đến kết quả hoạt động thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng, chăm lo đời sống và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn, tạo tiếng nói chung và đồng thuận của nhân dân trong quá trình thực hiện.
Tại cuộc họp trực tuyến diễn ra ngày 8/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận kiến nghị của TPHCM về việc không tổ chức HĐND cấp quận, phường.
"Chúng tôi sẽ báo cáo Bộ Chính trị. Hà Nội đã làm được rồi, tôi đề nghị Thành ủy TPHCM có báo cáo Bộ Chính trị đồng ý chủ trương để làm cho chắc chắn", Thủ tướng lưu ý.
Tại kỳ họp cuối năm 2019, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cho phép TP Hà Nội thí điểm mô hình chính quyền đô thị từ năm 2021. Trong thời gian thí điểm, TP Hà Nội không tổ chức HĐND phường.
Về cơ cấu tổ chức, UBND phường gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các công chức khác của phường. UBND phường loại I và loại II có không quá 2 Phó Chủ tịch; phường loại III có 1 Phó Chủ tịch. Chủ tịch UBND phường là người đứng đầu UBND và chịu trách nhiệm trước HĐND, UBND và Chủ tịch UBND quận, thị xã và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn.
Quốc Anh